Nhiều pho tượng, bệ đá đưa vào di tích trái phép
Sáng 16.3, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo Huyện ủy, UBND H.Vĩnh Lộc đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo xử lý việc đưa nhiều tượng, bệ đá và xây dựng trái phép nhiều hạng mục trong Di tích quốc gia động Hồ Công.
Theo tìm hiểu của PV, thời gian vừa qua, động Hồ Công đã bị xâm hại. 9 pho tượng, 6 bệ đá đã được đưa vào động thờ trái phép. Ngoài ra, còn có nhiều ban thờ xây dựng bằng bê tông cốt thép trái phép.
Cưỡng chế tháo dỡ điện thờ xây trái phép trong động Hồ Công
Sáng ngày 16.3, chính quyền H.Vĩnh Lộc đã huy động nhiều cán bộ, nhân lực vào động để phá dỡ các công trình trái phép, đưa các tượng và bệ đá ra khỏi động.
Sư trụ trì chùa Thông là người chỉ đạo đưa tượng, bệ đá vào di tích
Ông Lữ Minh Thư, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc, cho biết việc phát hiện hoạt động đưa tượng, bệ đá và xây dựng các hạng mục trái phép trong Di tích quốc gia động Hồ Công là do người dân phát hiện và báo cho chính quyền địa phương.
"Sau khi nhận được tin báo, chúng tôi đã kiểm tra, xác định người chỉ đạo đưa các tượng, bệ đá và xây dựng ban thờ là sư trụ trì chùa Thông (chùa Thông nằm phía dưới động Hồ Công – PV), ni sư Thích Đàm Hải. Hôm qua (15.3 – PV), chúng tôi đã tổ chức nhân lực đưa các tượng, bệ đá ra ngoài, hôm nay (16.3 – PV) tiếp tục dọn dẹp những phần còn lại để trả lại nguyên trạng cho di tích. Đồng thời, chúng tôi sẽ xác định cá nhân, tập thể vi phạm để xử lý kỷ luật", ông Thư cho hay.
Trong buổi sáng 16.3, sau khi kiểm tra thực địa, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đã đề nghị UBND huyện, Huyện ủy Vĩnh Lộc xử lý cá nhân, tập thể vi phạm.
"Trường hợp nếu không tìm được cá nhân, tập thể vi phạm để kỷ luật, thì tôi đề nghị Huyện ủy, UBND huyện kỷ luật Chủ tịch xã. Nếu huyện không làm, chúng tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý. Còn các vi phạm thì đề nghị huyện đến ngày 18.3 phải xử lý xong, dọn dẹp sạch đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan di tích", ông Hồng nói.
Ông Đào Xuân Yên, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa thì cho rằng từ thực tế khối lượng xi măng, sắt thép, đất đá tại hiện trường cho thấy việc xây dựng trong thời gian dài chứ không thể ngày một ngày hai.
"Đây là bài học sâu sắc cho huyện và cho ngành văn hóa. Đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nghị quyết của Đảng có, pháp luật của Nhà nước có, nhưng vẫn có di tích bị xâm hại. Đó là vấn đề cần quan tâm. Giờ phải tập trung tháo dỡ, trả lại nguyên trạng di tích, đồng thời di chuyển hết vật liệu để đảm bảo vệ sinh, cảnh quan. Trong quá trình tháo dỡ cần đảm bảo không làm hư hỏng, tác động xấu đến di tích. Sự việc xảy ra là đáng tiếc rồi, nhưng quan trọng hơn là thái độ của chúng ta trong ứng xử, xử lý vụ việc", ông Yên cho hay.
Như vậy, sau khi phát hiện Di tích quốc gia động Hồ Công bị xâm hại, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã ngay lập tức vào cuộc, xử lý vụ việc.
Dưới đây là một số hình ảnh PV Thanh Niên ghi lại trong sáng ngày 16.3:
Bình luận (0)