Đi tìm linh vật Việt

13/12/2014 05:35 GMT+7

Đó là mục đích của “chuyến ra mắt” của gần 60 tượng nghê, sư tử được tạo tác bằng nhiều chất liệu từ thời Lý đến thời Nguyễn (thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 19) do Bảo tàng Mỹ thuật VN tổ chức với điểm dừng chân đầu tiên là TP.Đà Nẵng, nơi có làng nghề tạo tác sư tử, nghê đá nổi tiếng cả nước.

Cặp nghê đá triều Nguyễn ở Hiển Nhân môn (Thừa Thiên-Huế) - Ảnh: An Dy
Cặp nghê đá triều Nguyễn ở Hiển Nhân môn (Thừa Thiên-Huế) - Ảnh: An Dy 

Thân thiện, hiền lành

Giới thiệu về các hiện vật, tạo hình, nghê, sư tử trong nghệ thuật điêu khắc cổ VN từ đầu thế kỷ (TK) 11, ông Nguyễn Doãn Minh (Bảo tàng Mỹ thuật VN) cho biết: “Có một điểm dễ dàng nhận biết nhất đối với những con nghê, sư tử thuần Việt (đặc biệt ở thời Lý, Trần) là sự hiền lành, thuần hậu. Sở dĩ như vậy vì hình tượng sư tử vào VN thông qua văn hóa Phật giáo, với những tư thế đội tòa sen, được các vị Bồ tát, Kim cương cưỡi trên lưng trong tâm thế bị thuần phục. Trong quá trình giao thoa văn hóa, tạo hình nghê và sư tử cổ của người Việt dần được cách điệu theo đúng bản sắc văn hóa của người Việt với những chi tiết, biểu tượng hài hòa của vũ trụ như mây, gió, sấm chớp, đao lửa tạo nguồn sáng, gửi gắm không khí ấm áp, cầu mưa thuận gió hòa, cầu hạnh phúc, sự sinh sôi…”.

 
Nếu những sư tử ngoại lai thường giẫm ngọc, giẫm quả địa cầu dưới chân với tham vọng uy quyền, thì sản phẩm thuần Việt thường mang yếu tố văn hóa truyền thống, hài hòa cùng thiên nhiên, hướng đến những biểu tượng hoàn thiện nhân cách, văn hóa người Việt như “ngậm ngọc”, “phun châu nhả ngọc”

Đến thời Lê (TK 15), với những mất mát, hủy hoại trong chiến tranh loạn lạc và do chiết tự trong ngôn ngữ tượng hình mà hình ảnh toan nghê (theo truyền thuyết là một trong 9 con của rồng) trở nên phổ biến ở các nơi thờ tự. Nghê thời Lê mang dáng khuyển nghê, với hình ảnh gần gũi, trung thành, đón đợi, pha lẫn tính chất vui vẻ như đứa trẻ. “Nghê được trưng bày có đôi có cặp, có âm có dương và thường chầu về phía trước. Tạo hình nghê Việt gần gũi, thân thiện, hiền lành như tâm thức hiền hòa của những cư dân nền văn minh lúa nước”, thạc sĩ Đỗ Quốc Việt, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN cho biết thêm.

Hàng loạt những hiện vật được trưng bày như sư tử đá cuối TK 16 ở chùa Nhân Trai (Hải Phòng); hiện vật nghê nhả khói trầm (ở xã Giao Yến, H.Giao Thủy, Nam Định) được làm bằng gốm, TK 17; đến nghê chạm khắc trên gỗ từ TK 19 (đình Hữu Bổ, Phú Thọ) được tạo dáng đặc biệt, tay cầm câu chúc “phú quý thọ khang ninh”… đến hiện vật giá trị nhất của không gian trưng bày, tượng nghê TK 17 bằng gỗ ở đền Lê Thánh Tông (Thanh Hóa) đều góp phần giúp người thưởng lãm cảm nhận, hiểu được giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa tâm linh, truyền thống của người Việt. “Tượng nghê khổng lồ ở đền Lê Thánh Tông là tượng nghê đặc biệt nhất, lớn nhất cả nước còn được lưu giữ. Quan sát kỹ sẽ thấy tượng nghê này rất đặc trưng của nghê thuần Việt, đó là mặt luôn ngẩng lên, hoan hỉ chào đón chứ không cúi gằm thể hiện tư thế đe dọa trấn áp như các linh vật ngoại lai. Trên mình nghê còn được cách điệu mây gió, đao lửa, lục lạc, bờm xoắn cách điệu sự hợp long… Ức của nghê mang dáng ức của khuyển, vừa khỏe mạnh, lanh lẹ, vừa trung thành…”, ông Việt giải thích.

Quảng bá và nhân rộng

Rõ ràng sự hiền lành, gần gũi trong tạo hình, bố cục cho đến diện mạo, dáng vẻ của sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ VN cần được nhìn nhận. Ngoài ra, đa số nhà nghiên cứu cho rằng hiện tại các sản phẩm linh vật ngoại lai được trưng bày đều hướng đến yếu tố tả chân, từ dáng vẻ lẫm liệt cho đến chi tiết lông, bờm bệ vệ, nanh nhọn, cơ bắp cương cứng... Trong khi đó nghê, sư tử Việt được tạo hình, cách điệu hóa đến từng chi tiết lông, râu, vây, đuôi… không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn gánh cả trên mình sự kính thiên, văn hóa phồn thực, hài hòa âm dương.

“Nếu những sư tử ngoại lai thường giẫm ngọc, giẫm quả địa cầu dưới chân với tham vọng uy quyền, thì sản phẩm thuần Việt thường mang yếu tố văn hóa truyền thống, hài hòa cùng thiên nhiên, hướng đến những biểu tượng hoàn thiện nhân cách, văn hóa người Việt như “ngậm ngọc”, “phun châu nhả ngọc”, ông Việt giải thích thêm.

Về việc ứng xử với các linh vật ngoại lai, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cho rằng phải theo lộ trình. “Trước tiên, bên cạnh công tác tuyên truyền vẫn là kiểm tra, lập hồ sơ về tình trạng linh vật ngoại lai, đưa ra khỏi các di tích, nơi thờ cúng tâm linh, thiêng liêng của người Việt. Đến đầu năm 2015 sẽ có khuyến cáo, và đến tháng 7.2015 sẽ chính thức xử lý vi phạm. Còn đối với nhà dân, nơi công cộng thì cần có sự tuyên truyền, quảng bá về linh vật thuần Việt để hướng người dân đến hiểu biết, cảm thụ, dành tình cảm và sự trân trọng đối với di sản của cha ông. Với làng nghề đá Non Nước (Đà Nẵng), nơi được xem là sản xuất linh vật sư tử, nghê… lớn nhất nước, nếu nhận được những đơn hàng xuất khẩu với mẫu linh vật kiểu ngoại thì làng nghề vẫn sản xuất bình thường để đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển làng nghề, nhưng song song với đó phải tạo tác, quảng bá và nhân rộng hình ảnh linh vật thuần Việt”, bà Liên chia sẻ.

Ban tổ chức cũng cho biết, sau khi triển lãm ở Bảo tàng Đà Nẵng (từ ngày 12 - 23.12), bộ sưu tập nghê, sư tử cổ của người Việt sẽ được mang đến trưng bày ở các tỉnh thành phía nam như TP.HCM, Cần Thơ… và mang cả ra nước ngoài phục vụ kiều bào.

Vẻ dữ tợn của con sư tử ngoại lai - Ảnh: Lưu Quang Phổ
Vẻ dữ tợn của con sư tử ngoại lai - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Đà Nẵng đã gỡ bỏ hoàn toàn linh vật ngoại lai trong các di tích

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng. Còn đối với làng nghề đá Non Nước thì ngay đầu năm 2015, Sở sẽ phối hợp với các nhà nghiên cứu, điêu khắc, nghệ nhân làng nghề tác tạo những hình mẫu sư tử, nghê phù hợp với bản sắc Việt để sản xuất. Còn đối với hơn 4.500 cặp lân, sư tử, nghê (với tổng trị giá khoảng 80 tỉ đồng) có yếu tố ngoại lai đang tồn đọng ở hơn 500 cơ sở sản xuất của làng nghề sẽ được khuyến khích xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Chiến cũng cho biết thêm, với nhiều cặp lân, sư tử, nghê khổng lồ, các nghệ nhân làng nghề đá Non Nước khẳng định khi có mẫu sư tử, nghê thuần Việt được công nhận, họ sẽ tái tạo với kích thước nhỏ hơn để đáp ứng cung cầu.

An Dy

>> Chưa xử lý rốt ráo linh vật ngoại lai trong di tích
>> Phạt tiền các di tích có linh vật ngoại lai
>> Tượng linh vật lạ tràn lan trong các di tích
>> Phát hiện bia cổ Champa và linh vật lạ
>> Nhiều tượng linh vật lạ trong các di tích ở Vĩnh Long
>> Giáo hội Phật giáo yêu cầu di dời linh vật 'lạ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.