Đi tìm thung lũng MiG: 'Hẻm núi Thần Sấm' ở đâu?

17/09/2023 06:46 GMT+7

"Hẻm núi Thần Sấm", một địa danh không có tên trên bản đồ địa hình Việt Nam mà chỉ có trên bản đồ tác chiến của Không quân Mỹ.

"Thud Ridge - Hẻm núi Thần Sấm"

Có lẽ các cựu binh chiến tranh "Tây" cũng như "Ta", khi đã trở về đời thường sau những năm tháng vật lộn với chiến trận, người ta càng muốn tìm về quá khứ của một thời sôi động. Cuộc gặp gỡ phi công - cựu binh Việt - Mỹ lần thứ 3 tại Hà Nội với khẩu hiệu "Từ Không chiến đến Hòa giải và Hợp tác" đã xuất hiện thêm nhiều cựu phi công Mỹ tham chiến tại VN từ hơn 50 năm trước. Cái thời mà họ và các đối thủ của họ - các phi công VN mới trên dưới 30 tuổi, cái tuổi sung mãn của thể lực, lý trí và hoài bão. Từ hai chiến tuyến họ đã lao vào nện nhau chí tử, họ đã điều khiển máy bay của mình quần lộn trong các vòng xoay điên cuồng để xả đạn, xả tên lửa vào nhau. Một bên là để bảo vệ Tổ quốc mình, một bên là thực thi nghĩa vụ được cấp trên giao phó. Để rồi sau mấy chục năm, họ đã đến được với nhau theo chủ trương hòa giải từ lãnh đạo cao nhất của hai bên cũng như mong muốn của các cá nhân - sự tò mò, muốn nhìn xem ai là đối thủ năm xưa của mình.

Đi tìm thung lũng MiG: 'Hẻm núi Thần Sấm' ở đâu? - Ảnh 1.

Các cựu phi công Mỹ thăm ga Yên Viên, một mục tiêu tấn công của họ trong chiến tranh

Tư liệu của tác giả

Một số phi công Mỹ còn muốn đến tận nơi những địa danh mà họ đã có những kỷ niệm máu lửa với đất nước này như: Nhà máy điện Yên Phụ, ga Yên Viên, mục tiêu tấn công, hủy hoại từ bom đạn trên máy bay của họ. Rồi một địa danh khác được bổ sung khi đến VN từ chiều ngày 2.10.2018, đó là "Hẻm núi Thần Sấm", một địa danh không có tên trên bản đồ địa hình VN mà chỉ có tên trên bản đồ tác chiến của Không quân Mỹ. Đây là đề xuất của viên chuẩn tướng không quân A.L Lenxki, một phi công già đời, bay trên loại máy bay Thần sấm F-105/Thunderchief. Thì ra vậy - "Thud Ridge" tức "Hẻm núi Thần Sấm" có xuất xứ từ loại máy bay F-105 của Không quân Mỹ. Và đây chính là vị trí phía đuôi dãy núi Tam Đảo về phía đông - nam, ở cách phía bắc hồ Đại Lải khoảng hơn chục cây số, có đường nối từ Phúc Yên sang Thái Nguyên.

Không quân Mỹ đặt tên cho vị trí này là nơi mà các máy bay ném bom F-105 từ Thái Lan sang đánh các mục tiêu xung quanh phía bắc, đông và đông - bắc Hà Nội lấy làm điểm chuẩn để từ đó vọt lên cao, triển khai đội hình đánh sân bay Đa Phúc, ga Yên Viên, Đông Anh, Cầu Đuống… và nó vẫn được dùng như một vật chuẩn cho các chuyến bay của các loại máy bay F-4 khi thay thế cho F-105 đánh miền Bắc sau này.

THĂM LẠI Hẻm núi Thần Sấm

Chúng tôi đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu từ phía các phi công Mỹ là đến thăm 3 địa danh liên quan đến cuộc chiến tranh không quân của Mỹ ở VN mà họ là những người trực tiếp thực hiện. Trong các cuộc gặp gỡ với chúng tôi, các phi công Mỹ đều có tuổi đời, tuổi nghề cao hơn, với hàng trăm phi vụ mỗi phi công trong các đợt công cán của họ từ 1964 - 1973 tại miền bắc VN và khu vực Đông Dương. Chúng tôi đều hiểu những phi vụ chiến đấu của họ gắn với những địa tiêu, địa danh mà họ đã mang bom đạn đến để triệt phá. Số rất ít trong thế hệ phi công Mỹ thời đó gặp nạn như John McCain hay Pete Peterson. Còn phần đông, sẽ là những kỷ niệm về sự hài lòng, tưởng thưởng sau chuyến bay, đánh phá và tiêu diệt được mục tiêu mà cấp trên của họ giao phó.

Khoảng 9 giờ ngày 9.10.2018, tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hưng đã dẫn các cựu phi công Mỹ đến Tam Đảo. Từ độ cao xấp xỉ 1.200 m của khu nghỉ mát Tam Đảo, họ đã cảm thấy hài lòng khi nhận ra địa hình vùng châu thổ sông Hồng từ Hà Nội đến Vĩnh Yên, vui vẻ chỉ cho nhau địa danh "Thud Ridge" mặc dù trời hôm đó khá nhiều mây che phủ và tầm nhìn tương đối hạn chế… Khi đến thăm nhà máy điện Yên Phụ, họ đã rất ngỡ ngàng vì nhà máy không còn, thay vào đó là mấy dãy nhà cao tầng chen chúc trong phố xá đông đúc. Họ chỉ có thể thấy tấm bia đá khắc dấu ấn những cuộc tấn công của máy bay Mỹ những năm chiến tranh.

Trước đó, sáng 4.10.2018, chúng tôi đưa các cựu phi công Mỹ thăm ga Yên Viên, trong chiến tranh chống Mỹ nơi đây vừa là một đầu mối giao thông quan trọng, vừa là tổng kho hàng hóa, khí tài quân sự của ta gửi về miền Nam. Tuyến đường sắt VN không quá dài nhưng trong cuộc chiến tranh đã phải chịu hàng vạn quả bom. Riêng Ga Yên Viên hứng chịu 5.600 quả. Các phi công Mỹ được xem lại hình ảnh tan hoang gần 50 năm trước như một hoang mạc điêu tàn. Còn hiện nay, thay vào cảnh quan như sao Hỏa, mặt đất chi chít hố bom với những toa xe, đầu máy đổ ngã trên bức hình ghi lại từ thời chiến tranh do hàng ngàn tấn bom đạn từ các máy bay Mỹ đổ xuống tàn phá, là không gian thanh bình với nhà cửa, phố xá chen vào sát địa giới của nhà ga.

Giờ đây, họ ngồi nghe viên trưởng ga cùng Trưởng phòng đối ngoại của Tổng công ty đường sắt giới thiệu về lịch sử và hiện tại của ga Yên Viên và ngành đường sắt VN. (còn tiếp)


(Trích Đi tìm thung lũng MiG - Phạm Phú Thái - NXB Thông tin và Truyền thông)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.