Đi về giữa cõi an nhiên

19/06/2023 08:20 GMT+7

Để viết bài này, xin mượn câu chuyện của một cháu bé ở Q.Bình Tân (TP.HCM). Bé tên là Nguyễn Phúc An Nhiên, một cái tên thật sự gây ấn tượng với người viết. Hỏi, mới biết hóa ra tên ấy là do người mẹ đặt trước lúc lâm chung trong đại dịch Covid-19 năm 2021…

Ước mong từ một di nguyện

Trong đời làm báo của mình, tôi từng gặp biết bao sự bất ngờ. Những câu chuyện có khi kết thúc có hậu, có khi vẫn cứ dở dang gây nhiều thao thức. Nhưng có những câu chuyện, đôi lúc cứ đọng lại mãi trong lòng.

Xế chiều một ngày cuối tháng 9.2021, khi đang bộn bề với những tin gửi qua email hay những cuộc gọi của bạn đọc, của các nhà hảo tâm điện thoại thăm hỏi các cháu mồ côi do dịch Covid-19, tôi nghe giọng của một người phụ nữ lớn tuổi. Bà xưng tên là Phạm Thị Ngoan, bà ngoại của hai cháu bé có mẹ mất trong đại dịch. Cháu trai đầu vừa lên 4, còn em bé út vừa hơn 1 tháng tuổi. Giọng thổn thức, bà Ngoan nói rằng con gái mình là một cô giáo mầm non, không may bị nhiễm Covid-19 khi đang mang thai, phải đi cách ly rồi đưa vào bệnh viện, mổ lấy em bé ra lúc chưa đủ tháng. Cô giáo ấy ra đi, để lại lời nhắn lúc cầm tay mẹ: "Mẹ đặt tên cho con của con là An Nhiên, mẹ nhé".

Đi về giữa cõi an nhiên  - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Ngoan cùng bé Nguyễn Phúc An Nhiên trong một lần PV Thanh Niên đến trao quà sau đại dịch Covid-19

Kim Phượng


Rồi sau đó, vào buổi chiều muộn ngày 4.10.2021, tôi nhận được điện thoại của bà Ngoan. Bà nhờ can thiệp một câu chuyện chẳng đặng đừng. Đó là làm sao lấy lại được những di vật của mẹ bé An Nhiên lúc đang ở trong khu cách ly. Bà vừa khóc vừa kể rằng có liên lạc được với một nhân viên ở khu cách ly này biết con gái mình, nhưng chị nhân viên này nói rằng, bây giờ ở đây khá rối loạn, đồ đạc nhiều người lắm. Có người chuyển đi nơi khác, có người ra về bỏ lại, có người đã đi rất xa... làm sao tìm ra cho được di vật của một người mẹ lẫn vào trong muôn thứ ấy. Nghe chuyện, tôi đành an ủi bà rằng, bây giờ có lẽ nên tập trung chăm lo cho các cháu. Rồi sau đó, là những tháng ngày An Nhiên dần dần lớn lên trong sự ủ ẵm, bú mớm của bà ngoại và tiếng khóc cười của người anh trai chưa hết tuổi qua lớp lá của trường mẫu giáo.

Giữa tháng 10.2021, tôi và đồng nghiệp ở Báo Thanh Niên về trao quà cho gia đình các trẻ mồ côi do Covid-19 ở Q.Bình Tân, chương trình phối hợp với các bạn ở Quận đoàn, gặp lại bà Ngoan dẫn đứa cháu trai đến. Tôi chào và hỏi thăm tình cảnh hiện tại. "Giờ cũng đã ổn hơn. Nhưng vẫn nan giải chuyện tài chính để chăm lo cho các cháu, chú à. Bé An Nhiên nay đã ngoan và lớn từng ngày. Chỉ mong có nhà hảo tâm bảo trợ…", bà Ngoan nói. Gần một tuần sau, đứa cháu đầu của bà được một nhà hảo tâm thông qua Báo Thanh Niên chu cấp hằng tháng qua chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời. Còn bé An Nhiên sau đó cũng được một Việt kiều ở Anh về nước nhận bảo trợ, qua sự giới thiệu của Báo Thanh Niên. Khi thực hiện được những việc này, tôi và các đồng nghiệp ở Báo Thanh Niên vẫn nghĩ, ước mong con mình được sống an nhiên của người mẹ với di nguyện những ngày khốc liệt ấy, hy vọng sau này sẽ như ý.

Canh cánh trong lòng những phận người

Khi viết bài này cho số báo đặc san kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng VN 21.6, tôi bỗng ngược trở lại ký ức và nhớ đến hai câu thơ trong bài Quay quắt Cà Mau của một nhà báo rất giỏi nghề đã khuất: anh Đặng Ngọc Khoa. Anh viết: "Những phận người khốn cùng thế giới. Thương nhau lang bạt giang hồ". Khi tôi hỏi, anh cho biết ngữ cảnh của bài thơ có 2 câu này xuất hiện khi trong anh dào lên niềm cảm thức khôn nguôi về những con người ở vùng đất mũi ngày xưa phải cưu mang nhau mà sống, vượt qua bao hiểm nguy để đứng chân được nơi ấy.

Và tôi chợt nhớ về chuyến đi cùng anh Khoa vào năm 1995, lúc Báo Thanh Niên quyết định cử PV đi viết về những phận người trong cơn lũ ào ạt theo dòng Mê Kông nhấn chìm nhà cửa, vườn tược của bà con miền Tây. Cơn lũ ấy đã cướp đi sinh mạng rất nhiều người, mà bản tin còn lưu lại ngày 5.10.1995 (chỉ sau 23 ngày khi lũ về) ghi nhận có 52 người bị lũ cuốn, phần lớn là trẻ em. Tôi theo anh Khoa đi viết phóng sự để xin sự trợ giúp của bạn đọc. Mỗi bài báo được fax về trong đêm từ bưu điện Long Xuyên, Cao Lãnh hay Cần Thơ thuở ấy, giờ đọc lại dường như nghe có chút rưng rưng.

Đi về giữa cõi an nhiên  - Ảnh 2.

Những bài báo về mùa lũ dữ miền Tây đăng trên Báo Thanh Niên cuối tháng 9 và tháng 10.1995 tác giả còn lưu giữ

T.T.B

Gần một tháng trời "biệt phái" về miền Tây, anh em chúng tôi gửi về tòa soạn gần 20 đơn vị tin, bài. Lúc ấy chỉ có báo giấy ra cách nhật, chưa có báo điện tử, như vậy kể cũng là nhiều. Có khi buổi tối ở Hồng Ngự (Đồng Tháp), ven bờ sông Tiền được ngồi ăn cá lóc khô nướng, uống rượu đế cùng các lão nông trong tiếng lũ réo gào nghe kể chuyện đồng bằng; nhưng có lúc cũng suýt chết khi chiếc ca nô chở 2 anh em bị xoáy vào trụ cầu Tam Nông do nước lũ quá xiết. Tháng ngày ấy, từ kinh nghiệm của một nhà báo kỳ cựu như anh Khoa, tôi đã học được nhiều thứ, trong chuyện tác nghiệp cho đến tiếp cận các hoàn cảnh thương tâm, cấp thời trong bão lũ. Để rồi, hàng chục năm sau, mỗi khi được tòa soạn cử đi phối hợp cứu trợ cùng các đồng nghiệp miền Trung, lại "lấy cái vốn quý báu" của người đồng nghiệp đáng kính bày cho nhiều năm trước, mà tiếp xúc, hành xử với chính quyền và người dân sở tại, cũng như tức tốc viết bài gửi về tòa soạn kêu gọi tấm lòng của bạn đọc gần xa.

Vĩ Thanh

Những dấu mốc của bao chương trình từ thiện mà Báo Thanh Niên khởi xướng vẫn chưa có điểm dừng. Bởi, vẫn còn quá nhiều hoàn cảnh éo le hoạn nạn. Viết sao cho hết những mảnh đời bất hạnh, vẫn đang phải tất bật lam lũ với nhiều thứ lo toan. Mà bỗng dưng, một khi tai ương ập xuống với họ là đất phải mang cầm, nhà phải đem bán. Cái sự mong manh kiếp người ấy nhiều khi đeo đẳng nhiều gia đình như một vận hạn khó vượt qua được. Nên chi, những đồng nghiệp ở tờ báo mà tôi yêu quý vẫn miệt mài chuyển tải, làm nhịp cầu để bạn đọc gần xa biết đến những hoàn cảnh thường được gọi là "lá rách" ấy, để các nhà hảo tâm muôn nơi dang mảnh "lá lành" ra đùm bọc, chở che giúp họ qua tai kiếp.

Cả một giai đoạn mấy chục năm trời ấy, từ khi bước chân vào nghề báo với bài học "nhập môn" thuở ban đầu với chuyến viết bài vận động bạn đọc hỗ trợ trong một mùa lũ, cho đến sau này, với tôn chỉ của tờ báo vẫn một mực không thay đổi, cùng với bạn bè ở Báo Thanh Niên, tôi vẫn mải miết đi đến nơi nào đồng bào cần sự trợ giúp.

Như một năm nào đó, trước đại dịch Covid-19, tai ương do thời tiết bao trùm dải đất miền Trung, đi dài mấy chuyến từ Hà Tĩnh, Nghệ An qua Quảng Bình, Quảng Trị vô đến Quảng Nam, một hôm bên bờ sông Thu Bồn khi nắng hửng, tôi đứng lặng nhìn mây trắng bay trên những cánh đồng nước bạc, rơm rạ vẹo xiêu ngấm nước, lúc ấy bỗng hình dung như cây cầu Câu Lâu bắc qua dòng sông chẳng khác cây cầu Tam Nông ngày nào bắc qua một nhánh của sông Tiền là mấy!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.