'Đi' trong thao thức một mùa…

26/11/2021 10:14 GMT+7

Sở dĩ tôi đặt tựa bài viết với chữ đi trong ngoặc kép, vì thực ra có đi đâu được giữa thành phố lockdown mùa dịch Covid-19 . Nhưng, đọc và ngẫm, mới thấy cả hai tác giả đã đi rất nhiều trong vùng tâm tưởng, trong sự chiêm nghiệm và luận giải về đại dịch gây khốn cùng lao đao như thế nào, đi cùng đồng bào mình trong từng bó rau, túi gạo ra sao…

Bìa sách Viết từ thành phố lockdown

T.T.B

Buổi trưa. Tôi ngồi ở vỉa hè một con đường có tàng cây gần ngã tư Phú Nhuận. Quán nước lưa thưa. Tôi kêu ly chanh muối, chờ bạn. Và lấy sách của Nhã Thụy và Ngọc Anh (xin phép được gọi tên vậy nhé), ra đọc. Bạn đến, kêu ly cam vắt. Ngồi tán gẫu và bàn vài việc, ngoài kia xe cộ ngược xuôi.

Tôi chợt thoáng giật mình. Soi lại cái tên sách: Viết từ thành phố lockdown. Hóa ra ly chanh muối với ly cam vắt vỉa hè đối diện, bốn mắt cùng cười hay cùng im lặng, đôi khi long lanh một chút, dạo mới đây thôi, chứ lúc thành phố còn lockdown, đó là một… giấc mơ xa xỉ!

Có ai đi đâu được mà chanh với cam, với ghế nhựa mắt cười!

Rụng xuống trang sách vài hạt bụi từ tàng cây. Chắc bụi đường thổi lên do xe cộ, đậu trên đó. Bụi rụng kiểu này dạo trước, có mà ngồi mơ. Phù phiếm!

Thụy viết về mảnh vườn ở xã Long Mỹ (H.Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu), tính mắc kẹt cả nhà ở đó hồi đầu tháng sáu vì dịch bắt đầu loang, không về lại được Sài Gòn. Về được rồi, đêm ngủ nhớ tiếng con tắc kè góc vườn, lại không ngủ được. Vợ Thụy nói “tưởng nhớ em nào chớ nhớ tiếng tắc kè thì tha hồ”. Mà thiệt. Hai chữ “mà thiệt” này cũng trong văn của Thụy, tôi lấy ra, để minh chứng cho một nỗi nhớ, chẳng bình thường chút nào. Nó bất thường bởi mùa dịch mà nghe trân quý đến lạ!

Đó là bài ký ngắn Mùi hương thôn dã. Có cỏ vòi voi, cỏ trai, cỏ nút áo… nơi ấy. Và có cả một trời tâm tưởng của Thụy, để dành chút an nhiên với vườn.

Tôi cảm thấu đoạn này trong văn Thụy: “Tôi thích những buổi chiều trước sân nhà, uống chén rượu, rít hơi thuốc. Cứ thế một mình ngồi lún vào đêm” (Chiều chiều). Những đoản văn ngắn, viết như thở hắt. Tưởng nhẹ hều là ra, mà đọc xong nghe như phải… nín thở!

Chữ “lún” hay quá khiến như chiếc ghế nhựa tôi ngồi lúc ấy cũng lún vào trưa, bật ra mấy câu và viết ngay trên điện thoại: “Ngồi bên vệ đường hong nắng, ngày qua/Nước chanh muối/đá lạnh phủ ngoài da/Nắng lắm/hút điếu thuốc/Ngồi lún trưa chiếc ghế nhựa/nặng trĩu và ấm áp/trái tim/Bà hàng nước cười/bật từ ngọn me lảnh lót/tiếng chim”.

Chim bật tiếng hót, và tôi bật cười vì một ý nghĩ ngồ ngộ: Thụy và tôi, đều… lún!

t.t.b

Còn nhiều lắm, những đoản văn hay và thấm. Như Quê nhà ở tận nhà quê, như Phố tàn hơi, như bài thơ Đêm nay quỳ lạy cùng nhau và xuất xứ của nó, như Những phận đời lênh đênh trên ghe… nhức buốt, xót xa và đậm nỗi đau đời trong cơn đại dịch vô tiền khoáng hậu. Nhưng cái nghĩa và cái tình hiển lộ tự nhiên, bật sáng. Nghe như ngày thơ hồn nhiên chia nhau tấm bánh viên bi. Đơn giản vậy, lớn rồi vẫn thế. Chia nhau và chia nhau. Được nhiều hơn trong ta là cái tình đồng loại, chứ chẳng có gì mà phải sân si. Tôi mạn phép diễn giải ý Thụy ra vậy (mà chắc là Thụy đồng ý) khi đọc Trụ lại Sài Gòn (TLSG - với bài đề dẫn trang 57 đến trang 63) và hơn 22 trang nhật ký thiện nguyện TLSG viết từ 19.8 dến 1.10, đau đáu với đồng bào Quảng Ngãi quê nhà của anh. Đủ chuyện về nhân tình thế thái và mỗi cảnh huống khó khăn, khắc nghiệt cần giúp đỡ. Có ở tâm dịch mới càng “nhuyễn” vào li ti mạch máu điều này. Và nhóm TLSG của anh, đã làm được một việc rất đáng trân trọng, mùa dịch.

Tôi tâm đắc với ý này ở câu kết trong bài Tản mạn về thiện nguyện của Thụy. Anh viết: “Nói cho cùng thì không ai giúp được ai trong cõi hồng trần này, chỉ là chúng ta đang giúp lẫn nhau mà thôi”!

Rời “toa tàu” do một nhà văn Trần Nhã Thụy “bảo bọc”, lại bước qua “toa” khác, nơi bác sĩ - tiến sĩ y khoa Nguyễn Ngọc Anh “vẫy vùng”. Cùng quê Quảng Ngãi với Thụy, nhưng Ngọc Anh luận giải nhiều vấn đề từ tổng quan đến vi tế của đại dịch Covid-19 bằng văn chương. Nơi anh đã từng trải lòng với tập tự truyện Miền nước chảy ngược xuất bản cách đây chưa lâu. Dịch cúm tàu nhìn từ thuyết tiến hóa nằm ngay ở… đầu “toa”. Một bài viết dựa trên cơ sở khoa học về những đợt dịch cúm cách đây vài thập niên, đã khiến hàng chục ngàn người trên thế giới ra đi. Nhưng cái sự luận giải về thuyết tiến hóa của tự nhiên, ập vào và hành hạ cả tỉ sinh thể trên địa cầu này bởi virus corona, để đúc rút ra một câu đầy trách nhiệm: “Tiến hóa bằng cách đột biến tổ hợp gen giữa con người và động vật là một phần của thiên nhiên và điều đó có khả năng tạo ra những đại dịch trong tương lai”, khiến tôi bật ra một ý nghĩ: ấy là một câu “tuyên ngôn y khoa” rất hợp lẽ, để sẵn sàng đối diện và tìm cách chế ngự!

Không có cách nào khác. Vì ấy là tự nhiên!

Tháng 3 năm ngoái, tôi nhớ hình như mới lai rai có vaccine ở các nước, bác sĩ Ngọc Anh đã đưa ra một hình ảnh đầy tính liên tưởng: Tốc độ lây lan & câu chuyện bàn cờ, hạt lúa. Ý gì đây? Đọc xong, tôi à một tiếng, thì ra vị tiến sĩ y khoa này dẫn câu chuyện cổ Ấn Độ về 64 ô vuông bàn cờ với mỗi ô thứ nhất là 1 hạt lúa, ô thứ 2 là 2 hạt, ô thứ 3 là 3 hạt… cứ thế tăng tiến với cấp số nhân dẫn đến hàng trăm tỉ tấn lúa, để nói đến mức độ lây lan khủng khiếp của SASR-CoV-2.

Viết từ thành phố lockdown của tác giả Trần Nhã Thụy - Nguyễn Ngọc Anh do NXB Hội Nhà văn ấn hành

t.t.b

Nhiệt tâm của một vị bác sĩ còn rất nhiều trong quyển sách. “Toa tàu” văn chương của anh còn có Covid & lẽ duyên khởi vô thường, viết đúng vào ngày 15.4.2020, là ngày cách ly đầu tiên ở Sài Gòn của đợt ấy. Đoạn kết anh viết: “Nhiều bài học về cách ứng phó với đại dịch rồi sẽ được xem xét. Trong số đó, bài học khiêm nhường trước thiên nhiên để sống trong một thế giới mà vạn vật tương thuộc lẫn nhau có lẽ dễ bị quên nhất. Và nếu vậy, con người lại đắm chìm vào tự mãn chiến thắng, để rồi phải đối phó với một đại dịch khác chắc chắn sẽ đến sớm hơn”.

Tôi mạn phép xin nhắc lại và nhấn mạnh thay tác giả, bài viết này được thực hiện vào năm ngoái!

Rồi có hai bài về chiếc khẩu trang, nhỏ mỏng manh nhưng biết cách gìn giữ, sẽ níu lại hơi thở cho bao người. Vì nhiễm, là có nguy cơ ra đi. Tác giả kêu gọi rất nhiều lần và rất hay về điều này cho mỗi cánh mũi bờ môi và mỗi phế nang phập phồng theo hơi thở. Vị bác sĩ có giọng văn khúc chiết cũng đề cập đến cả “thuyết âm mưu” trên thế giới trong bài Nguồn gốc Covid-19 & kẻ gắp lửa bỏ tay người, hay những hình ảnh so sánh thú vị giữa đàn báo hung dữ và bầy linh dương hiền lành (virus corona và người) trong bài viết Làn sóng virus mới & cuộc rượt đuổi ở Sài Gòn, viết ngày 29.5.2021, chỉ 2 ngày trước khi thành phố ban hành chỉ thị 15, và riêng quận Gò Vấp lockdown!

Gấp sách lại, rồi tiêng tiếc lại lật ra giữa một thành phố vẫn đang chập chờn, ngập ngừng đóng mở. Muốn sang trang nữa quá!

Nhưng tôi nghe dịu nắng, đi về…

Sài Gòn 25.11.2021

* Đọc Viết từ thành phố lockdown (tạp văn-ghi chép), tác giả Trần Nhã Thụy - Nguyễn Ngọc Anh, NXB Hội Nhà văn, giữa tháng 10.2021

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.