Đành rằng, việc xử lý đối với sai phạm, bất kể là sai phạm gì, sai phạm của ai cũng cần phải theo trình tự pháp luật, nhưng việc “rà soát, thẩm định” kéo dài tới hơn 12 năm, kể từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong vụ việc “xẻ thịt” đất rừng tại Sóc Sơn thì kể như chính quyền xã Minh Phú, chính quyền H.Sóc Sơn và chính quyền Hà Nội đã để “địa vị” trùm trên sự tôn nghiêm của pháp luật.
tin liên quan
Bí ẩn chủ 27 công trình ở Sóc Sơn sắp bị cưỡng chếTheo từ điển tiếng Việt, “địa vị” là một danh từ xác định vị trí của cá nhân trong quan hệ xã hội do chức vụ, cấp bậc, quyền lực mà có. Nay thì chính quyền xã Minh Phú và H.Sóc Sơn đã xác nhận một chuyện lâu nay dư luận nghi ngờ: chủ nhân những vụ “xẻ thịt”, băm nát rừng phòng hộ ở Sóc Sơn đa phần là quan chức chính quyền. Trong một diễn biến liên quan thì chính quyền các xã nằm trong vùng ảnh hưởng của vụ “xẻ thịt” đất rừng của H.Sóc Sơn vẫn đang rất cố gắng bảo mật danh sách chủ nhân của 27 công trình sai phạm nghiêm trọng, trong diện phải xử lý. “Địa vị” có vẻ vẫn đang còn chi phối rất mạnh mẽ ở đây.
Ngay cả lãnh đạo Hà Nội hiện cũng còn chưa rõ ràng trong phương án xử lý vụ việc. Liệu Hà Nội có nhân cơ hội này để “đau một lần”, giải quyết dứt điểm “khối u” Sóc Sơn, hay lại “bới ra rồi lấp vào” như những lần trước?
Ngày 23.10, bên hành lang Quốc hội đang họp, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tỏ ra rất thận trọng khi PV Thanh Niên đặt câu hỏi: Thành phố có kiên quyết tháo dỡ những công trình sai phạm đã xây dựng đồ sộ ở Sóc Sơn hay không?
Ông Hải không nói có cũng chẳng bảo không, mà rằng “cần phải xem xét cụ thể”. Không hiểu ý ông Hải “cụ thể” là thế nào? Là nếu đụng nhà dân thì phá dỡ (bảo vệ sự nghiêm minh của luật pháp), còn đụng nhà “có địa vị” thì bỏ qua hay là sao?
Trong khi đó Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, tại cuộc họp giao ban UBND TP hôm 31.10 thì cứng rắn hơn: Cưỡng chế các công trình vi phạm ở Sóc Sơn bất kể là của ai. Ông Chung nói thêm rằng sẽ không để tồn tại bất kỳ công trình vi phạm nào.
Có nhiều quan chức cấp xã đã và đang bị xem xét trách nhiệm trong vụ việc gây mất uy tín chính quyền này, nhưng những công trình sai phạm thì vẫn hiên ngang tồn tại, thách thức dư luận và sự nghiêm minh của pháp luật. Và đấy chính là điều khiến cho dư luận không yên tâm nhất. Liệu sai phạm có thật sự chỉ nằm ở vài quan chức cấp xã đó, hay “địa vị” nào đang chi phối câu chuyện “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn khiến cho nó chưa bao giờ được giải quyết như nó vốn phải thế?
“Pháp luật bất địa vị” - thông điệp này đang được Đảng, Chính phủ gửi đi rất mạnh mẽ từ những vụ việc xử lý quan tham liên tiếp trong thời gian qua, Hà Nội lẽ nào không biết!
Bình luận (0)