Dịch bệnh sởi lan ra 43 tỉnh thành

20/02/2019 05:03 GMT+7

Bộ Y tế cảnh báo dịch bệnh sởi có nguy cơ lan rộng nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt.

Ở nhà cũng bị mắc sởi

Số mắc sởi hiện đã ghi nhận tại 43 tỉnh, TP và vẫn đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, TP khu vực phía nam, nên nguy cơ cao lây lan và bùng phát dịch bệnh nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống
Ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng
Sáng 20.2, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội), bé trai 4 tháng tuổi quê Nam Định đang bình phục sau một tuần điều trị viêm phổi.
“Khởi đầu con bị sốt, sau khoảng 3 hôm có nổi ban, sốt cao. Khi vào bệnh viện tỉnh, các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi nặng có nhiễm sởi nên chuyển lên Nhi T.Ư. Bé chưa được tiêm vắc xin sởi do chưa đến tuổi tiêm vắc xin (phải đến 9 tháng mới tiêm mũi 1)”, mẹ của bé cho hay.
Nằm cùng phòng điều trị còn có bé trai Thành L., 5 tháng tuổi (ngụ Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Mẹ bé L. cho biết khoảng 2 tuần trước chị bị mắc sởi nhập viện điều trị 1 tuần. Khi ra viện, chị về nhà ông bà ngoại nhằm cách ly tránh lây cho con, nhưng chỉ 3 - 4 ngày thì bé cũng bị sởi phải nhập viện. Khởi đầu, bé L. sốt, sau đó nổi ban ở mặt và lan rộng; cùng lúc bé bị bội nhiễm viêm đường hô hấp, ho và nhiều đờm, được các bác sĩ chỉ định tiêm kháng sinh.
Các bệnh nhi trên đều còn nhỏ, chủ yếu chăm sóc tại nhà chứ chưa đi lớp mầm non nên không rõ nguồn lây. “Các bác sĩ tư vấn tiêm vắc xin nhưng bệnh sởi phải chờ đến 9 tháng tuổi mới được tiêm nên gia đình cũng không biết làm cách nào. Con chỉ chăm sóc ở nhà mà vẫn bị mắc sởi”, một bà mẹ hoang mang.
Theo BV Nhi T.Ư, hiện có 14 bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại khoa truyền nhiễm, chủ yếu là các trẻ dưới 1 tuổi; đã ghi nhận các ca viêm phổi nặng.

Nguy cơ lan rộng

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế ngày 19.2, trong 6 tuần đầu năm nay cả nước ghi nhận 5.246 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam và miền Bắc. Các tỉnh, thành phố có số mắc cao là: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên, Yên Bái. Bệnh nhân sởi cao nhất ở nhóm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, chủ yếu không được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm hơn 95%); trong đó 16% trẻ mắc mới chưa đến tuổi tiêm chủng (bằng hoặc dưới 9 tháng tuổi).
“Số mắc sởi hiện đã ghi nhận tại 43 tỉnh, TP và vẫn đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, TP khu vực phía nam, nên nguy cơ cao lây lan và bùng phát dịch bệnh nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, đặc biệt khi thời tiết mùa đông xuân thuận lợi cho vi rút sởi lây truyền, người dân di chuyển biến động trong dịp tết tăng cao”, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn khuyến cáo.
Cũng theo Cục Y tế dự phòng, sởi chủ yếu lây qua đường hô hấp với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não..., thậm chí dẫn đến tử vong. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sẩy thai, đẻ non.
“Chỉ có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch sởi khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Cần đưa trẻ từ 9 - 12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Các trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào”, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo.

Có thể kéo dài đến tháng 6

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 11 - 17.2, trên địa bàn TP ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi, nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp. Các trường hợp mắc sởi đã xuất hiện tại 17 quận, huyện trên địa bàn TP.
Ngày 19.2, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết hiện BV có khoảng 20 ca sởi đang điều trị nội trú, bệnh nhân ở tỉnh chiếm 60%, đa số viêm phổi, có em phải thở ô xy. Tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng có khoảng 62 ca nội trú, ở các tỉnh chiếm đến 60 - 70%. Tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM hiện có hơn 47 ca mắc sởi điều trị nội trú. Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, hiện địa bàn có khoảng 1.000 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 có vài ca, 24 quận huyện đều có ca mắc. Bác sĩ Khanh khuyến cáo nguy cơ dịch sởi kéo dài đến tháng 6.
Tại Đồng Nai, từ đầu năm 2019 đến nay toàn tỉnh có 609 ca mắc bệnh sởi, tập trung chủ yếu tại TP.Biên Hòa (với 323 ca). Đại diện Sở Y tế Bình Dương cho biết từ tháng 1.2019 đến nay toàn tỉnh ghi nhận 712 ca nhập viện nghi mắc bệnh sởi. Sở Y tế Bình Dương đã chỉ đạo cơ quan y tế các địa phương rà soát những người chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi rubella để tiến hành tiêm vắc xin miễn phí.
L.C - Duy Tính - Đỗ Trường - Lê Lâm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.