Từ 0 giờ 5.5, UBND TP Hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động mát xa, spa, rạp chiếu phim, sân vân động, phòng tậm gym… để chủ động phòng dịch Covid-19. Trước đó, các quán ăn uống, trà đá, cà phê vỉa hè cũng phải đóng cửa, hàng quán trong nhà lắp thêm vách ngăn, vệ sinh khử khuẩn, giữ khoảng cách 1m giữa người với người để đảm bảo an toàn.
“Bế tắc!”
Sáng 5.5, từ khi biết thông báo phải đóng cửa, cửa hàng kinh doanh dịch vụ spa trên đường Nguyễn Phong Sắc (Q.Cầu Giấy) chấp hành tạm dừng hoạt động để chủ động phòng dịch Covid-19.
|
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Nguyễn Thu Trang (27 tuổi, quê ở Ninh Bình) cho hay, chị làm nhân viên tại quán spa này được hơn 3 năm nay. Dịch Covid-19 trở lại khiến lượng khách giảm hẳn vì nhiều người hạn chế ra ngoài, ít đi làm đẹp. Thời điểm hiện tại, quán spa đóng hẳn khiến chị phải nghỉ việc không lương.
“Giờ thất nghiệp, không có việc làm nên bế tắc lắm. Trước chưa có dịch đi làm cũng đủ nuôi bản thân với gửi về cho cha mẹ một ít nhưng giờ cơ sở không hoạt động là không có lương. Giờ tôi đang tính về quê kiếm cái gì đó làm, được đồng nào hay đồng đó chứ ở đây phải mất tiền trọ, chi phí sinh hoạt hằng ngày cũng đắt đỏ”, chị Trang buồn bã cho hay.
|
|
Cùng hoàn cảnh với chị Trang, chị Nguyễn Phương Linh (22 tuổi, nhân viên tiệm spa trên đường Doãn Kế Thiện, Q.Cầu Giấy) cho biết, dịch Covid -19 trở lại khiến chị mất thu nhập vì tiệm đóng cửa. Chị Linh hưởng lương theo doanh thu, tiệm dừng hoạt động đồng nghĩa với việc chị không có nguồn thu trang trải chi phí sinh hoạt.
“Làm spa vắng khách toàn ngồi chơi, lướt điện thoại mãi cũng chán, bình thường làm việc này không giàu nhưng cũng có thu nhập nuôi bản thân. Thu nhập của tôi phụ thuộc vào khách đến tiệm, tính theo % ăn chia với chủ nên không có lương cứng. Giờ đóng cửa là không có tiền luôn. Suốt năm ngoái đến giờ cũng trải qua mấy đợt dịch rồi nên tôi cũng tính đến chuyện tìm việc khác nhưng khó lắm, chả biết làm gì, dịch thì mãi không hết hẳn”, chị Linh chia sẻ.
“Tập quen dần khi không hết dịch”
Dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp nên anh Đường Văn Toàn (35 tuổi, chủ quán bún cá trên đường Dương Quảng Hàm) lắp thêm vách ngăn, nước sát khuẩn đảm bảo an toàn cho khách khi đến ăn tại quán.
|
|
“Vách ngăn tôi sắm từ đợt trước Tết, khi có thông báo là tôi đưa ra đặt trên bàn luôn. Bình thường không có dịch mỗi ngày quán tôi bán khoảng 200 – 250 bát bún nhưng giờ dịch quay lại mất hẳn lượng khách sinh viên vì các bạn ấy chuyển sang học online, không đến trường. Làm vách ngăn mất thêm khoảng 260.000 đồng/bàn, dù đắt nhưng chắc chắn phải làm cho an toàn”, anh Toàn nói.
Cũng theo chia sẻ của anh Toàn, ngoài làm vách ngăn, cửa hàng anh cũng chủ động mua thêm nước sát khuẩn, khẩu trang cho nhân viên khi phục vụ khách.
|
|
|
“Dịch Covid-19 quay trở lại lần này là lần thứ tư rồi nên cũng phải tập quen dần, chỉ mong dịch hết hẳn để cuộc sống bình thường như trước đây. Nhà tôi luôn tuân thủ việc làm vách ngăn, có mã khai báo y tế dán trên bàn, nước rửa tay đầy đủ với cả quán bún khách ăn một tí rồi đứng lên chứ không phải ngồi lâu. Hy vọng mọi người chung tay, cố gắng đẩy lùi để không phải gặp đợt dịch Covid nào nữa”, anh Toàn cho hay.
Bình luận (0)