Di tích gốc bị nhà chùa phá hủy
Chùa Đá (Thạch Động tự) rộng 3.200 m2, nằm trên triền đồi thuộc địa phận thôn Châu Linh, xã Tùng Ảnh, liền kề với chân núi Tùng Lĩnh thuộc dãy Trà Sơn. Trước đây, chùa Đá có tên là Huyền Lâm tự.
Tộc phả họ Phan ghi lại như sau: Vào triều Lê Huyền Tông (ở ngôi từ 1662 - 1671), Phan Lĩnh tên tự là Như Chỉ thông nghề y, sùng đạo Phật, theo nhà sư là Huyền Trân đến sống ở chùa Huyền Lâm của bản xã, sau khi mất, các đệ tử chất củi hóa thân rồi đem di cốt về chôn ở am sau chùa. Sau này chùa Huyền Lâm đổ nát, chùa xây mới đặt lại là Thạch Động tự (chùa Đá).
Dấu vết kiến trúc duy nhất còn lại của chùa cũ chính là am tháp được làm bằng đất nung và một cây thị cổ thụ. Am tháp này đã được ghi nhận là một trong những tháp chùa đẹp nhất mang đặc trưng kiến trúc Phật giáo cuối thời Hậu Lê tại tỉnh Hà Tĩnh.
Như vậy, căn cứ theo ghi chép thì chùa Đá được xây dựng cách đây trên 600 năm, xưa là một ngôi chùa lớn nhất vùng tây bắc của H.La Sơn (H.Đức Thọ ngày nay). Một số nhà sư đạo hạnh đã đến đây tu hành đắc đạo và sau khi viên tịch, xá lị đã được cất giữ trong các mộ tháp của vườn chùa. Theo ghi chép trong gia phả của họ Phan, trong tháp am chùa có di cốt của nhà sư Phan Lĩnh. Đồng thời, gia phả của các dòng họ khác cũng ghi trong tháp am này còn có thêm hài cốt của hai vị sư là Mai Phúc Thông và Võ Chân Nhân.
Căn cứ vào lịch sử tồn tại và linh thiêng của chùa Đá, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định công nhận ngôi chùa này là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2015.
Tuy nhiên, mới đây một số nhà nghiên cứu văn hóa cùng người dân địa phương đã hết sức ngỡ ngàng khi phát hiện am tháp trong chùa Đá bất ngờ "biến mất". Đây là một trong các di tích gốc còn lại để chùa Đá được xếp hạng nhưng đã bị nhà chùa phá hủy hoàn toàn.
Một phật tử của chùa Đá cũng là người dân ở xã Tùng Ảnh cho biết trụ trì của chùa trước đây là thượng tọa Thích Thanh Phong nhưng gần 3 năm nay, vị sư này vào TP.HCM nên giao lại cho đệ tử là thầy Thích Nhuận Lợi phụ trách coi sóc. Vào tháng 10.2022, thầy Lợi đã thuê người phá hủy am tháp ở phía sau chùa.
"Có thể thầy này không biết đây là chứng tích lịch sử và nhận thấy am tháp xuống cấp, hư hại nên đã cho người tháo dỡ mà không xin phép địa phương. Sau khi phá hủy am tháp, hũ cốt các nhà sư đã được di dời chôn cất trong am thờ được xây mới bằng bê tông trước khuôn viên của chùa. Am tháp chính là chứng tích để ngành chức năng công nhận chùa đã có niên đại cách đây hơn 600 năm, nhưng bây giờ không còn thì mất giá trị đó. Chúng tôi là người dân vừa là phật tử ở đây rất đau lòng, tiếc nuối", người phật tử này nói.
Một lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh khẳng định am tháp trong chùa Đá là một trong số di tích gốc còn sót lại rất giá trị và quan trọng để ngành chức năng xác định niên đại tồn tại của ngôi chùa khi lập hồ sơ để xếp hạng. Việc am tháp bị phá hủy khiến di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh này bị xâm hại nghiêm trọng.
Yêu cầu phục dựng am tháp
Trao đổi với PV, ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh, thừa nhận do chính quyền địa phương thiếu sự quản lý nên đã không kịp thời ngăn chặn việc nhà chùa phá hủy am tháp nằm trong khuôn viên chùa Đá.
"Khi chính quyền xã nhận được phản ánh thì sự đã rồi nên chỉ lập biên bản đình chỉ. Sự việc đã xảy ra từ năm ngoái nhưng chúng tôi đã chậm trễ báo cáo vụ việc cho UBND huyện. Mới đây, chúng tôi mới báo cáo và lãnh đạo huyện cùng ngành chức năng của tỉnh cũng đã về làm việc. Tại buổi làm việc, thầy Thích Nhuận Lợi cho biết do không hiểu được ý nghĩa, chứng tích của di tích nên tự ý cho người đập phá mà không xin phép chính quyền địa phương. Nhà chùa cũng đã nhận lỗi và xin được tự khôi phục lại theo nguyên bản am tháp cũ", ông Dũng giải thích.
Còn ông Hoàng Xuân Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Đức Thọ, cho hay cách đây khoảng 1 tháng, huyện mới biết sự việc am tháp trong chùa Đá bị phá hủy nên cùng lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh thành lập đoàn về để kiểm tra, làm việc với nhà chùa.
"Quá trình làm việc thì trụ trì chính của chùa Đá hiện nay đang ở TP.HCM, còn thầy Thích Nhuận Lợi chỉ là người được cử về để coi sóc chùa tạm thời. Do hiểu sai về giá trị và thấy sự xuống cấp nên thầy Lợi đã phá hủy am tháp chứ không cố tình. Chúng tôi cũng đã thống nhất sẽ ra quyết định xử phạt hành chính người phá hủy am tháp và yêu cầu phải phục dựng lại nguyên bản của am tháp. Trước mắt, yêu cầu nhà chùa phải lập bản thiết kế dựa theo hình ảnh am tháp đang lưu giữ, sau đó mới trình Sở VH-TT-DL thẩm định. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu nhà chùa phải làm lại quy trình về người tiếp quản chùa chứ không sẽ trục xuất khỏi địa phương", ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, qua sự việc này, UBND huyện cũng đã yêu cầu các xã trên địa bàn rà soát lại các di tích được xếp hạng để làm tốt hơn về công tác quản lý và yêu cầu nếu có bất cứ sửa sang gì cũng phải lập hồ sơ xin phép cơ quan có thẩm quyền.
Theo ông Nguyễn Tùng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý di sản Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh, việc thầy Thích Nhuận Lợi cho phá hủy am tháp trong chùa Đá là xâm phạm đến di tích và đơn vị này đang yêu cầu địa phương có biện pháp kiểm điểm vị sư này. Hiện nay, phía sở cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật để khôi phục lại am tháp đã bị phá hủy.
Bình luận (0)