Đi tìm lai lịch chợ Đầm: Phép tính của một tỉnh nghèo xây chợ

08/12/2023 06:25 GMT+7

Việc xây chợ Đầm là những phép tính chắt chiu của địa phương Khánh Hòa trong tình hình thiếu trước hụt sau. Trong năm 1969, Tòa Hành chánh tỉnh này đã liên tục đeo đuổi mục tiêu có một ngôi chợ mới, dù phải tìm cách vay mượn, xin hỗ trợ hết nơi nọ tới nơi kia...

Bài toán ban đầu

Cách tính ban đầu của Tòa Hành chánh tỉnh Khánh Hòa thể hiện trong tờ trình ngày 12.10.1968, gửi đến Phủ Tổng thống (số 866/HC) về kế hoạch tái thiết chợ Đầm. Nội dung hạng mục công việc và chi phí đệ trình xin duyệt lãm bao gồm:

Lấp đầm: Khu vực chợ cũ bị cháy quá nhỏ hẹp, không đủ cho công tác chỉnh trang. Vì vậy, "phải lấp tất cả khu vực đầm hiện tại bằng cách dùng xáng lấy đất tại lòng sông đắp lên. Việc này sẽ làm gia tăng diện tích 70.000 thước vuông. Thời gian cần thiết để thực hiện: 4 tháng và chi phí vào khoảng 15.000.000 đồng".

Đặt cống tại công trường chợ Đầm Ảnh: NVN khảo cứu tại TTLTQG 2

Đặt cống tại công trường chợ Đầm

NVN KHẢO CỨU TẠI TTLTQG 2

Giải tỏa những ngôi nhà lụp xụp chung quanh khu chợ cháy và đầm: "Số nhà cả tranh lẫn ngói (hầu hết là tranh, làm bất hợp pháp) trên 250 căn. Có giải tỏa hết các nhà này mới thực hiện được việc lấp đầm và chỉnh trang. Chi phí vào khoảng 10.000.000 đồng".

Xây cất chợ mới theo như họa đồ đã vẽ: "Thời gian là 1 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận. Chi phí 43.000.000 đồng".

Ngoài ra, xây dựng hệ thống đường sá, cống rãnh, lắp đặt ánh sáng trong khu vực với chi phí: 20.000.000 đồng.

Và hạng mục quan trọng, về sau định hình lại diện mạo khu phố quanh chợ đó là: "Xây hai cao ốc (4 tầng lầu) để làm khu phố thương mại ở tầng dưới và bán lại cho dân chúng trả góp từ tầng 1 trở lên... Thời gian thực hiện: một năm kể từ ngày dự án được chấp thuận và chi phí xây cất mỗi cao ốc là 90.000.000 đồng".

Trong tờ trình trên, Tòa Hành chánh Khánh Hòa dự kiến tổng chi phí để thực hiện dự án là 75.000.000 đồng. Kinh phí phân phối: Bộ Công chánh (đài thọ chi phí thực hiện hệ thống đường sá, cống rãnh, ánh sáng) là 20.000.000 đồng; Tổng cuộc Gia cư đài thọ chi phí xây cất và nhượng lại cho tỉnh để bán lại cho dân chúng mua trả góp là 180.000.000 đồng. Tòa Hành chánh tỉnh Khánh Hòa đài thọ đắp đầm (15.000.000 đồng), trợ cấp giải tỏa (10.000.000 đồng), xây chợ (43.000.000 đồng), chi phí bất ngờ phát sinh (7.000.000 đồng).

Lại đi vay làm chợ

Tờ trình trên nêu rõ: "Vì ngân sách tỉnh hiện nay bất kham nên hội nghị xin đề nghị Ngân hàng phát triển nông nghiệp cho tỉnh vay 75.000.000 để trang trải các cơ sở phí trong thời gian hai năm" và để "bồi hoàn số tiền này, xin trình Tổng thống cho bán đấu giá một phần đất tại khu vực chợ để thu tiền trả lại", "riêng về cơ quan Tổng cuộc Gia cư thì xin phổ biến cho dân chúng biết việc xây cao ốc và dành phần dưới để bán cho các thương gia hoạt động thương mãi, những người nào muốn mua phải nạp trước một số tiền cho cơ quan này để góp phần vào việc thực hiện cao ốc".

Có lúc ngôn ngữ các tờ trình gửi đến Phủ Tổng thống gần như than thở và kêu ca về sự "bất kham" từ một tỉnh nghèo. Tờ trình ngày 4.1.1969, ký tên tỉnh trưởng Lê Khánh (số 111/HC/KT) gửi Tổng trưởng Phủ tổng thống, xin vay 75 triệu đồng là một ví dụ. Ông Khánh than thở rằng ngân sách tỉnh ông quá nghèo nàn (tài khóa 1968 tổng kết 80 triệu, trong đó trợ cấp ngân sách quốc gia đã 23 triệu) và nhắc lại việc đã thuyết phục Tổng nha Ngân hàng Phát triển nông nghiệp cho vay 75 triệu chia làm 2 đợt (đầu năm 1969 là 30 triệu và giữa năm 1969 là 45 triệu), cam kết "sẽ hoàn trái trong 2 năm với tiền bán một phần các lô đất trong khu chợ mới", nhưng ngân hàng này vẫn không chịu duyệt. Và sau đó ông lại đôn đốc đánh công văn số 10.830/HC/KT (17.12.1968) chuyển hướng qua vay Quỹ Hưu bổng Văn giai số tiền trên...

Trong suốt 2 năm, Khánh Hòa đi gõ cửa vay tiền và trình bày dự án, hồ sơ công văn huy động tiền xây chợ Đầm nếu xếp chồng thì dày hơn một gang tay.

Khởi động tái thiết

Nhưng chuyện đâu vào đấy vì những nỗ lực vận động quyết liệt nói trên của địa phương đã tạo ra sự đồng thuận từ Sài Gòn. Một ban tái thiết khu Chợ Đầm được thành lập từ chính những kỹ sư đang làm việc tại các cơ quan Công chánh, Kiến thiết Nha Trang để giám sát, điều phối công việc. Một chiếc xáng Bassac của Nha Thủy vận được chuyển đến Nha Trang, thổi đất lấp đầm từ ngày 12.4.1969. Chiếc xáng này, sau 6 tháng, đã thổi hơn 350.000 m3 đất lấp kín 7 mẫu đầm. Ngày 10.10.1969 nhà thầu Hà Văn Đáng bắt đầu san ủi đất, đo đạc, cắm cọc chuẩn bị xây chợ và chung cư (thời bấy giờ, các văn bản gọi là "chúng cư")...

Đó là những phần việc chuẩn bị cho kế hoạch 14 tháng thi công.

Lúc 16 giờ ngày 12.12.1969, ông Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng đại diện Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, đến Nha Trang dự lễ đặt viên đá đầu tiên tại khu chợ Đầm. Kỹ sư công chánh Trần Sĩ Huân - Trưởng ban Tái thiết khu chợ Đầm - viết trong cuốn tài liệu Công tác tái thiết khu chợ Đầm (Bộ Công chánh, Tổng cuộc Phát triển Gia cư & Địa ốc in năm 1972) rằng sự kiện trên diễn ra "trên một bãi cát mênh mông trước sự chứng kiến hoan hỉ của rất đông đồng bào địa phương, đánh dấu một giai đoạn mới trong việc chỉnh trang thị xã Nha Trang".

Tại đây, ông Trần Thiện Khiêm phát biểu: "Công tác tái thiết khu chợ Đầm sẽ chỉnh trang các nơi sình lầy, gia tăng gấp 3 lần diện tích khả cư, và thiết kế toàn khu khang trang hơn trước với nửa diện tích dùng làm khu công cộng và công viên và phân nửa còn lại đủ để xây cất trên 1.000 đơn vị gia cư đầy đủ không những cho 500 gia đình hiện đang cư ngụ tại đây mà còn dư ra để cấp phát cho những gia đình đồng bào cần được giúp đỡ khác (...) Một chương trình chỉnh trang có một ảnh hưởng quan trọng, thay đổi toàn diện khu chợ Đầm". (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.