TNO

Đi tìm hồn quê lụa Vạn Phúc

01/01/2015 07:30 GMT+7

(Tin Nóng) Nhiều người, khi nghe nhắc đến Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội) đều nghĩ đến những cánh đồng đầy những dải lụa được phơi nắng, những chiếc máy quay tơ dệt lụa bằng gỗ, hay những cửa hàng bán lụa đầy màu sắc. Với tôi, Vạn Phúc không chỉ có thế.

(Tin Nóng) Nhiều người, khi nghe nhắc đến Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội) đều nghĩ đến những cánh đồng đầy những dải lụa được phơi nắng, những chiếc máy quay tơ dệt lụa bằng gỗ, hay những cửa hàng bán lụa đầy màu sắc. Với tôi, Vạn Phúc không chỉ có thế.


Chợ lụa Vạn Phúc

Dệt lụa chỉ còn là tiếng

Những cửa hàng lụa và chợ lụa nằm ngay cổng làng bắt mắt và chắc chắn sẽ níu chân khách du lịch ngay khi đặt chân đến Vạn Phúc. Nhưng không dừng lại đó, chúng tôi tìm thấy nhiều góc khác của ngôi làng ven đô Hà Thành những ngày đến thăm.

Nói về ngành nghề truyền thống, cụ bà khoảng 80 tuổi ngồi ở vườn hoa trước đình Vạn Phúc nói rằng, Vạn Phúc giờ chỉ còn vài gia đình dệt lụa. Một thời, người dân chuyển dệt tay sang dệt máy, âm thanh của máy gây ồn ào khắp làng. Nhưng rồi nghề trồng dâu nuôi tằm mai một, giống tằm dệt tơ “tuyệt chủng”, giá tơ nhập tăng cao khiến bà con bỏ nghề gần hết.


Chỉ còn vài gia đình dệt lụa

Vì nhà nước muốn duy trì làng nghề, nên cho quy hoạch một không gian trưng bày, giới thiệu về nghề dệt ngay tại cổng làng. Nhưng giờ cũng chỉ còn lại vài cái tên người dân nổi tiếng gắn với thương hiệu lụa Hà Đông, phần lớn mang tính thương mại. “Trong lịch sử ngành nghề của làng, cũng có khi thăng khi trầm, biết đâu mai này, người dân sẽ quay lại dệt những thước lụa nổi tiếng một thời”, bà cụ nhìn xa xăm, nói. 

Những căn nhà cổ

Điều ấn tượng với chúng tôi chính là dấu ấn của những công trình cổ ẩn khuất quanh làng. Một vài cột cổng đậm dấu thời gian gây tò mò với chúng tôi. Có những cột cổng thực sự chỉ còn là cột cổng, vì phía trong đã là những tòa biệt thự, công trình hiện đại; nhưng vẫn có những ngôi nhà cổ thật sự níu chân người qua.


Một trong số hiếm cổng cổ còn lại

Không dễ tìm thấy những ngôi nhà cổ trăm tuổi tại Vạn Phúc nếu du khách chỉ đến thăm làng này như bao khách du lịch, vì hầu hết đã bị các tòa nhà cao tầng mặt tiền che khuất. Nhưng nếu kiên nhẫn lang thang ngóc ngách trong làng, những người yêu thích kiến trúc xưa sẽ không thất vọng với những gì họ có thể thấy.

Hai căn nhà cổ tôi vô tình được chiêm ngưỡng là căn nhà gỗ tại khối Bạch Đằng, ngay cạnh bên phải của đình Vạn Phúc.


Một trong vài căn nhà gỗ cổ của làng

Cô Toán, một trong hai người chủ, chia sẻ rằng đây là di sản cô được thừa hưởng từ nhiều đời ông cha để lại, căn nhà gỗ tám gian đã được cắt ra chia ra cho con cháu, có người đã đập đi xây nhà mới. Cha mẹ cô còn tiếc nên giữ lại đến nay. Giờ cô dự định đưa nguyên 4 gian còn lại lên tầng cao nếu xây dựng nhà mới, vì công trình xây dựng chung quanh đã khiến căn nhà cổ bị lọt thỏm và dễ bị ngập khi mưa lũ. 

Ông bà cô kể, gia đình đã mất 600 công gỗ xoan rừng để xây dựng nên ngôi nhà hình chữ U ngày xưa. Nét kiến trúc cổ xưa giờ chỉ còn in dấu trên mái ngói và những họa tiết hoa văn hình và rồng phượng trên kèo cột quanh nhà. Nhiều mảng điêu khắc gỗ đã bị người Pháp lấy mất khi họ ở trong căn nhà này hồi thế kỷ trước. “Tâm huyết ông bà để lại nên tôi không muốn bỏ đi, dù việc trùng tu bảo trì bây giờ rất tốn kém”, cô cho hay.


Hoa văn bình phong trong sân của căn nhà cổ


Hoa văn trên xà nhà cổ

Và những di sản phủ bụi thời gian

Chùa, đình hay miếu nằm ở đầu, giữa và cuối làng Vạn Phúc, những nơi chứa đậm nét lịch sử tâm linh của ngôi làng từ xa xưa đến nay, đã được tôn tạo khang trang nhân đại lễ ngàn năm Thăng Long. Nhưng những nét rêu phong và vết tích còn ẩn khuất giữa những nơi này mới là linh hồn của Vạn Phúc.

Có thể kể đến những gốc cây cổ hàng trăm năm tuổi như cây bàng, cây nhãn, đa tía, cây duối hay cây si. Những gốc cây như cột mốc của ngày đầu tiên ngôi làng hình thành, ghi dấu lại những thăng trầm lịch sử của nơi này, giờ trở thành cây di sản được nhà nước bảo vệ.


Cây bàng di sản


Giếng nước thiêng trong chùa Vạn Phúc

Giếng nước trong khuôn viên chùa Vạn Phúc nổi tiếng linh thiêng mà nhiều người dân thường đến thắp nhang khấn cầu bình an. Nhiều người trong làng còn truyền miệng rằng quái tinh ở giếng thiêng này giờ đã thành người sống cùng người dân trong làng.

Những người yêu thích sự khám phá sẽ bị thu hút bởi câu chuyện về khung dệt lụa cổ bằng gỗ được dùng từ thế kỷ 19, Miếu thờ Vạn Phúc, bia đá ghi công người dạy dân dệt lụa mà người già trong làng thường kể lại cho con cháu cũng như du khách thập phương đến thăm làng.


Mái ngói cổ trong làng Vạn Phúc


Hẻm rêu phong, hồn quê Vạn Phúc

Rồi, những con hẻm nhỏ, những bờ tường thấp, những khung cửa sổ xưa cũ, những mái ngói đậm màu thời gian chắc chắn sẽ là những bối cảnh lý tưởng cho những nhà nhiếp ảnh hay tạo hình nghệ thuật. Nhưng với tôi, đó là hồn quê Vạn Phúc.

Ninh Hạ

>> Chợ lụa Vạn Phúc những ngày dài vắng khách
>> Nhớ Tổ nghề dệt lụa
>> Hội An: Ngày hội tơ lụa
>> Ăn tết làng quê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.