Được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ 27 năm nay nhưng địa đạo Nam Hồng (xã Nam Hồng, H.Đông Anh, TP.Hà Nội) đang bị lãng quên.
Địa đạo Nam Hồng với tổng chiều dài gần 11 km được hình thành từ những năm kháng chiến chống Pháp và được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996.
Theo các nhà văn hóa, địa đạo Nam Hồng mang nét đặc trưng mà không giống như địa đạo Củ Chi, Vịnh Mốc. Bằng chứng là gần 11 km địa đạo được thông suốt qua các nhà dân, bắt đầu từ nhà thờ họ Ngô ở thôn Đoài.
Một người cao tuổi ở Nam Hồng là ông Nguyễn Văn Thanh kể: Trước sự tấn công ác liệt của quân Pháp, từ năm 17 tuổi, ông đã cùng nhiều trai tráng trong làng tham gia đào địa đạo, kèm theo là 465 hầm bí mật, 2.680 hố tác chiến, hàng nghìn mét hào… phục vụ chiến đấu. Theo ông Thanh, địa đạo Nam Hồng có hơn 10 cửa bí mật, nằm dưới gầm giường, ngoài vườn, các khu mộ…
Tuy nhiên, tới thời điểm được công nhận là di tích quốc gia, địa đạo Nam Hồng chỉ còn 200 m và hơn 100 m hào giao thông dẫn qua vườn đất của nhiều hộ dân, hơn 10 cửa hầm nay chỉ còn lại 2, một dưới gầm giường nhà bà Phạm Thị Lai, một trong nhà ông Phạm Văn Dộc.
Theo ông Nguyễn Tiến Dương, Trưởng ban Văn hóa xã Nam Hồng, do chậm được công nhận là di tích nên phần lớn địa đạo đã bị tàn phá.
Trước sự dần “biến mất” của di tích này, năm 2000 Bộ VH-TT-DL và UBND TP.Hà Nội đã đầu tư 1,2 tỉ đồng cho việc tu bổ, tôn tạo các hạng mục như giao thông hào, hầm bí mật, bàn chông, cạm bẫy, cổng làng, hộp thư…
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người, việc tu bổ, tôn tạo này chưa đạt vì không có hệ thống chiếu sáng, thông gió, thoát nước. Hiện vật liên quan như: cuốc, thuổng, đèn dầu dùng để đào hầm, súng trường, bộc phá dùng để phá hàng rào thép gai… giờ không còn nhiều nhưng lại đang được bảo quản rất sơ sài tại nhà truyền thống của xã.
Liệu có là Đường Lâm thứ hai?
200 m địa đạo, hơn 100 m giao thông hào dẫn qua nhiều nhà dân, đồng nghĩa với việc các hộ này không được xây dựng nhằm bảo vệ di tích.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà lợp ngói có những vết nứt kéo dài cả mét, nền đất là những viên gạch đỏ lồi lõm, anh Phạm Quang Hài, một hộ dân trong xã nói: “Đã 17 năm, từ hồi địa đạo được công nhận là di tích, nhà tôi không có gì thay đổi. Gia đình chỉ muốn lát lại cái nền bằng gạch hoa mà cũng không được. Theo anh Hài, để bảo vệ địa đạo Nam Hồng, trên diện tích 300 m2 đất của gia đình anh không được xây dựng.
“Sắp tới thằng cả lập gia đình, nếu xã không có phương án đổi đất thì gia đình tôi biết lo cho cháu nó ở đâu”, anh Hài băn khoăn.
Giống nhà anh Hài, hộ ông Phạm Văn Dộc cũng có gần chục mét địa đạo đi qua. Ngôi nhà cấp bốn lợp ngói từ thời ông bà, nay đã xuống cấp trầm trọng án ngữ ngay lối dẫn vào khu đất mặt tiền mà không được sửa sang nâng cấp.
“Hễ động vào là xã lại nói không được, phải có sự đồng ý của cấp trên. Nhưng nhà quá cũ rồi, nếu sập ra đấy thì ai chịu trách nhiệm”, ông Dộc bức xúc.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Cường, Phó chủ tịch xã Nam Hồng, cho hay: Nguyện vọng kể trên của người dân đã được nêu ra trong rất nhiều cuộc họp. UBND xã Nam Hồng còn để sẵn quỹ đất để những gia đình trên di dời nhưng phải chờ chủ trương của cấp trên.
Được biết, năm 2010 TP.Hà Nội đã có khảo sát, lập dự án khôi phục địa đao Nam Hồng giai đoạn 2. Theo đó, sẽ giải tỏa một số gia đình để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và phát triển du lịch. Tuy vậy, đã 3 năm trôi qua, mọi thứ vẫn nằm trên giấy, người dân Nam Hồng vẫn phải chờ đợi.
Hà An
>> Gần 4.000 tỉ đồng bảo tồn địa đạo Kỳ Anh
>> Lại phát hiện địa đạo thiếc gần Thung lũng Tình yêu
>> Lấp cửa địa đạo khai thác thiếc trái phép
>> Khám phá địa đạo Thì Thùng
Bình luận (0)