Di tích quốc gia núi đá Phú Thọ có nguy cơ bị xóa sổ

13/06/2023 07:39 GMT+7

Di tích quốc gia núi đá Phú Thọ (ở xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi) được Bộ VH-TT-DL công nhận đã 30 năm, do không được trùng tu, bảo quản nên đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, trở thành nơi chôn cất người chết.

BỊ XÂM LẤN XÂY mồ mả

Núi Phú Thọ (còn gọi là núi Đá, núi Thạch Sơn) nằm ở địa phận xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi). Núi cao hơn 60 m so với mực nước biển, có nhiều khối đá granite xám với kích thước và hình dạng khác nhau. Nơi đây vẫn còn phế tích thành Bàn Cờ do người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ 9 - 10, trên mặt thành có tháp Chăm, nhưng nay đã bị phá. Xung quanh núi Phú Thọ người dân địa phương đã lấn chiếm xây dựng hàng trăm mồ mả.

Di tích quốc gia núi đá Phú Thọ có nguy cơ bị xóa sổ - Ảnh 1.

Cổng Tam Quan còn sót lại trên đỉnh núi đá Phú Thọ

HẢI PHONG

Bà Lê Thị Thu Thủy (55 tuổi, ở thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú) cho biết núi đá Phú Thọ được công nhận là di tích quốc gia đã lâu nhưng không thấy ai bảo quản.

Theo ghi nhận của PV, sau 30 năm được công nhận là di tích quốc gia, hiện núi đá Phú Thọ đang bị biến thành một nghĩa địa, cây cối mọc um tùm, các bia tự, vết tích thời xưa trên núi đã hư hỏng và có nguy cơ bị xóa sổ. Trên đỉnh núi còn sót lại cổng Tam Quan được xây dựng bằng đá ong và gạch, cao khoảng 3 m, rộng hơn 3 m. Cổng này bị xuống cấp trầm trọng, cỏ dại mọc luôn trên cổng, có nguy cơ ngã đổ bất cứ lúc nào. Theo quy hoạch tổng thể, khu di tích núi đá Phú Thọ có diện tích khoảng 12 ha nhưng thực tế phần đất trống của di tích chỉ còn lại khoảng 20%.

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Võ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú, cho hay xung quanh di tích núi đá Phú Thọ có rất nhiều mồ mả của người dân địa phương. "Việc chôn cất ở đây có từ rất nhiều năm trước, do địa phương chưa có nơi quy hoạch nghĩa trang", bà Thu nói.

Di tích quốc gia núi đá Phú Thọ có nguy cơ bị xóa sổ - Ảnh 2.

Cổng Tam Quan được xây bằng đá ong và gạch

KINH PHÍ TRÙNG TU, BẢO QUẢN CÒN HẠN HẸP

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND TP.Quảng Ngãi cho biết đã chỉ đạo UBND xã Nghĩa Phú tăng cường quản lý và tuyên truyền vận động người dân tại địa phương khi có người thân mất không được chôn cất trên núi đá Phú Thọ mà thực hiện chôn cất tại nghĩa trang của TP.Quảng Ngãi (ở xã Nghĩa Kỳ). Tuy nhiên, do khoảng cách từ xã Nghĩa Phú đến nghĩa trang TP.Quảng Ngãi khá xa, nên người dân gặp khó khăn trong việc thăm viếng, chăm sóc mộ của người thân và chi phí mai táng cũng tăng lên.

Núi Phú Thọ (còn có tên núi Đá, núi Thạch Sơn) tọa lạc tại xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi. Nằm cạnh cửa Đại, Cổ Lũy, núi Phú Thọ như một đồn lũy thiên nhiên án ngữ cửa biển quan trọng bậc nhất tỉnh Quảng Ngãi.

Núi đá Phú Thọ là một phần trong di tích quốc gia núi Phú Thọ và Cổ Lũy cô thôn, được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 7.1.1993.

Tại khu vực Cổ Lũy - Phú Thọ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích thời tiền Champa, có niên đại từ thế kỷ 3 - 7.

Núi Phú Thọ, thành Bàn Cờ, thành Hòn Yàng còn gắn với nhiều giai thoại kỳ thú.

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi, đến ngày 30.8.2022, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 254 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 32 di tích cấp quốc gia, 153 di tích cấp tỉnh, còn lại là các di tích có quyết định bảo vệ và đăng ký bảo vệ. Qua rà soát, chỉ có 98/254 di tích được cắm mốc giới, 41/254 di tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có khoảng 50/254 di tích bị lấn chiếm, xâm hại, trong đó có cả những di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi, cho biết di tích của tỉnh Quảng Ngãi có khá nhiều, chủ yếu là các di tích lịch sử, cách mạng tồn tại dưới dạng địa điểm, nằm rải rác, phân bố ở vùng sâu, vùng xa, đường giao thông đi lại rất khó khăn, nên chưa tạo được sự liên kết để phát triển hiệu quả cho các tuyến tham quan, du lịch trong tỉnh.

Di tích quốc gia núi đá Phú Thọ có nguy cơ bị xóa sổ - Ảnh 4.

Người dân xây dựng mồ mả xung quanh Di tích quốc gia núi đá Phú Thọ

Theo ông Dũng, từ năm 2018 đến nay, hằng năm, tỉnh Quảng Ngãi đều bố trí từ 1,5 - 3 tỉ đồng để thực hiện trùng tu, tôn tạo, bảo quản định kỳ các di tích có nguy cơ xuống cấp và bị hủy hoại. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này không đủ để thực hiện trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích được xếp hạng.

"Thời gian tới, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi sẽ đánh giá lại một số di tích quan trọng để quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển lâu dài cũng như kêu gọi các nhà đầu tư gắn với phát triển du lịch", ông Dũng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.