|
… Điều ấy được nhà thơ Võ Văn Luyến, cũng là nhà giáo đã từng đứng bục giảng 32 năm qua, tỏ bày trong suốt 101 bài thơ với 145 trang. Một nhà thơ đã vốn đa tình, tài hoa nhưng đôi khi qua facebook của anh, tôi chợt giật mình, vì có lúc 4, 5 giờ sáng anh đã dậy ngồi thu lu trong mùng, quấn chăn giữa mùa đông của miền đất Đông Hà (Quảng Trị) để… ngẫm sự đời.
Và đời đến với thơ anh như một cuộc tao ngộ thấm đẫm tình thân ái. Anh viết về mẹ và cha, rồi đặt trang trọng ở đầu tập thơ với những dòng se sắt niềm thương yêu, nhớ nhung tưởng niệm: “Đêm nằm mơ. Mẹ gánh con đi dưới trời pháo sáng. Xót cây lúa năm mất mùa đại hạn. Chân quấn rạ khô vấp ngã mấy lần…” (Con về bão giông). Niềm tưởng nhớ ấy, khi anh dâng lên hương hồn mẹ, khiến cho ai cũng liên tưởng rằng mình cũng đã có bao lần như thế. Mẹ là một bầu trời xanh vực dậy những mơ ước cho cuộc đời. Nhưng khi trở về, mẹ đã không còn nữa! Anh nghẹn xót trong tâm can, viết như gào lên với từng con chữ: “Mẹ ơi. Bốn mươi chín ngày khăn tang đầu con. Bốn mươi chín ngày thương nhớ nghẹn dòng. Bốn mươi chín ngày đường xa vạn dặm. Bốn mươi chín ngày con về bão giông”.
Còn với cha, Luyến nói bằng cả một sự kính trọng tôn thờ. Bài thơ Vĩ nhân của tôi, anh viết dường như trong một tâm trạng dằn lòng lại, nhưng cũng bộc phát một niềm tin yêu vô bờ bến: “Người lưng trần lấy nắng mưa làm áo. Lấy nồm nam quạt mát tháng năm. Lấy nghĩa nhân ghìm cương con tạo. Lấy nghìn xưa truyền lửa chim bằng”. Cái sự che chắn, truyền lửa cho con suốt cả một đời từ một người cha, bỗng dưng như tái hiện lại trong tôi, bởi một buổi tối nhiều gió ngồi ở căn sảnh rộng trên sân thượng của một nhà hàng ở TP.Đông Hà đã lung linh ánh điện, anh bỏ ly xuống và nói một câu: “Vĩ nhân của tôi là cha tôi!".
Để rồi, với sữa mẹ lời cha, anh đi vào đời và càng ngày càng “chín” nhiều hơn với cuộc đời sâu thẳm, rộng dài. Tôi thích cái cách anh viết nhiều bài thơ với tựa đề chỉ có một chữ, mà tôi thử đếm trong tập này, có đến 14 bài. Ví như bài Vấp, một bài lục bát 4 câu theo tôi là xuất thần: “Bàn chân vấp ngọn cỏ gai. Cái nhìn vấp tiếng thở dài ngày xanh. Đêm sâu vấp nhịp trở mình. Đèn màu lại vấp trái tim bắc cầu”. Ngộ đến thế là cùng!
|
Lại nữa, vì có vấp, dù là vấp cái sự tình tứ, cũng phải ngẫm. Nên chi Võ Văn Luyến đã ngẫm với cái sự Rỗng: “Rỗng cơn đau ánh chớp u minh/xanh nỗi buồn xa ngái/mưa niềm vui rồ dại/lênh đênh rỗng bước mùa/ngậm sương cỏ rỗng tóc thưa/trái trăng rỗng nhịp chuông chùa nhớ quên”. Khi đọc bài này, tôi chợt nghĩ có lẽ anh viết sau một cơn say chăng, bởi cái trống rỗng nhưng rất hồn hậu của một kẻ say… rất hiền!
Rồi sau đó anh Vọng, anh Mơ, anh Hẹn rồi anh lại Ném. Những bung xung sự đời có lúc tươi rói, nhưng lại có lúc cằn cỗi quá khiến anh muốn quăng đi: “Ném lên ngọn cỏ/sương mật/nắng cúi nhặt/ném lời hứa/vào nụ hôn/lời hứa biến thành rỉ sắt” (Ném). Chỉ mấy câu mà đau như lúc hoạn nạn vận vào một cuộc tình gió đã mang đi, còn lại một mình ngồi giữa đồi xanh, mà rỉ máu vết thương lòng.
Cũng vì cái tựa tập thơ có phần bí ẩn, nên tôi cũng đã đi tìm, mà nghĩ như cùng có anh bên cạnh, để thấy cái trùng dương xa tít mặn mòi ấy hiện diện ra sao? Thì này đây, Võ Văn Luyến đã giấu kỹ trong một bài, với cái tứ rất lạ: “Khi những mật ngôn của người lắng trong tiếng thở/gió tấu khúc du miên dựng hứng khởi tay lá vẫy chào/mây nõn lắm trên bờ vai thiếu nữ/biển triều dâng nỗi nhớ cồn cào” (Mật ngôn). Cách xa đó đúng 100 trang, như một sự sắp đặt tình cờ, tôi bắt gặp một đảo Lý Sơn nồng nàn ẩn hiện, mà mỗi chữ của mỗi đầu câu làm thành tựa của bài thơ: “LÝ lẽ nào con tim chưa thấu nỗi/SƠN nhân tìm biển biếc bao đời/TRONG nỗi nhớ có dấu chân của cát/TA triều cường cùng con sóng chơi vơi”! (Lý Sơn trong ta).
Ngoài những sự đa tình, giấu trong chữ nghĩa của Luyến là cái đa sự, luận ngộ về sự đời, mà bất cứ nhà thơ đích thực nào cũng không buông bỏ được. Thơ, dù hiền lắm, vẫn ẩn chứa nỗi đau nào đó. Luyến đau thế này, tưởng nhẹ nhàng nhưng ngẫm thì không: “Có quên không/những rác rưởi cho trôi ra biển/giữ lại trong lành/đám mây rồi sẽ tan nhanh/nhưng từ đám mây kia những câu thơ trầm thống cất lên/bài bi ca thanh lọc tâm hồn/anh chờ trời sáng” (Mưa gõ tâm hồn). Như đầu bài thơ này anh nói rằng 2 giờ sáng trở giấc dậy “ngồi nghe mưa và gõ phím”. Cái lạnh trong lòng với mưa miền Trung, tôi nghĩ đâu sá gì với những buốt lạnh sự đời mà anh đang muốn xua đuổi, mà nó cứ bám lấy như một nỗi-đau-ký-sinh không bao giờ trốn chạy trái tim đa cảm!
Nhưng nếu nói rằng thích bài thơ nào nhất trong tập thơ này, thì tôi xin có một lựa chọn cho riêng mình. Đó là bài Đêm nghe tiếng mọt kêu. Bởi bài thơ này mang một sức nặng ẩn dụ, mà nếu không biết nhận diện tiếng đêm, trong thanh vắng, thì khó lòng mà viết xen lẫn bi-hài được vậy: “… mày giỏi cứ lên đại ngàn như mấy anh thợ sơn tràng thế kia/sáng đang nắng, chiều mưa nguồn lũ thác/bọn vắt đói rướn thân bò thấy mà xanh mặt/có đâu nương thân ở chốn đông người/thôi tao già rồi, mày đừng đeo bám nữa/trăng sao thì xa, mặt đất lại gần/học phong thủy, nuôi mấy con cá thia lia để thấy đời chuyển động/nhưng cá chẳng vô ưu, ăn lẹm cả khẩu phần…”.
Những con mọt ấy, nghe chắc rồi cũng lạnh sống lưng!
Nhưng, có được cái tự khích tự trào ấy, tôi biết Võ Văn Luyến đã lăn lộn tích lũy tự cái ngày anh còn là một anh lính nơi miền biên cương xa xôi vào những năm cuối thập niên 70 vắt sang thập niên 80 của thế kỷ trước. Không phải ngẫu nhiên mà vừa mới bước chân vào khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Huế, mà tôi có cơ duyên là đồng môn, anh đã ẵm hết giải thơ này đến giải thơ khác trong những ngày theo học ở xứ Thần kinh!
Sài Gòn ngày đầu tháng 12.2019
• Đọc Mật ngôn của biển - Thơ Võ Văn Luyến, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2019
Bình luận (0)