Dịch Covid-19: Cấp tốc làm quen với cách thi lớp 10 ngắn gọn hơn

10/06/2021 08:00 GMT+7

Sau quyết định của UBND TP.Hà Nội về việc lùi lịch thi lớp 10, giảm thời gian làm bài thi từng môn, các trường THCS ở Hà Nội cũng nhanh chóng xây dựng đề thi theo hướng ngắn gọn hơn để học sinh cấp tốc làm quen.

UBND TP.Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT Hà Nội về phương án thi các môn để tuyển sinh lớp 10 không chuyên trong 2 buổi sáng, thay vì 3 buổi thi trong 2 ngày như kế hoạch trước đó. Thời gian làm bài thi của từng môn cũng được rút ngắn.

Sáng 10.6: Thêm 70 ca Covid-19, TP.HCM có 26 bệnh nhân mới

Thi thử trực tuyến, mời phụ huynh làm “giám thị”

UBND TP.Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT Hà Nội về phương án thi các môn để tuyển sinh THPT không chuyên trong 2 buổi sáng, thay vì 3 buổi thi trong 2 ngày như kế hoạch trước đó. Thời gian làm bài thi của từng môn cũng được rút ngắn.
Buổi sáng 12.6 thi môn ngữ văn, thời gian làm bài 90 phút (thay vì 120 phút như lịch đã công bố trước) và môn ngoại ngữ thời gian làm bài 45 phút (thay vì 60 phút). Buổi sáng 13.6 thi môn toán, thời gian làm bài 90 phút (thay vì 120 phút như lịch đã công bố) và môn lịch sử, thời gian làm bài 45 phút (thay vì 60 phút).
Việc rút thời gian thi từng môn để giảm áp lực cho học sinh (HS) trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng không ít HS và phụ huynh lại tỏ ra lo lắng vì lâu nay đã quen ôn tập luyện đề theo cách cũ, và ở giai đoạn ôn tập “nước rút”, HS thường bấm thời gian để làm đề mẫu. Do vậy, thay đổi thời gian làm bài liệu có khiến HS lúng túng với dạng đề mới hay không?
Nhiều giáo viên và nhà trường hiểu nỗi lo này nên đã nhanh chóng xây dựng các dạng đề thi thử tương ứng với thời gian và số lượng câu hỏi rút ngắn theo công bố của Sở GD-ĐT, để HS dễ hình dung và yên tâm khi thấy cấu trúc đề thi không thay đổi, không bị bất ngờ về cách làm bài.
Chia sẻ nỗi lo của phụ huynh trước những thay đổi của kỳ thi vào lớp 10, các trường THCS ở Q.Ba Đình được yêu cầu tổ chức thi thử cho HS theo hình thức trực tuyến, với thời gian làm bài của từng môn mà Sở GD-ĐT mới thay đổi.
Tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Q.Ba Đình), các buổi thi thử này đều khuyến khích phụ huynh tham gia với vai trò là “giám thị” tại gia, để chính phụ huynh được chứng kiến con mình có gặp phải khó khăn gì trong khi làm bài.
Lãnh đạo trường này cho biết sau các buổi thi thử, nhà trường nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực của phụ huynh gửi tới ban giám hiệu và các thầy cô sau khi làm “giám thị bất đắc dĩ” của con. Tựu trung các ý kiến đều cho rằng khi nghe thông tin giảm thời gian làm bài, phụ huynh và các con đều hoang mang nhưng khi thấy con làm bài theo đề thi với thời gian và câu hỏi ngắn gọn hơn thì yên tâm vì dạng đề vẫn là quen thuộc, các con chỉ cần phân bổ thời gian làm bài theo thời lượng mới điều chỉnh nên sự lo lắng ban đầu đã được giải tỏa.

Bản tin Covid-19 ngày 9.6: Diễn biến mới đáng lo ngại ở TP.HCM

Giáo viên gợi ý “chiến thuật” phân bổ thời gian làm bài

Ngay sau khi Hà Nội quyết định điều chỉnh thời gian làm bài các môn thi vào lớp 10, bà Ngô Thị Thái Thanh, giáo viên ngữ văn Trường THCS Thành Công (Hà Nội), bắt đầu ôn luyện cho HS lớp 9 theo yêu cầu mới.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm, bà Thanh đã tính toán rất kỹ, đưa ra một số thay đổi giúp HS thích nghi. Thay vì khuyên làm phần 1 trước bởi đây là phần nghị luận văn học và các câu hỏi liên quan đến tác giả, tác phẩm, phương thức biểu đạt, chiếm 6,5 - 7 điểm, bà Thanh chuyển hướng yêu cầu HS thấy phần nào dễ, cảm thấy tự tin thì làm trước. HS không nhất thiết phải làm từ trên xuống dưới, bởi 90 phút (giảm 30 phút so với trước) không quá dài để các em suy nghĩ. Bà Thanh cũng chuyển sang hướng dẫn HS phân tích nội dung một cách ngắn gọn hơn, lưu ý ưu tiên viết gì trước để đảm bảo hoàn thành bài thi trong thời gian cho phép và đạt điểm cao.
Bà Đàm Thị Hải Yến, giáo viên tổ ngữ văn Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), cũng lưu ý dù thời gian làm bài ra sao thì đề thi sẽ vẫn gồm 2 phần. HS cần đọc kỹ đề và xem số điểm ở mỗi phần, mỗi câu để định hướng trả lời và phân bổ thời gian. Nguyên tắc phân bổ thời gian làm bài thi môn ngữ văn hợp lý trong 90 phút mà bà Hải Yến đưa ra, đó là: 5 phút đầu đọc và soát đề; khoảng 25 phút làm các câu đọc hiểu (chiếm khoảng 45% tổng điểm); 30 phút làm câu viết đoạn văn nghị luận văn học (chiếm 35% tổng điểm); 25 phút làm câu viết đoạn văn nghị luận xã hội (chiếm 20% tổng điểm) và cố gắng dành 5 phút cuối để kiểm tra lại bài.
Làm thủ tục trực tuyến, bắt buộc khai báo y tế
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022 diễn ra vào các ngày 12 và 13.6, với hơn 93.000 thí sinh đăng ký dự thi. Sở GD-ĐT Hà Nội đã thành lập 184 điểm thi.
Ngày 8.6, tất cả các điểm thi trên địa bàn TP đã tổ chức diễn tập các tình huống có thể xảy ra trong kỳ thi này, đặc biệt là bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trước khi vào phòng thi, toàn bộ thí sinh đều phải được đo thân nhiệt và di chuyển ngay vào phòng thi, không tập trung tại sân trường. Các thí sinh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như thân nhiệt cao, ho… được bố trí tại phòng thi riêng.
Ngày 11.6, thí sinh sẽ tiến hành làm thủ tục dự thi và chỉnh sửa sai sót (nếu có) theo hình thức trực tuyến thay vì trực tiếp như kế hoạch ban đầu. Hà Nội cũng yêu cầu trước 17 giờ ngày 11.6, tất cả thí sinh đã đăng ký tham dự kỳ thi phải hoàn thành khai báo y tế theo quy định.
Đề thi vẫn đảm bảo sự phân hóa
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định dù thay đổi thời gian thi nhưng cấu trúc và hình thức đề thi không thay đổi so với kế hoạch công bố trước đó. Tuy nhiên, do giảm thời gian làm bài nên mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của đề thi được tinh giảm phù hợp với thời gian thi.
Số lượng câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong đề thi môn ngoại ngữ (không chuyên) và môn lịch sử (không chuyên) là 30 câu/đề thi, giảm bớt 10 câu/đề thi so với kế hoạch trước, giảm bớt một số câu ở từng phần trong cấu trúc đề thi, nhưng vẫn đảm bảo sự phân hóa của đề để lựa chọn được những thí sinh có đủ năng lực theo yêu cầu của công tác tuyển sinh.
Ông Đại cũng lưu ý HS và phụ huynh không nên quá lo lắng, đề thi các môn năm nay sẽ bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình môn học, trong chương trình các em đã được học tập, ôn tập, phù hợp đối tượng dự thi.
Với môn toán, ông Trần Mạnh Tùng, Trường THCS -THPT Lương Thế Vinh, nhấn mạnh thời gian luôn là yếu tố quan trọng đối với mỗi bài thi. Các em cần phân bổ 90 phút ứng với 10 điểm, như thế mỗi điểm sẽ tương ứng với khoảng 9 phút. Do thời gian cho mỗi điểm ít đi nên độ khó, độ dài của câu hỏi cũng giảm đi. Tuy nhiên, với 9 phút/1 điểm thì các em cần tiết kiệm thời gian, tránh các việc làm không cần thiết: đã có phương pháp thì không cần nháp, tăng cường tính nhẩm, sử dụng máy tính hợp lý... Dựa vào số điểm số của mỗi câu, các em sẽ biết phân bổ thời gian phù hợp cho câu đó.
Ông Tùng cũng lưu ý HS thi lớp 10 cần tránh tình trạng đầu tư quá mức vào một câu nào đó, như thế sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm các câu khác. HS cũng có thể ghi vào đề thời gian cần thiết để làm mỗi bài đó. Làm được như vậy các em sẽ không bị cuống và làm bài sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.