Lý giải sự nhầm lẫn
Về tên gọi Nguồn, trong báo cáo tham luận tại Hội thảo khoa học xác định dân tộc Nguồn tổ chức ngày 19.10.2004 tại Đồng Hới, nhà dân tộc học Khổng Diễn cho rằng: “Cho đến nay, cũng chưa có nghiên cứu nào xác định tên gọi Nguồn có từ bao giờ. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục chỉ ghi “ở thượng lưu gọi là nguồn, cũng như hạ bạn gọi là tổng, châu Bố Chính có nguồn Cơ Sa và nguồn Kim Linh”.
Phần lớn đất đai của huyện Minh Hóa ngày nay thuộc hai nguyên Cơ Sa và Kim Linh xưa, về sau đổi hai nguyên thành tổng, mà âm Hán Việt “nguyên” phiên ra tiếng Việt gọi là nguồn. Như vậy, từ tên gọi chỉ đơn vị hành chính chuyển sang tên gọi nhóm dân cư tương tự như sách, mường vậy; hoặc như thổ là đất (người ở địa phương) trở thành tên dân tộc (dân tộc Thổ). Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Dương Bình thì Nguồn chủ yếu do những người dân ở vùng đồng bằng gọi một nhóm cư dân sinh sống ở thượng lưu sông Gianh. Ở đó có những nhánh sông được gọi là nguồn như nguồn Sâu, nguồn Nặm, nguồn Nậy.
|
Người Nguồn khai trong các loại hồ sơ, lý lịch, chứng minh nhân dân và một số giấy tờ quan trọng khác đều ghi là dân tộc Kinh, không có trường hợp nào ghi dân tộc hoặc tộc người Nguồn. Theo nhà nghiên cứu dân tộc học Bùi Minh Đạo, vào thập niên 1970 trở về trước, đa số người Nguồn, nhất là những người già đều tự nhận mình là dân tộc Kinh (Việt). Nhưng gia phả và văn hóa đã chứng minh thêm ý thức tự giác tộc người của nhóm người này. Tác giả cho rằng có hai lý do dẫn đến ý thức tự nhận là dân tộc Kinh thời điểm đó: người Nguồn ý thức rõ ràng về nguồn gốc Kinh của mình, tuy đang là Nguồn, tiếng nói và văn hóa đã khác Kinh nhưng về bản chất chỉ là một nhóm của người Kinh; và họ muốn được ghép vào người Kinh mà không muốn trở thành một dân tộc thiểu số hay ghép vào một dân tộc thiểu số khác vì muốn được bình đẳng với người Kinh, không muốn bị kỳ thị dân tộc.
Tuy vậy, hơn 10 năm lại đây, ý thức tự giác tộc người trong người Nguồn có sự thay đổi theo hướng phân hóa. Một số vẫn bảo lưu ý thức là một nhóm của dân tộc Kinh. Một số cán bộ giáo viên đề nghị xếp người Nguồn vào dân tộc Mường, Thổ hoặc Chứt. Cũng có ý kiến tách người Nguồn thành một dân tộc thiểu số riêng. Khá đông ý kiến phân vân và thận trọng khi đề nghị không xếp người Nguồn vào dân tộc Kinh nhưng có sự xem xét để người Nguồn được coi là một dân tộc thiểu số.
Những sắc thái văn hóa độc đáo
Tổ chức quan hệ xã hội của người Nguồn cơ bản giống với người Việt. Tổ chức dòng họ bao gồm dòng trưởng và nhánh (chính và thứ). Đứng đầu là trưởng họ, người nắm giữ các công việc hệ trọng, từ trách nhiệm tổ chức cúng tế tổ tiên, cưới hỏi, tang ma cho đến việc duy trì tốt đẹp các mối quan hệ nội tộc cũng như ngoại tộc. Có thể nói, tính chất huyết thống vẫn rất đậm nét và chi phối mạnh mẽ quan hệ xã hội người Nguồn. Hôn nhân của người Nguồn là ngoại hôn dòng họ, một vợ một chồng và cư trú bên chồng. Tuổi kết hôn của người Nguồn so với các tộc người cận cư là khá muộn, thường từ 18 đối với nữ, 20 tuổi đối với nam. Ngoài những cuộc hôn nhân nội tộc, người Nguồn cũng thiết lập quan hệ hôn nhân với các nhóm người Chứt sống cận cư, nhưng chủ yếu với nhóm người Việt, Sách.
Người Nguồn chủ yếu canh tác ruộng cạn với việc trồng ngô, lúa; tiếp theo là ruộng nước, nương rẫy, chăn nuôi và các hoạt động kinh tế hái lượm, đánh bắt cá ở sông suối. Họ còn bảo lưu nhiều sắc thái văn hóa đặc trưng. Điều này thể hiện trên cấu trúc nhà cửa: loại nhà pè có 4 mái, hệ thống nghẹc gồm một khung gỗ chạy theo chân cột, cửa sổ và cửa nhà được làm theo dạng cửa lùa, chạn bếp; phụ nữ mặc áo tứ thân, cổ tròn phía trong có yếm mặc cùng với váy, đàn ông mặc áo tứ thân cổ đứng, quần đũng luồn gai rút; nó còn thể hiện trên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, liềm và các dụng cụ sinh hoạt gia đình như cối xay lúa, cối giã gạo, mâm gỗ dọn cơm. Họ cũng còn lưu giữ nhiều từ vựng của người Việt ở vùng Quảng Bình, Hà Tĩnh trước đây như roọng (ruộng), nước chè xeeng (nước chè xanh), thau (sau), pừa (bừa), cằn (cày)... Điều đặc biệt, khi giao tiếp với người dưới xuôi lên thì người Nguồn nói bằng chất giọng và tiếng khá bình thường, nghe và hiểu được, nhưng khi họ nói chuyện với nhau thì lại bằng khẩu ngữ bản địa, lúc đó người ngoài nghe như nghe “ngoại ngữ”.
Ngoài ra, khi nhắc đến huyện Minh Hóa, hẳn ai cũng biết hội rằm tháng ba - hội lớn nhất trong năm. Hằng năm, đến hẹn lại lên, cứ đến dịp đó, người Minh Hóa lại mở hội rằm. Hội có 2 phần, phần lễ cúng thần ở thác Pụt do huyện đứng ra chủ trì và mỗi gia đình tổ chức thờ cúng ông bà tổ tiên riêng để cầu an, mưa thuận gió hòa; sau đó là phần hội dành cho những hoạt động văn hóa thể thao với các trò chơi truyền thống dân gian như cờ tướng, đi cà kheo, hát sắc bùa, hò thuốc... Đặc biệt, dịp này người Minh Hóa tổ chức ăn rằm rất lớn, khắp nơi ăn, nhà nhà ăn và họ coi trọng lễ hội linh thiêng này đến độ dừng tất cả các công việc lại. Trong bữa tiệc lớn ấy không thể thiếu món pồi làm từ ngô xay và ốc suối.
Theo cán bộ của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, đây là một cộng đồng tồn tại ở vùng miền tây Quảng Bình khá lâu đời và tương đối ổn định. Họ vừa có khu vực định cư tập trung vừa có nhóm xen cư với các tộc người khác, nhưng những nét văn hóa riêng của họ vẫn được phát huy và bảo tồn từ đời này sang đời khác. Bên cạnh sự giao thoa văn hóa với các cộng đồng cận cư thì giữa họ với các cộng đồng cận cư còn những khoảng cách nhất định về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa. Và vì thế hầu hết người Nguồn đều có tính tự tôn và luôn coi mình là một tộc người độc lập. Họ có nguyện vọng muốn được công nhận là một tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Và để xác định thành phần dân tộc cho nhóm người Nguồn đạt kết quả, ngoài 3 tiêu chí về ngôn ngữ, văn hóa, ý thức tự giác tộc người, thì cần xem nguồn gốc lịch sử của cộng đồng người như là một tiêu chí bổ trợ.
Trương Quang Nam
* Bài viết có sử dụng tư liệu của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình
>> Đi tìm người Nguồn
>> Đào tạo thanh niên dân tộc thiểu số làm du lịch
>> Tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số
>> Xây dựng bài tập bổ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số
>> Đã đào tạo được 728 cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số
Bình luận (0)