Đi tìm lai lịch chợ Đầm Nha Trang: Lận đận đồ án, chật vật thi công

09/12/2023 06:36 GMT+7

Một ngôi chợ hình tròn có mái xếp cùng khu "cao ốc thương xá và chúng cư" tạo thành một đại dự án định hình lại hình ảnh quy mô phố thị Nha Trang.

Ai là tác giả chợ Đầm?

Tờ trình của Tòa Hành chánh tỉnh Khánh Hòa ngày 12.10.1968 gửi đến Phủ Tổng thống xin duyệt lãm dự án xây chợ có đính kèm bản họa đồ Dự án chỉnh trang và tái thiết khu Chợ Đầm tỷ lệ 1/1.000 do kiến trúc sư (KTS) Đoàn Hữu Khải lập ngày 28.9.1968, thể hiện ngôi chợ tròn và hai khu cao ốc.

Đi tìm lai lịch chợ Đầm Nha Trang: Lận đận đồ án, chật vật thi công - Ảnh 1.

Thiết đồ chợ Đầm Nha Trang

NVN khảo cứu từ TTLTQG 2

Bản họa đồ này thừa kế từ đồ án của KTS Lê Quý Phong lập ngày 24.10.1964, gồm một ngôi chợ (trệt) hình tròn có mái xếp và một nhánh hình vòng cung. Chủ trương từ Tổng Nha Kiến thiết lúc bấy giờ là căn cứ trên bản vẽ của Lê Quý Phong nhưng biến đổi từ ngôi chợ trệt thành chợ một tầng lầu.

Về sau, các chi tiết kỹ thuật do nhóm KTS Hồ Thăng, KTS Võ Đình Diệp và kỹ sư Nguyễn Xuân Phương thực hiện.

Về chi tiết bản vẽ, chợ có hình tròn, đường kính rộng 66,5 m; diện tích chợ là 5.270 m² (gồm trệt 3.750 m² và lầu 1.520 m²) tức là gấp 4 lần chợ cũ; có thể chứa 3.000 người buôn bán; chợ xây bằng bê tông cốt sắt (20.000 bao xi măng và 250 tấn sắt); mái chợ xếp tròn hình chữ V; chợ có một tầng lầu hình vành khăn, tầm lệch; 3 cầu thang rộng 2,5 m nối với tầng lầu cao 4 m. Nền chợ được xây cách mặt đường 80 cm để tránh ngập nước; móng được xây trên 4.000 thước cừ bê tông cốt sắt 30 x 30 cm, đóng sâu 20 m (mỗi cừ chịu lực 18 tấn).

Xây phố chợ trên nền "đất xấu"

Việc tiến hành giải tỏa nguyên một khu đầm lầy, một con đường chen chúc nhà cửa, hàng quán buôn bán... dù được nhà chức trách chuẩn bị với các phương án bồi thường, nhưng không tránh khỏi rắc rối vì khu chợ là chốn mưu sinh hơn nửa thế kỷ đối với nhiều người. Từ tháng 12.1968 - 5.1969, việc kiểm kê, đo đạc, giải tỏa 383 nhà chính, 22 nhà phụ của 284 sản chủ trên đường Nguyễn Thái Học và Bến Chợ (với tổng tiền bồi thường là 10.732.233 đồng) nhưng các biên bản ghi chép rằng quá trình này không tránh khỏi các cuộc xô xát và chống đối.

Đi tìm lai lịch chợ Đầm Nha Trang: Lận đận đồ án, chật vật thi công - Ảnh 2.

Mái hiên chợ rộng 5 m với cầu thang lên lầu. Phía sau là tòa B của khu chúng cư

NVN khảo cứu từ TTLTQG 2

Việc xây cất hai tòa cao ốc cạnh khu chợ được chú trọng để làm nên diện mạo khu thương mại, dân sinh mới cho Nha Trang, và theo lời kêu gọi, thuyết phục người dân của ông Thủ tướng chính quyền miền Nam lúc đó thì, "Tôi cũng biết vấn đề nầy sẽ gây xáo trộn đời sống của đồng bào, nhưng không thể nào chỉnh trang để phát triển, nếu không chấp nhận một vài hy sinh".

"Cao ốc thương xá và chúng cư" có khối tích lớn giữa thành phố Nha Trang lúc bấy giờ. Cao ốc A có diện tích 2.575 m² và cao ốc B là 2.855 m². Đồ án hai khu cao ốc này do KTS Trần Tiển Chuân của Tổng cuộc Phát triển Gia cư và Địa ốc lập (duyệt y ngày 16.8.1969, động thổ ngày 21.11.1969 do nhà thầu khoán Mai Tố Nghiêm trúng đấu thầu, xây dựng). Mỗi cao ốc gồm một tầng trệt và ba tầng lầu với tường trệt cao 4,6 m, dành cho cửa hiệu, buôn bán; tầng lầu tường cao 2,8 m làm nhà ở. Tất thảy có 363 đơn vị gia cư (có thể hiểu là căn hộ) và cửa hiệu. Mỗi đơn vị gia cư chỉ rộng 41,8 m² và mỗi cửa hiệu buôn bán rộng 58 m².

Cao ốc xoay hai mặt chính hình cong ra hướng đường, hai phía sau của cao ốc đối diện nhau, ở giữa có khoảng trống độ 6 m, tạo cảm giác thoáng đãng nên dù các căn hộ chỉ cao 2,8 m nhưng vẫn thoáng khí.

Trong quá trình thi công, nhà thầu đã gặp khó khăn trong việc xử lý kết cấu an toàn. Vì xây trên nền đất là vũng sình cũ, có lớp "đất xấu" ở khoảng sâu 14 m, nên nhà thầu phải đóng cừ bê tông cốt sắt xuyên xuống để trụ vào lớp đất cứng bên dưới. 1.172 cây cừ bê tông cốt sắt với tiết diện 20 x 20 cm, dài 20 m được cắm sâu vào lòng đất để đảm bảo độ an toàn, vững chắc cho công trình.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Phương ghi chép: "Tưởng cũng nên ghi nhận ở đây một sáng kiến đáng khích lệ của nhà thầu Mai Tố Nghiêm trong việc sử dụng phương tiện dùng để đóng số cừ lớn lao nói trên. Nhà thầu đã sử dụng một chiếc xe xúc đất rồi gắn thêm một cặp so đũa đóng cừ (guide) trên cần xe để biến thành một bàn đóng cừ di động, có thể làm 4 động tác khác nhau, vừa câu cừ, di chuyển cừ, dựng cừ đúng vị trí và đóng cừ (...) Lúc đầu nhà thầu dùng búa chạy hơi nước, nhưng thất bại nên phải dùng búa rơi thường nặng 2 tấn, lúc sau thì dùng búa diesel Delmag D5. Phương tiện duy nhất này đã giúp cho nhà thầu giải quyết toàn bộ việc đóng cừ. Những lúc máy chạy điều hòa và lương nhân công được trả đúng kỳ (sic) thì có thể đóng một cách dễ dàng mỗi ngày 8 cây cừ 12 m".

Kỹ sư Phương cũng ghi lại việc "sáng tạo" của nhà thầu trong sử dụng cái "cần so đũa" của máy đóng cừ để kiêm luôn việc cẩu xi măng từ thấp lên cao.

Công trình thương xá và chúng cư này thành hình từ 700 tấn sắt, 63.000 bao xi măng, 170 vạn viên gạch và 3.300 m³ sạn gravette.

Bên cạnh đó, hạng mục công trường gồm làm đường sá, cống rãnh và điện nước cũng được nhà thầu Mai Tố Nghiêm và Lê Thiện Tấn thực hiện; các ông Nguyễn Văn Mơ (năm 1970), Vĩnh Đào (năm 1971) và Lê Đệ (năm 1972) phụ trách quản đốc công trường.

Vì trước đó là đầm lầy, nên việc làm đường cũng gặp khó khăn. Ông Lê Đệ, quản đốc công trường, ghi lại rằng "chỉ cần đào xuống là nước mạch và chất nhờn trong lòng đất trào ra gây trở ngại cho việc đóng cừ tràm và đúc bê tông đế", và giải pháp là phải "áp dụng phương pháp đào thêm 2 đường mương hai bên đế móng để thoát nước mạch".

Nỗi khổ của việc xây công trình trên đầm lầy là cạnh cái chợ lâu năm đó là "lớp đất nguyên thủy tại nhiều đoạn đặt ống cống và làm đường, kết hợp toàn bằng rác, bùn, thay vì đào thông thường bằng tay, nhà thầu phải dùng đến máy cào và gàu múc", ông Đệ thuật lại. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.