Địa phương có nên cử người đi học tiến sĩ ?

20/12/2019 07:34 GMT+7

Theo các chuyên gia và cựu du học sinh , dùng ngân sách nhà nước đưa người đi học ở nước ngoài là chính sách đúng đắn, nhưng địa phương nào nên chi ngân sách, hoặc chi thế nào cho hiệu quả lại là vấn đề đáng bàn.

Tiến sĩ Trần Quang Tuyến, Trường ĐH Kinh tế, Hà Nội, cho rằng khó có thể đưa ra những tiêu chuẩn cũng như sự đồng thuận để nhận định chính sách địa phương dùng ngân sách đưa người đi du học nước ngoài nên có hay không.
“Việc đó có thể được ủng hộ hay phản đối, và tùy thuộc vào kết quả tích cực mà nó mang lại và ngược lại là không có tác động gì đáng kể. Với khu vực công, để xã hội phát triển tốt thì hệ thống được vận hành dựa vào 3 yếu tố: luật pháp nghiêm minh, hệ thống được vận hành minh bạch, người lao động ở khu vực công phải có lương đủ sống. Do vậy nên dẫu có nhân lực trình độ cao được du học học nước ngoài về mà không có 3 yếu tố đó thì họ cũng chẳng giúp được gì cho địa phương”, ông Tuyến nhận định.

Nên ưu tiên các vấn đề cấp bách hơn

Cũng theo tiến sĩ Tuyến, nếu học các khóa dài hạn, được cấp bằng, như thạc sĩ hay tiến sĩ, thì không phải địa phương nào cũng nên làm bởi nó tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của địa phương đó, cũng như các mục tiêu ưu tiên khác quan trọng hơn. Thường thạc sĩ, tiến sĩ được làm việc trong môi trường học thuật, như nghiên cứu khoa học hay giảng dạy đại học, thì phù hợp hơn.
“Tất nhiên, nếu địa phương có người học ở các nước phát triển về thì cũng tốt cho việc quản lý ở khía cạnh họ có trải nghiệm cái tiến bộ, được tiếp cận với kỹ thuật cao, có kỹ năng quản lý, tư duy tốt. Nhưng nếu không có 3 yếu tố như kể ở trên thì rốt cuộc tiến sĩ “du học” cũng sẽ chẳng đóng góp được gì nhiều, và do vậy nếu muốn đóng góp thì phải bỏ sang việc khác, đi nơi khác làm. Vì thế, vấn đề này nên để tùy thuộc vào tiềm lực kinh tế của địa phương. Tỉnh giàu thì có thể xem xét việc cử đi học nước ngoài, nhưng cần thực hiện một cách minh bạch, cạnh tranh và chọn người tài thực sự. Với tỉnh nghèo thì nên ưu tiên các vấn đề cấp thiết hơn”, ông Tuyến chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Bảo Huy, giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, người mới trở về từ Pháp và Canada sau 4 năm du học, nói: “Tiến sĩ là nhân lực nghiên cứu khoa học, nếu các đơn vị làm công tác nghiên cứu khoa học (điển hình là trường ĐH và viện nghiên cứu) cần người thì có thể dành ngân sách để đào tạo”.

Nên xuất phát từ nhu cầu cụ thể

Tiến sĩ Doãn Minh Đăng, hiện làm việc cho Công ty kỹ thuật IAV GmbH ở Đức, cho rằng dùng ngân sách đưa người đi đào tạo ở nước ngoài nên theo nhu cầu công việc. Theo đó, với các địa phương, việc đưa người đi học ngắn hạn (để học một kỹ năng nào đó) thì hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các chuyến đi ngắn hạn mà giúp thu hoạch được nhiều thì người đi học cần có tinh thần làm việc chuyên nghiệp và chuẩn bị tốt, còn không thì đi chơi du lịch là chính (cấp T.Ư còn thế, ở địa phương càng dễ có tư duy đi học để du lịch).
Do đó, hãn hữu lắm thì địa phương có thể dành tiền làm học bổng du học để tạo chuyên gia trong lĩnh vực mà địa phương mình có thế mạnh. Còn lại các ngành không phải là thế mạnh của địa phương thì không nên tốn tiền cho du học. Tiến sĩ Đăng nhận xét: “Nhiều địa phương đặt vấn đề các lĩnh vực như tài chính, thu hút đầu tư, quy hoạch đô thị, xử lý rác là các lĩnh vực mà địa phương rất cần người có năng lực, nên đầu tư cho cái mình cần đó. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực mà ai cũng cần kiểu đó thì TP.HCM và Hà Nội có thể đào tạo được rồi. Tiền ngân sách ít thì nên đầu tư cho cái có thể làm cho mình khác biệt sẽ hiệu quả hơn”.
Cũng theo tiến sĩ Đăng, khoản kinh phí dự kiến để đưa người đi du học nếu dùng để thuê chuyên gia về dạy người ở địa phương mình thì giúp đào tạo được nhiều người hơn, và có kết quả sớm thấy được. Với mức chi phí khoảng 1.000 USD/ngày thì có thể thuê được người đủ giỏi để mở lớp đào tạo, hoặc làm dự án cho địa phương mà nhiều nhân sự có thể học hỏi cùng được.
Ý kiến
Rất lãng phí
Việc các địa phương cử người đi đào tạo sau đại học như hiện nay là lãng phí. Vì dùng ngân sách địa phương để đưa người đi đào tạo thì nên tập trung vào nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực hành chính công hoặc dịch vụ công, mà lĩnh vực này ở các địa phương chỉ cần người có trình độ đại học là đủ. Còn nếu địa phương muốn phát triển một lĩnh vực nào đó, thì nên tạo cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào. Khi doanh nghiệp đã quyết định đầu tư thì việc giải quyết bài toán nhân lực chất lượng cao cho mình tại địa phương sẽ do từng doanh nghiệp lo.
PGS Nguyễn Viết Thái 
(Trường ĐH Thương mại)
Giữ chân người làm việc là ở chế độ đãi ngộ
Hiện nay việc chuyển đổi ngành nghề rất nhanh. Thị trường lao động hiện đã tương đối mềm dẻo và linh hoạt. Việc dự trù một ngành nghề chỉ vài năm có thể không còn phù hợp nữa. Vì vậy, thay vì ràng buộc một người được cử đi học về không còn phù hợp làm việc thì hãy để họ tự do tìm nơi có thể làm việc có hiệu quả. Thay vào đó, đơn vị thông báo tuyển người có kinh nghiệm, chuyên môn, phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Giữ chân người làm việc là ở đãi ngộ, thù lao tương xứng chứ không phải là sự ràng buộc quy định không hiệu quả.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống 
(nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
Q.Hiên - Đ.Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.