Địa chỉ của lòng tốt

24/04/2015 10:47 GMT+7

Suốt 10 năm qua, vợ chồng ông Hoàng Văn Nam, 56 tuổi và bà Bùi Thị Kim, 52 tuổi (ngụ tổ 1B, phường Lộc Tiến, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã cưu mang, chăm sóc, nuôi dưỡng 9 mảnh đời bất hạnh.

Suốt 10 năm qua, vợ chồng ông Hoàng Văn Nam, 56 tuổi và bà Bùi Thị Kim, 52 tuổi (ngụ tổ 1B, phường Lộc Tiến, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã cưu mang, chăm sóc, nuôi dưỡng 9 mảnh đời bất hạnh. Họ là những cụ già, những người bệnh neo đơn, sống lang thang không gia đình, người thân và không nơi nương tựa.

 Bà Kim đang chăm sóc những mãnh đời bất hạnh Bà Kim đang chăm sóc những mãnh đời bất hạnh
10 năm cưu mang
Vì cảm thương cho những bệnh nhân không có người thân chăm sóc, nên ông Nam thường xuyên tìm đến Bệnh viện II Lâm Đồng để giúp đỡ họ. Tại bệnh viện, ông Nam không ngần ngại giúp đỡ họ từ việc mua cơm, cháo, cho họ ăn, rồi đến việc tắm rửa, giặt quần áo và giúp họ đi vệ sinh… Cuối năm 2005, tại Bệnh viện II Lâm Đồng có một bệnh nhân bị nhiễm HIV giai đoạn cuối tên là Nguyễn Công Chất, khoảng 30 tuổi. Bệnh nhân này được chuyển đến từ Trại giam Đại Bình (huyện Bảo Lâm) và không có người thân chăm sóc, nuôi dưỡng. Ông Nam đã đem chuyện của bệnh nhân Chất kể với vợ nghe và được bà Kim đồng cảm ngay. Sau đó, vợ chồng ông Nam quyết định tới bệnh viện làm thủ tục để nhận anh Chất đưa về nhà chăm sóc. Khoảng 1 tháng sau, thì anh Chất qua đời.
Cũng từ đây, việc làm của ông bà được 8 người con trong gia đình hết lòng tán thành, ủng hộ. Ông bà tự bỏ tiền xây 4 căn phòng để đón người già và người bệnh về chăm sóc, nuôi dưỡng. “Biết vợ chồng tôi xây phòng để nuôi người già và người bệnh, nên đã có nhiều người tìm đến hỏi để thuê chăm sóc người thân của họ, nhưng tôi không nhận. Vì ngay từ đầu, gia đình đã xác định xây 4 căm phòng này là để đón những người già và người bệnh không nơi nương tựa về chăm sóc”, ông Nam chia sẻ. Đến nay đã 10 năm trôi qua, gia đình ông Nam đã nhận cưu mang cho 9 mảnh đời bất hạnh. Trong số đó, có 6 người đã qua đời và hiện 3 người đang được gia đình ông bà ngày ngày chăm sóc, nuôi dưỡng.
Cụ Nguyễn Thị Thìn (90 tuổi), tâm sự: “Đi khỏi nhà mấy chục năm nay, giờ bà không thể nhớ nổi quê hương và người thân của mình còn những ai và đang ở đâu nữa. Được vợ chồng chú Nam cô Kim đưa về đây nuôi dưỡng và gọi bằng mẹ, nên bà vui lắm. Những người cùng cảnh ngộ như bà, ai cũng được cô chú ấy thương yêu và chăm sóc chu đáo. Ngoài việc lo cho mọi người từng bữa ăn, thì ngày nào cô chú ấy cũng thay nhau tắm rửa, giặt quần áo, giúp đi vệ sinh và dọn phòng cho nữa”.
Còn sức khỏe sẽ còn làm việc nghĩa
Ông Nguyễn Văn Rao, hàng xóm ông Nam, bày tỏ: “Tôi biết, gia đình ông Nam cũng không phải giàu có gì. Ông ấy nói với tôi, chi phí để lo cho các cụ và người bệnh mà gia đình đang cưu mang đều phụ thuộc hết vào khoản tiền cho thuê 2 căn nhà và 3 phòng trọ. Ngoài ra, cứ mỗi tháng các con phụ giúp thêm cho 2 triệu đồng nữa. Ở đây, ai cũng biết việc làm của vợ chồng ông Nam có ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn và rất kinh trọng ông bà”.
Nói về những người đang được cưu mang, ông Nam tâm sự: “Ở họ, mỗi người có một số phận, song đều có chung một nỗi bất hạnh rất cần sự cảm thương và sẻ chia của gia đình. Vợ chồng tôi cũng nghĩ rằng, mình làm như vậy là để tích đức cho con cháu sau này. Vì vậy, gia đình tôi sẽ tiếp tục đón nhận các cụ già và người bệnh không nơi nương tựa để nuôi đến lúc nào không còn khả năng mới thôi”.
Bà Nguyễn Thị Kim Ánh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Lộc Tiến, cho biết: “Những gì mà gia đình ông Nam bà Kim đã làm được để cưu mang những mảnh đời bất hạnh, quả thật rất hiếm có. Đó thực sự là một tấm gương mẫu mực về lòng nhân ái, bao dung đáng để trân trọng và học hỏi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.