Nhưng có những người thôi việc không phải vì tìm công việc mới. Thay vào đó, họ sẽ gia nhập thị trường lao động tự do (GIG economy) để có thể linh hoạt làm nhiều công việc cùng lúc. Chưa kể, có một lượng lớn công nhân thôi việc để về quê sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp gần nhà.
Đây là những xu hướng thay đổi nguồn nhân lực rõ nét nhất ở TP.HCM - thị trường lao động lớn nhất nước trong thời gian qua.
Theo quan sát của phóng viên, sự dịch chuyển này xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất là từ chính thị trường và thay đổi tư duy lao động. Báo cáo "Xu hướng nhân tài - 10 năm nhìn lại" của Anphabe vào năm 2024 cho thấy làm việc linh hoạt đã trở thành một tiêu chuẩn mới. Trong đó, có tới 57% nguồn nhân lực trí thức đang tham gia vào GIG và con số này vẫn chưa dừng lại.
Bên cạnh đó, NLĐ mưu cầu mức thu nhập tốt hơn để chi trả cho chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, nhưng doanh nghiệp chưa thể theo kịp kỳ vọng này, dù nhiều doanh nghiệp đã có những nỗ lực cải thiện.
Ngoài ra, chiến lược phát triển kinh tế của TP.HCM cũng ảnh hưởng đến xu hướng chuyển dịch này. TP.HCM đang từng bước giảm sự phụ thuộc vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, giày da và hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, bền vững.
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất sử dụng lao động thủ công khi hết hạn thuê đất tại các khu công nghiệp không được gia hạn hợp đồng, nên có nhiều công nhân mất việc và buộc phải chuyển đổi ngành nghề.
Xu hướng này vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Nói là cơ hội vì nhờ vào đó, doanh nghiệp có động lực để tái cấu trúc, cải thiện chính sách nhân sự và đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại hơn. Mặt khác, NLĐ có cơ hội nâng cao kỹ năng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Suy cho cùng, sự dịch chuyển lao động là một xu hướng tất yếu của thị trường. Cả doanh nghiệp lẫn NLĐ đều cần thích nghi để không bị bỏ lại.
Bình luận (0)