Ở vùng rừng núi thâm sơn cùng cốc của tỉnh Bình Phước, nơi cư ngụ của người S’tiêng đã từ lâu tồn tại một truyền thuyết rùng rợn về ma lai. Khi một người nào đó bị nghi là ma lai thì họ sẽ tiêu diệt người đó bằng những cây đao sắc bén …
|
Kỳ 1: Truyền thuyết ma lai
Mùa khô là thời điểm hoa điều ở Bình Phước bắt đầu rực rỡ sắc màu chấm đỏ. Con đường đất đỏ bụi mù dẫn chúng tôi vào thôn Sơn Thọ, xã Thọ Sơn, H.Bù Đăng (Bình Phước). Thôn Sơn Thọ nằm cách trung tâm xã khoảng 10 km. Sau hai lần hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được già làng Điểu Rôn. Với mái tóc điểm bạc, vóc người rắn rỏi, già Rôn dẫn chúng tôi thăm quan ngồi nhà xây khang trang, giới thiệu về truyền thống, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân bản địa. Già Rôn hồ hởi nói về các nghề truyền thống, trong đó có nghề rèn của người S’tiêng. Bằng bàn tay điêu luyện, khéo léo, người S’tiêng đã sáng tạo ra những công cụ lao động mang đặc trưng riêng như chiếc xà gạc đi rẫy, con dao đi rừng và chiếc xạc-bất, xạc-lai để làm cỏ…
“Ngày xưa, mình là thợ rèn giỏi nhất thôn sóc mà! Ngoài rèn các công cụ lao động, mình còn rèn những cây đao giết ma lai cho bà con trong thôn sóc. Hồi đó, hầu như nhà nào cũng có một cây đao để trong nhà như vật phòng thân dùng để chặt ma lai”, già Rôn bật mí.
Cũng giống như những câu chuyện rùng rợn dân gian châu u lưu truyền về một giống ma hút máu có tên "ma cà rồng". Người S’tiêng tin ma lai thực sự tồn tại, có hàng chục câu chuyện với những dị bản khác nhau về loài quỷ ma hư hư thực thực này.
Già Rôn kể lại: “Ma lai là những hồn ma chết bờ chết bụi không được chôn cất, không được làm lễ bỏ mả, nên linh hồn vất vưởng hóa thành ma. Ma lai có phép thuật có thể biến hóa, nó thích biến thành người con gái đẹp đi hại người bằng cách hút máu, ăn xác chết…”.
Cũng theo lời già làng Rôn, trong thôn sóc của đồng bào S’tiêng nếu một ai đó bị nghi ngờ là ma lai thì người đó sẽ bị đưa ra trước tập thể và được già làng xét xử. Nhẹ thì bị đày đi biệt xứ, nặng thì bị những cây đao sắc bén xử tử.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xưa kia người S’tiêng nơi đây theo tín ngưỡng đa thần. Họ tin rằng, có một thế lực siên nhiên ma quỷ luôn tìm cách hại con người, làm cho con người bị ốm đau … sau cùng là cái chết.
Chính nỗi sợ hãi về thiên nhiên cùng các hiện tượng tự nhiên mà người S’tiêng không thể lý giải được như dịch bệnh giết chết hàng loạt trâu bò, mùa màng thất bát hay đơn giản chỉ một người đột nhiên bị ốm chết...Người S’tiêng cho rằng tai họa đó đều do ma lai gây ra. Già Rôn kể rằng, nếu một người nào đó trong làng đột nhiên bị ốm sau khi mời thầy cúng làm lễ cúng ma xong, mà vẫn chưa hết bệnh hoặc gia đình, dòng họ có thêm người bệnh thì người ta chỉ còn cách tìm diệt ma để trừ hậu họa. Chính sự thiếu hiểu biết cùng những hủ tục lạc hậu mà từ đây tội ác man rợ bắt đầu.
Già làng Rôn cắt ngang câu chuyện bằng tiếng thở dài, già nói: “Đó là chuyện quá khứ rồi, từ ngày làng mình theo cách mạng theo bác Hồ không còn tin vào ma lai nữa, từ đó những cây đao chặt ma lai cũng dần biết mất”.
Tuy nhiên không vì thế mà bòng đen ma lai hoàn toàn ngủ quên ở vùng rừng núi Tây Nguyên. Trong những năm gần đây, đã xảy ra không ít vụ giết ma lai kinh hoàng đơn cử là vụ thảm sát kinh hoàng vào năm 2007 tại Làng Đắk Yă, xã Đắk Yă, H.Mang Yang, tỉnh Gia Lai, trong làng có 2 thanh niên tên H’Duân và H’Kel tính tình ngỗ ngược, hay rủ nhau trộm cắp. Có lần bạn bè khuyên nhủ, Duân và Kel không nghe còn dọa sẽ thư chết! Một tuần sau, một phụ nữ mạnh khỏe trong làng là bà H’Blin bỗng lăn ra ốm chết. Nghi bà H’Blin bị thư, hàng chục thanh niên kéo đến nhà Duân đập phá tan hoang, sau đó đánh chết Duân kéo xác vứt vào khu nhà mồ, rồi tiếp tục kéo nhau đi đánh chết cả Kel cùng cha ruột là ông H’Nhêu đã 76 tuổi, khi họ đang làm rẫy. (Còn tiếp…)
Lê Tuấn
Bình luận (0)