Hội chứng bàng quang tăng hoạt khiến người bệnh đi tiểu nhiều lần, bất kể ngày hay đêm, đang làm việc, tập thể thao, tụ tập bạn bè, quan hệ tình dục hay chuẩn bị vào giấc ngủ, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Hội chứng bàng quang tăng hoạt thôi thúc người bệnh đi tiểu và tiểu rất nhiều lần trong ngày |
SHUTTERSTOCK |
Việc sợ phải đi tiểu bất kỳ lúc nào hoặc sợ bị són tiểu sẽ khiến người bệnh đi đâu cũng tìm toilet, không dám đi xa hay tụ tập bạn bè. Điều này khiến họ ngại ra ngoài, đi đâu đó xa và có xu hướng tự cô lập mình. Qua thời gian, tình trạng này có thể góp phần gây trầm cảm. Nhiều người đang mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt nhưng lại không đến bác sĩ khám và điều trị.
Để xác định hội chứng bàng quang tăng hoạt, người bệnh không chỉ tiểu nhiều quá mức mà còn cảm giác mắc tiểu đến đột ngột, khó kiềm chế. Hệ quả có thể gây són tiểu, tiểu không tự chủ.
Người bệnh còn bị tình trạng tiểu nhiều vào ban đêm. Mỗi đêm họ có thể tiểu 2 lần hoặc nhiều hơn, có hiện tượng tiểu dầm.
Một trong những tiêu chuẩn quan trọng để chẩn đoán hội chứng bàng quang tăng hoạt là phải tiểu nhiều hơn 8 lần trong 24 giờ. Người bệnh thường xuyên bị thôi thúc đi tiểu ngay cả khi vừa tiểu xong.
Không phải lúc nào rò rỉ nước tiểu cũng là do hội chứng bàng quang tăng hoạt. Việc rò rỉ nước tiểu khi hắt hơi, ho, cười, đứng lên, đi bộ hay cuối xuống có thể là do tiểu không tự chủ khi bị áp lực (SUI) chứ không phải hội chứng bàng quang tăng hoạt động.
Tiểu không tự chủ khi bị áp lực không khiến người bệnh bị thôi thúc đi tiểu và phải chạy tìm toilet ngay. Người mắc cũng không tiểu quá nhiều lần trong ngày, có bị rò rỉ nước tiểu chỉ là một lượng ít.
Nhiễm trùng đường tiết niệu cũng là nguyên nhân khác gây tiểu nhiều. Vì nhiễm trùng đường tiết niệu và hội chứng bàng quang tăng hoạt có những triệu chứng giống nhau nên hay bị chẩn đoán nhầm.
Điểm khác nhau chính giữa 2 tình trạng này là sự khởi phát của các triệu chứng. Ở nhiễm trùng đường tiết niệu, các triệu chứng khởi phát và tiến triển nhanh, cấp tính, trong khi hội chứng bàng quang tăng hoạt động sẽ kéo dài và mạn tính.
Nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ gây cảm giác nóng rát khi tiểu, nước tiểu có máu hoặc đục. Trong khi đó, hội chứng bàng quang tăng hoạt động lại không có các triệu chứng này, theo Medical News Today.
Bình luận (0)