Dịch bệnh, 1,2 triệu trẻ nguy cơ không có chỗ học, trường mầm non kiến nghị gì?

12/11/2021 13:07 GMT+7

Trong phiên trả lời chất vấn chiều 11.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết hiện có hơn 19.000 cơ sở mầm non chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 đứng trước nguy cơ đóng cửa. Điều này khiến 1,2 triệu trẻ mầm non có thể mất chỗ học.

Đề xuất gói hỗ trợ 800 tỉ đồng cho mầm non tư thục

Cụ thể, trong phiên trả lời chất vấn vào chiều 11.11 đại biểu Phúc Bình Niê KDăm (Đắk Lắk) đã đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có cơ chế, giải pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể gì đối với ngành giáo dục, đặc biệt là với giáo dục mầm non để các cơ sở giáo dục ngoài công lập vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?”.

Dịch bệnh khiến hàng nghìn cơ sở mầm non ở nhiều tỉnh thành phải đóng cửa nhiều tháng nay

nguyễn loan

Đại biểu Phúc Bình Niê KDăm cho rằng các trường ngoài công lập chưa tổ chức dạy trực tiếp mà chủ yếu dạy trực tuyến, nguồn thu rất thấp trong khi phải trả khoản chi phí lớn để chi trả tiền thuê mặt bằng, tiền thuê nhân viên, chi phí tu bổ… Nếu không có giải pháp thì nguy cơ giải thể của các trường ngoài công lập là tất yếu và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục cũng như phá vỡ quy hoạch của ngành.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trước dịch bệnh hệ thống các trường tư thục đặc biệt là ở bậc mầm non đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Các cơ sở giáo dục mầm non hiện đảm nhiệm nuôi dạy 22,3% số trẻ trong độ tuổi đến trường. Trong đó có hơn 90.500 người lao động đang làm việc trong hệ thống này, với hơn 19.000 cơ sở, bao gồm cả trường mầm non và nhóm trẻ. Số cơ sở này thực sự đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều cơ sở mầm non đã đóng cửa, sang tên, rao bán… người lao động thì nhiều người đã chuyển đổi sang công việc khác. Như vậy, 1,2 triệu trẻ mầm non đang có nguy cơ không có chỗ học. Vì số cơ sở mầm non này đang đảm nhiệm chỗ học, chăm sóc cho khoảng 1,2 triệu trẻ.

Mà khi các cháu không có chỗ học thì kéo theo nhiều vấn đề như cha mẹ không có chỗ gửi con thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của xã hội, và đây là con số không hề nhỏ.

Nhận thức thấy nguy cơ này, Bộ GD-ĐT đã tính toán, nắm nhu cầu, có cơ sở dữ liệu và đã xây dựng phương án, đề xuất gói hỗ trợ đang trình Chính phủ xem xét. Gói hỗ trợ này sẽ hỗ trợ cho cả người lao động, lẫn cơ sở mầm non với tổng giá trị gói hỗ trợ đề xuất là trên 800 tỉ đồng.

Trong đó đề xuất một số cơ chế hỗ trợ việc vay vốn, thuế, và các điều kiện các cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

“Qua dịch bệnh thì chúng tôi nhìn ra rằng cần phải quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa đến đối tượng là nhóm các cơ sở giáo dục ngoài công lập”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Tương tự, báo cáo giải trình trước Quốc hội sáng 12.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực giáo dục.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục, đào tạo gặp khó khăn do dịch bệnh và rà soát, bổ sung chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn, nhất là đối với giáo viên mầm non và giáo viên ngoài công lập.

Nhiều trường mầm non tư thục cho biết đã kiệt quệ, đứng trước nguy cơ giải thể sau 2 năm đóng cửa liên tục

N.T

Trường mầm non tư thục mong chờ chính sách hỗ trợ

Trước thông tin Bộ GD-ĐT có đề xuất gói hỗ trợ 800 tỉ đồng dành cho mầm non tư thục, nhiều chủ trường không khỏi mong chờ, hy vọng.

Là một trong những người từng có đơn gửi lên Văn phòng Chính phủ để kiến nghị một số chính sách hỗ trợ cho mầm non tư thục, bà Lâm Bội Linh, thành viên HĐQT của Hệ thống trường mầm non Kid’s Club (TP.HCM), cho rằng việc Bộ GD-ĐT có đề xuất gói hỗ trợ 800 tỉ đồng là một tín hiệu đáng mừng với ngành mầm non.

Theo bà Linh, hiện tại vẫn có một số chính sách hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp nhưng trường mầm non khó tiếp cận. Một số gói vay vốn đang có cũng cho vay với mục đích để trả lương cho nhân viên, nhưng chỉ vay được 50% trên hệ số lương và phải trả trong vòng một năm nên không khả thi.

"Nếu được gói 800 tỉ đồng hỗ trợ các gói vay vốn cho doanh nghiệp với các điều kiện hợp lý để sửa chữa lại trường sau thời gian dài đóng cửa và trang bị thêm học cụ, thiết bị đáp ứng được tiêu chí 5K sẵn sàng đón trẻ quay trở lại trường hay hỗ trợ cho người lao động của mầm non tư thục thì sẽ giúp các trường có thêm động lực vực lại sau đợt dịch", bà Linh chia sẻ.

Trong khi đó, là giáo viên mầm non hiện đang phải làm công việc khác, cô Lê Thị Mỹ Linh (24 tuổi, TT.Phước Dân, H.Ninh Phước, Ninh Thuận) cho rằng gói hỗ trợ dù ít dù nhiều sẽ là nguồn động viên rất lớn đối với lực lương lao động trong lĩnh vực này.

Theo cô Linh, trước đó TP.HCM có một số gói hỗ trợ dành cho người lao động bị ảnh hưởng của dịch, nhưng với bản thân giáo viên mầm non vì vướng một số quy định như về việc đóng BHXH nên nhiều người không được hưởng các chính sách này.

"Việc hỗ trợ từ Chính phủ sẽ là nguồn động viên lớn, để bản thân những giáo viên mầm non cảm thấy mình được quan tâm, nghề nghiệp của mình đóng vai trò quan trọng với xã hội, mọi người vì thế có thể sẽ quay lại công việc khi trường được mở cửa", cô Linh chia sẻ.

Trước đó, như Báo Thanh Niên đã thông tin, có gần 100 trường mầm non tư thục ở TP.HCM với khoảng 200 cơ sở đã có thư kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM... "cầu cứu". Trong thư kiến nghị họ cho biết đã gặp rất nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ giải thể khi phải đóng cửa liên tục trong 2 năm qua.

Họ kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cụ thể với cả người lao động và các chủ trường như hỗ trợ các khoản vay, giảm lãi suất, miễn đóng BHXH... Đồng thời họ mong muốn cơ quan chức năng xem xét, sớm cho trường mầm non mở cửa, hoạt động trở lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.