Di tích quốc gia biến thành... kho

07/03/2016 06:08 GMT+7

Những đồ vật cung tiến tràn ngập không gian của nhiều đình làng thuộc di tích cấp quốc gia khiến dư luận bức xúc. Không gian công cộng nơi đây trở thành cái kho chứa đồ.

Những đồ vật cung tiến tràn ngập không gian của nhiều đình làng thuộc di tích cấp quốc gia khiến dư luận bức xúc. Không gian công cộng nơi đây trở thành cái kho chứa đồ.

Hiện vật cung tiến ở đình Hạ Hiệp  - Ảnh: Bình NguyễnHiện vật cung tiến ở đình Hạ Hiệp - Ảnh: Bình Nguyễn
Dân bức xúc nhưng... khó xử
Khi nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cùng đoàn làm phim tư liệu tới ghi hình ở đình Hạ Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội) và đình Phùng (Thạch Thất, Hà Nội), cả hai di tích quốc gia này đều đầy ắp hiện vật cung tiến. Đa số chúng đều là đồ đá: đèn đá, lư hương đá, cặp ngà voi giả gắn đá, sập đá...  “Một mớ đèn, sập, lư hương và cả quái thú cõng kim ngân... đủ cả, chật không gian di tích. Thậm chí, tại đình Phùng, khi chưa có những thứ này thì ngày hội kiệu của ngài đặt ở chính giữa lối vào, bây giờ ngày hội phải đặt kiệu sang bên cạnh”, ông Bình chia sẻ.
Một mớ đèn, sập, lư hương và cả quái thú cõng kim ngân... đủ cả, chật không gian di tích. Thậm chí, tại đình Phùng, khi chưa có những thứ này thì ngày hội kiệu của ngài đặt ở chính giữa lối vào, bây giờ ngày hội phải đặt kiệu sang bên cạnh
Nhà nghiên cứu mỹ thuật
Nguyễn Đức Bình
Chưa hết, dưới các hiện vật còn có nhiều biển đá chạm khắc đầy đủ tên thành viên của gia đình cung tiến. Khi biển đá này được đặt dưới gầm lư hương, có cảm giác như người thắp hương đang vái tên người sống. “Nghĩ thấy kẻ hậu sinh, con cháu thâm thúy thật. Tưởng chúng tôn vinh ngài, ai ngờ chúng ghi danh cả họ nhà nó để cả làng khấn vái, cũng là một cách hạ bệ thành hoàng”, ông Bình bức xúc. Cũng phải nói thêm, đình Hạ Hiệp là nơi thờ Hộ quốc Công thần Hoàng Đạo, được cấp bằng di tích cấp quốc gia năm 1991. Đình Phùng được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1993.
Cũng theo ông Bình, không chỉ hai đình trên có tình trạng đưa hiện vật không phù hợp hay hiện vật cung tiến bị khắc chữ kệch cỡm vào. Tại đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), biển công đức của một doanh nghiệp đã được dựng lên ngay cạnh cổng đền. Đình làng Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) thì trên một câu đối cung tiến tại đây ghi rõ hàng chữ: “Tập thể học sinh tiểu học niên khóa 1957 - 1962 cung tiến”.
Cụ Đỗ Kim Nhạc, Trưởng ban Quản lý di tích thôn, chia sẻ người trong làng Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội) cũng nhiều lần bức xúc về việc đứng thắp hương mà phải cúng cả danh sách cung tiến như vậy. Những vật đó, tự người cung tiến chọn mua, chọn khắc rồi tiến vào chứ không phải cung tiến bằng tiền. Tuy nhiên, việc trong làng cũng còn nhiều mối liên hệ, do đó, nếu có một văn bản hướng dẫn cụ thể việc đưa hiện vật lạ ra khỏi đình thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn. Người dân cần sự sâu sát hơn nữa của lãnh đạo các cấp trong việc di dời các hiện vật này. “Chúng tôi chỉ cần một văn bản chỉ đạo thật cụ thể của chính quyền là thực hiện việc di dời hiện vật đặt trái phép ra khỏi di tích”, cụ Nhạc nói.
Chờ... rà soát
“Nếu là người có thẩm quyền thì tôi không chấp nhận đặt các hiện vật này trong di tích. Thứ nhất, nó chiếm lĩnh không gian của đình, biến dạng không gian di tích.
Thứ hai, đó không phải là những sản phẩm tinh hoa của bàn tay người thợ. Tất cả đèn đá, lư hương đá đều không có những nét khéo léo mà làm rất dối. Đình cũng như bảo tàng. Đã là bảo tàng thì phải lựa chọn sản phẩm tinh hoa. Cuối cùng, đình là không gian sinh hoạt của cộng đồng, không thể để mất chỗ như vậy”, ông Bình nói.
Hiện vật cung tiến ở đình Phùng - Ảnh: Bình NguyễnHiện vật cung tiến ở đình Phùng - Ảnh: Bình Nguyễn
Nhiều nhà nghiên cứu cũng không ít lần khẳng định việc giữ gìn không gian cộng đồng này. TS Trịnh Cao Tưởng từng viết: “Hầu như tất cả những người nghiên cứu đình làng đều có một dự cảm chung rằng: đình làng đã từng tồn tại trong nền văn hóa Việt cổ từ hàng ngàn năm trước với tư cách là một căn nhà công cộng - nhà làng, tương tự như nhà rông của đồng bào Bana”. GS Trần Lâm Biền cũng nhìn nhận đình làng như một sản phẩm của sự giao thoa, hòa hợp giữa tư tưởng Nho giáo và nhu cầu xã hội, có tính dân dã để từ đó định mốc niên đại ra đời của ngôi đình làng là vào cuối thế kỷ 15.
Ở góc độ nhà quản lý, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, nhìn nhận thời gian vừa qua có một số di tích ở địa phương tiếp nhận hiện vật cung tiến. “Chúng tôi đã kiểm kê di tích rồi trình thành phố phê duyệt. Thời gian tới đây sẽ chuyển lại hồ sơ đã phê duyệt với các hiện vật này về cho các quận huyện. Các xã phường sẽ biết di tích gốc có gì. Trên cơ sở đó cân nhắc và vận động loại bỏ hiện vật không phù hợp”, ông Tiến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.