Đi tìm hấp lực của thiền, 'giải mã' những chuyện kỳ lạ: Xuyên qua nỗi đau

19/07/2018 12:16 GMT+7

Trầm cảm, bị phụ tình hoặc người thân yêu đột ngột mất đi..., nhiều người đến những khóa thiền mong tìm được phương thuốc chữa lành vết thương lòng.

Nắm bắt nhu cầu thực tế, nhiều trung tâm yoga thường xuyên mở các khóa “thiền chữa lành” như một trào lưu thịnh hành. Các khóa thiền này diễn ra ngoài đời hay trên internet với nhiều tên gọi khác nhau, có thu phí hoặc kêu gọi đóng góp tùy tâm.
Người bớt buồn, kẻ thêm đau
Khi tổng giám đốc... lau chùi
nhà vệ sinh
Tại TP.HCM, có một số khóa thiền dành cho doanh nhân. Theo đó, lãnh đạo, tổng giám đốc tập đoàn lớn cũng phải đích thân...  lau chùi nhà vệ sinh, nhà tắm. Được biết, ý nghĩa của hoạt động này nhằm để thiền sinh suy nghĩ và vượt qua cái tôi (bản ngã) của mình, sống hòa hợp với nhân viên và những người xung quanh.
Đã chọn ngày lành tháng tốt, đặt tiệc nhà hàng xong xuôi, T.H (ngụ tại TP.HCM) ngã gục khi người chồng sắp cưới của cô vĩnh viễn ra đi bởi tai nạn giao thông.
Sau thời gian dài sống như cái xác không hồn, đầu năm nay T.H khăn gói lên Đà Lạt (Lâm Đồng) tham gia khóa thiền chữa lành với hy vọng mình sẽ nguôi ngoai. Khóa học kéo dài nửa tháng, nhưng chưa tới nửa chặng đường T.H đã bỏ về. Vết thương lòng của cô không những không liền sẹo, mà còn thêm “sưng tấy”.
Có mặt trong khóa thiền trên và là bạn thân của T.H, anh Lê Quý (ngụ P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết những ngày đầu anh cảm thấy rất khó chịu, nặng nề. Bởi khi đó, người giảng liên tục gợi lại những chuyện buồn mà anh muốn quên, về những người anh cho là xấu và rất căm ghét.

Áp lực bên trong cộng áp lực bên ngoài (thói quen sinh hoạt đảo lộn, tê mỏi cơ thể khi mới ngồi thiền…) khiến Quý tự hỏi: Vì sao mình phải chịu khổ như vậy? Mình lên đây để nghỉ ngơi, tìm đến những điều tốt đẹp mà? Lẽ ra, cái gì đã qua thì nên cho qua luôn chứ?... Tuy vậy, anh vẫn muốn đi đến hết khóa thiền chữa lành này để xem như thế nào.
“Tôi rất ngại khi có ai nhắc đến nỗi đau mất cha của tôi. Nhưng hôm đó thầy hỏi đến tận cùng, làm tôi không trả lời được mà khóc hết nửa tiếng. Tôi nghĩ mình sẽ được buông tha. Nào ngờ, thấy tôi khóc xong, thầy hỏi lại từ đầu, đến mức suốt 2 ngày chỉ đụng đến nỗi đau đó thôi. Bước sang ngày thứ ba, tôi bỗng nhìn sự việc rất nhẹ nhàng. Bây giờ, tôi nhắc về cha như một niềm tự hào. Rốt cuộc, tôi cũng gặt hái những điều xứng đáng sau khi vượt qua thử thách”, anh Quý kể.
Một khóa thiền chữa lành tại TP.HCM Ảnh: Minh Giang

Từ trải nghiệm bản thân, một số thiền sinh lưu ý khóa chữa lành này như con dao hai lưỡi bởi nó không đảm bảo sẽ vượt qua được nỗi đau. Với những người không thể vượt qua, họ càng đắm chìm trong ký ức khổ đau vừa bị khơi lại và khoét sâu.
Đề cập trường hợp người bạn T.H bỏ cuộc, anh Quý cho rằng T.H chỉ đặt mục tiêu duy nhất khi đi thiền là để quên biến cố về người chồng sắp cưới thân yêu. Đến khi không quên được, cô ấy chẳng còn lý do gì ở lại khóa thiền. Nếu T.H có thêm những mục tiêu khác để hướng đến, như tìm sự bình an cho tâm hồn, suy nghĩ tích cực cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn..., có lẽ cô ấy đã không tuyệt vọng như vậy.
“Không ai chữa lành cho bạn...”
Chôn mình dưới cát để tập thiền
Huấn luyện viên yoga Trang Phương tư vấn cho tôi: “Trước khi mặt trời lên, chị thử đào cái hố rộng ở bờ biển, rồi xuống đó lấp kín cát, chỉ chừa cái cổ. Không mang, mặc bất cứ thứ gì trên người càng tốt. Chị thả lỏng cơ thể và tâm trí, chỉ tập trung hít thở. Từ điểm này, chị sẽ nghe người mình nhẹ như thế nào, nghe từng mạch máu chuyển động ra sao... Đây là ngưỡng đầu tiên, giống như mới bước vào lớp mẫu giáo của thiền vậy”.
Năm 2016, suốt mấy tháng liền chị Minh Nguyệt (32 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khóc lóc, chìm trong đau khổ vì đổ vỡ mối tình sâu đậm, lâu dài mà chị nghĩ sẽ tiến tới hôn nhân.
Trong giai đoạn đó, chị Nguyệt có dấu hiệu trầm cảm, không muốn tiếp xúc hay nói chuyện với bất kỳ ai. Hằng ngày chị viết mail hay nhật ký về anh ta, với những câu chửi bới độc địa, đầy căm giận.
“Để thoát khỏi cảm xúc tiêu cực, tôi tìm đến thiền chữa lành như một phương pháp trị liệu. Quá trình hành thiền đã dần giúp tôi cân bằng tâm lý, nhìn mọi việc nhẹ nhàng hơn. Những người hướng dẫn hằng ngày thường nói về yêu thương và lòng bao dung, điều đó cũng gieo yêu thương góp phần “chữa lành” tâm hồn, khiến tôi trở nên bao dung với người và với chính mình”, chị kể.
“Tại sao mình và người ấy đã yêu thương, gắn bó bên nhau ba, bốn năm trời? Vì anh ta có những điểm tốt. Và đã là người tốt, anh không cố tình gây ra những tổn thương cho mình. Chỉ là trong thời điểm đó, anh có những nỗi niềm riêng và không có cách giải quyết tốt hơn. Chắc anh cũng chẳng vui sướng gì khi mối quan hệ này đổ vỡ...”. Bản thân chị Nguyệt cũng bất ngờ với những suy nghĩ tích cực đó. Trong khi suốt 2 năm trước, chị đinh ninh mình sẽ hận thù “kẻ phản bội, gã sở khanh” đó suốt đời.

Mới đây, tôi có dịp tham gia một khóa thiền chữa lành với chủ đề “Sống với vô thường” tại TP.HCM. Tại đó, các thiền sinh phải tuân thủ ba nguyên tắc: kỷ luật, trọn vẹn và tịnh khẩu (giữ yên lặng để quan sát thân tâm và tái tạo năng lượng). Chúng tôi lưu trú trong khu tập thể và không được sử dụng điện thoại suốt khóa thiền. Mỗi người được cấp chiếc chiếu, mền, mùng, ngủ trên nền xi măng trong phòng tập thể.
Các hoạt động diễn ra từ 5 giờ đến 22 giờ, gồm: tập yoga, nghe giảng theo chủ đề, thực hành thiền ngồi, thiền trà, thiền động, thiền đi, chia nhóm hoạt động karma - phụng sự bất vụ lợi như phục vụ bữa ăn cho mọi người, phụ dọn dẹp, làm bếp... Mỗi hoạt động như vậy thường kéo dài 30 hoặc 60 phút.
Có những thời khắc hành thiền đi bộ, chạm bàn chân trần lên đất, lên cỏ ẩm ướt sau cơn mưa, trong tôi dậy lên bao cảm xúc mới mẻ. Sáng sớm, lúc chúng tôi nằm trên bãi cỏ ngắm bầu trời bao la và đón mặt trời lên, một nữ thiền sinh ngoài 50 tuổi thốt lên: “Từ lâu lắm rồi, tui mới được ngắm trời. Vì suốt ngày cứ cắm mặt vào công việc!”.
Cuối khóa, các thiền sinh chia sẻ những vấn đề mình đang trăn trở hay cần “chữa lành”. Một giảng viên tâm tình: “Không ai có thể chữa lành cho bạn ngoài chính bạn. Bạn mới là người hiểu rõ bản thân nhất. Quá trình hành thiền để chữa lành cần sự kiên trì, chứ không chỉ qua một, hai khóa thiền”.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.