Rất nhiều khó khăn đoàn khảo cổ vấp phải trong quá trình khai quật những hiện vật tại di tích khảo cổ Quá Giáng - Ảnh: Bảo Nguyên |
Nhiều hiện vật quý được tìm thấy
|
Theo giảng viên Nguyễn Chiều, ĐH KHXH-NV Hà Nội - người trực tiếp làm công tác khảo cổ tại khu di tích khảo cổ Quá Giáng, sau 2 tháng làm công tác khảo cổ, đã khai quật nên nhiều hiện vật quý hiếm.
Đó chính là những gạch điêu khắc trang trí của các công trình kiến trúc xưa bị đổ vỡ; nhiều mảnh ngói Chăm có mũi hình tam giác và mũi hình tròn, gốm Gò Sành, gốm sứ Việt thế kỉ 17-18, gốm sứ Trung Quốc từ thời Tống-Nguyên về sau. Cùng với đó là những hiện vật bằng sa thạch vô cùng quý hiếm, đó là bậc tam cấp, 1 đầu tượng thần Siva, 2 đầu tượng người cầu nguyện, 2 chóp tháp góc; 10 vật trang trí góc, 1 đế bệ thờ có kích thước lớn, 3 tảng đá kê bệ thờ và 1 mảnh bàn tay tượng... ngoài ra có còn 29 viên và mạch gạch có điêu khắc trang trí, 14 viên gạch không có hoa văn trang trí, nhiều mảnh ngói âm dương, ngói móc Chăm...
“Đáng chú ý nhất đó chính là khi khai quật khu vực sân bê tông và khoảng vườn trống nhà ông Nguyễn Đợi, đã phát hiện ra nền móng tháo có bình đồ hình chữ nhật, vẫn còn rõ dấu vết tường tháp thu giật cấp nhỏ dần lên ở góc tây nam tháp. Đã thấy rõ tháp có một cửa quay về hướng tây với bậc tam cấp làm bằng đá nguyên khối. Bậc tam cấp này có kích thước lớn với 3 bậc. Hai bên thành bậc cấp được trang trí nổi hình thủy quái Makara. Đây là bậc tam cấp bằng đá nguyên khối lớn nhất và duy nhất được biết tới từ trước đến nay trong nghệ thuật điêu khắc đá Chăm được tìm thấy!” ông Nguyễn Chiều chia sẻ thêm.
Khó khăn trong quá trình khai quật
Có không ít khó khăn mà đoàn khảo cổ tại di tích Quá Giáng gặp phải trong quá trình tham gia khai quật những hiện vật cổ tại khu vực này. Hầu hết khu vực khai quật nằm trong địa phận nhà của 2 ông Nguyễn Đợi và Lê Quốc Lộc. Do phần lớn khu vực này đã được xây dựng, được bê tông hóa nên việc thương lượng với các gia đình để tiếp tục khai quật không phải là việc dễ dàng. Chính quyền địa phương dù cùng chung tay, nhưng cũng không thể can thiệp bởi thuộc quyền riêng tư của gia đình mỗi hộ dân.
Theo thành viên của đoàn khảo cổ, khi phát hiện nền móng gạch lộ ra dấu vết của một ngôi tháp trong khu vực của nhà ông Lộc, và dù một phần tháp đã bị phá hủy do trong qua trình xây dựng, khu vực này được gia đình đào ao thả cá, nhưng dấu tích tháp vẫn còn rất rõ với 9 hàng gạch dày khoảng 0,5m. Dù chắc chắn về nền móng của tháp, nhưng dấu vết kiến trúc của tháp phần lớn nằm trong phía nhà xây của gia đình ông Lộc, nên không thể tiếp tục khai quật để tiếp tục khai phá được. “Việc đền bù không thể tiến hành dễ dàng, một phần cũng do kinh phí, nên không thể mở rộng hố để tiếp tục làm công tác khảo cổ được! Chúng tôi cũng đành phải dừng lại trước những khó khăn không thể khắc phục được này, dù rất tâm huyết và nhiều trăn trở!” ông Nguyễn Chiêu chia sẻ.
Diệu Hiền
Bình luận (0)