Đi tìm giải pháp cho V-League 2020

05/04/2020 18:44 GMT+7

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 , VPF hiện đang đau đầu trong việc tìm giải pháp cho V-League 2020. Sau đây là 3 giải pháp có thể coi là khả thi nhất ở thời điểm hiện tại.

Giải pháp 1: Giữ nguyên số đội

Đây là giải pháp mà 4 CLB: SLNA, SHB.Đà Nẵng, Nam Định, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã đề xuất trong cuộc họp trực tuyến ngày 31.3 vừa qua. Điều đó có nghĩa là sẽ không có đội xuống hạng từ V-League, hạng Nhất hay hạng Nhì và theo đó cũng sẽ không có đội bóng chuyển lên theo chiều ngược lại ở các giải đấu này.

Về ưu điểm, đây là giải pháp an toàn và không gây xáo trộn cơ cấu tổ chức của các giải đấu. Tuy nhiên, trong trường hợp này, động lực thi đấu của cầu thủ cùng chất lượng chuyên môn của giải đấu sẽ là dấu hỏi lớn. Không có đội lên, xuống hạng đồng nghĩa với việc ngoài nhóm cạnh tranh chức vô địch V-League, phần lớn các CLB khác sẽ rơi vào tình trạng "đá cho vui", thiếu động lực thi đấu. Thực tế này sẽ dẫn tới sự giảm sút về mặt chất lượng chuyên môn cũng như sức hấp dẫn đối với khán giả.

Chưa kể tới những đội bóng hạng dưới có tham vọng và khát khao thăng  hạng chuyên nghiệp thực sự, việc không có đội xuống/lên hạng sẽ là sự bất công với nỗ lực của các đội bóng này.

V-League 2020 đang đứng trước tình thế có thể hoãn kéo dài

VPF

Giải pháp 2: Không có đội xuống hạng nhưng vẫn có đội thăng hạng

 Đây là giải pháp tình thế mà Nhật Bản quyết định áp dụng ở mùa giải năm nay trong bối cảnh chưa biết chính xác thời điểm kiểm soát được dịch bệnh. Theo xác nhận mới nhất của Chủ tịch J-League, ông Mitsuru Murai, J-League 2020 sẽ không có đội xuống hạng. Hai đội dẫn đầu J-League 2 và J-League 3 League vẫn thăng hạng lên chơi tại J-League 1 và J-League 2. Tuy nhiên, ở mùa giải 2021, số suất xuống hạng sẽ tăng từ 2 lên thành 4 đội nhằm khôi phục đúng số lượng đội tham dự giải trước đó.

Học theo người Nhật, VPF cũng có thể áp dụng tương tự cho các giải đấu hàng đầu của chúng ta. Khi đó, V-League 2020 sẽ không có đội xuống hạng. Còn giải hạng Nhất và hạng Nhì năm nay vẫn có 2 suất lên hạng. Để khôi phục lại số lượng như cũ, số suất xuống hạng ở V-League và giải hạng Nhất 2021 sẽ lần lượt là 3,5 và 3.

Giải pháp 3: Chỉ thi đấu một lượt

Mới đây, báo chí Thái Lan đã đăng tải ý kiến của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmoung về việc Thai-League đang dự kiến sẽ chỉ đá 1 lượt trận (thay vì lượt đi và lượt về như mọi năm). Đây cũng là một giải pháp đáng để VPF lưu tâm và cân nhắc. Bởi với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chưa biết bao giờ V-League mới có thể trở lại. Trong khi trong 3 tháng cuối năm, đội tuyển Việt Nam còn phải tập trung thi đấu ở vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020.

Phan Văn Đức trở lại, nhưng anh phải chờ thêm thời gian để khẳng định

VPF

Trong trường hợp phải đến tháng 6 hoặc tháng 7 mới có thể kiểm soát được tình hình, quỹ thời gian còn lại của V-League 2020 chỉ còn khoảng 3 tháng. Không thể ép các CLB thi đấu dồn dập 24 vòng đấu còn lại trong khoảng thời gian này. Vì thế, sẽ là hợp lý hơn nếu chỉ tổ chức 11 vòng đấu (vì đằng nào 2 vòng đấu đầu tiên cũng đã diễn ra trên sân không có khán giả, nghĩa là không còn khái niệm sân nhà, sân khách).

 Có một điều chắc chắn là dù VPF chọn giải pháp nào để tiếp tục tổ chức V-League 2020 thì cũng cần sự đồng thuận của các CLB, VFF cũng như được sự chấp thuận của Tổng cục Thể dục thể thao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.