Dịch Covid-19, cơ hội có 5 thay đổi cho giáo dục Việt Nam

14/04/2020 11:00 GMT+7

Dịch Covid-19 đã gây hậu quả nặng nề cho giáo dục và đào tạo , khi hàng tỉ học sinh, sinh viên trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải nghỉ học kéo dài và chưa biết khi nào kết thúc.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 không chỉ là thách thức mà nó cũng mở ra những cơ hội mới cho giáo dục nước ta.

Bổ sung luật Giáo dục

Luật Giáo dục 2019 đã được Quốc hội mới thông qua tháng 6.2019 và có hiệu lực từ 1.7.2020 không có một điều khoản nào quy định trong trường hợp một địa phương, một vùng, hay toàn quốc bị thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh xung đột thì việc dạy, học và thi của học sinh, sinh viên như thế nào. Vì vậy, khi xảy ra dịch Covid-19, Chính phủ, ngành giáo dục và đào tạo (GĐ-ĐT) cũng như các địa phương khó khăn, không chủ động trong việc đưa ra giải pháp kịp thời, hiệu quả. Mặc dù, Bộ GD-ĐT đã 2 lần dự kiến lùi thời gian kết thúc năm học, thi THPT và tinh giản chương trình, nhưng diễn biến dịch bệnh còn phức tạp nên chưa biết lúc nào các trường mới mở lại.
Nhiều nước trên thế giới như Anh, Ấn Độ, Úc… đã hoãn hoặc hủy các kỳ thi THPT. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên xét tốt nghiệp. Nhưng điều này trái với luật Giáo dục, do đó, muốn xét tốt nghiệp thì Quốc hội sửa luật hoặc trong trường hợp Quốc hội không họp được thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết. Năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép bỏ thi tiểu học và đến năm 2005, sửa đổi luật Giáo dục bỏ thi tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở. Cách đây hơn 40 năm, tháng 3.1979, Hội đồng Nhà nước ban hành Lệnh tổng động viên, những học sinh đang học lớp 12 nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên đều được đặc cách tốt nghiệp.
Như vậy, đây là điều kiện để Quốc hội bổ sung, sửa đổi luật Giáo dục, quy định đầy đủ các vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh.
Điều chỉnh chính sách du học của Việt Nam
Chiến lược cử người hay khuyến khích người dân đi học ở các nước có nền khoa học và giáo dục phát triển là một chiến lược lâu dài, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, việc du học này cũng có mặt trái của nó. Theo UNESCO, Việt Nam có hàng trăm ngàn học sinh du học các nước và một năm đầu tư một khoản kinh phí rất lớn, gần 3 tỉ USD. Trong đó, gần 6% là do ngân sách Nhà nước tài trợ và 94% là do người dân tự đầu tư hoặc học bổng tài trợ của nước ngoài. Trong số du học sinh đi học đó, không chỉ học các trường đại học chất lượng cao, học phí cao, mà có cả những trường chất lượng không cao, do học phí thấp. Trong khi, các trường đại học quốc tế trong nước, học sinh Việt Nam chỉ được học với tỷ lệ 10-20% trong tổng số sinh viên.
Vì vậy, Nhà nước cần điều chỉnh chính sách hạn chế học sinh đi học nước ngoài ở những trường có học phí thấp (Trung Quốc đã thực hiện từ những năm 1980), đồng thời tăng tỷ lệ học sinh Việt Nam học ở các trường quốc tế trong nước.
 

Bồi dưỡng giáo viên dạy trực tuyến

Theo kế hoạch, đến tháng 9.2020 chính thức triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều này muốn thực hiện được, đến tháng 3.2020, các trường tiểu học phải lựa chọn xong bộ sách giáo khoa sử dụng cho trường mình và đến tháng 6.2020 sẽ tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới cho tất cả giáo viên. Nhưng việc chọn sách giáo khoa gặp khó khăn và kết thúc năm học muộn, nên việc bồi dưỡng giáo viên sẽ khó khăn. Do đó, Bộ GD-ĐT cần có nhiều phương án như lùi thời gian khai giảng năm học 2020-2021 và tăng chường các hình thức bồi dưỡng giáo viên trực tuyến. Rõ ràng đại dịch là một thử thách lớn, nhưng qua đây, các nhà xuất bản, trường sư phạm phối hợp với các sở GD-ĐT tăng cường hình thức bồi dưỡng giáo viên từ xa và đẩy mạnh việc tự học, tự nghiên cứu của giáo viên.

Giáo viên làm quen với việc dạy trực tuyến, dạy từ xa kể từ khi học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19

Đậu Tiến Đạt

Triển khai dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình

Theo ước tính của UNESCO, đến ngày 24.3.2020, ít nhất có 138 nước đã áp dụng lệnh đóng cửa trường trên toàn quốc, ảnh hưởng tới 80% học sinh toàn cầu (khoảng 1,3 tỉ em). Vì vậy, các nước đã tập trung vào giải pháp học trực tuyến và truyền hình. Các nước như Trung Quốc, Nga, Argemtina, Mexico, Hàn Quốc, Canada, Pháp, Anh, Mỹ,… đã đẩy mạnh dạy học trực tuyến.
Ở Việt Nam, việc dạy học trực tuyến đã được đề xuất từ lâu nhưng chưa có tỉnh, thành phố nào thực hiện được. Qua dịch Covid-19 , tất cả 63 tỉnh, thành phố đều tổ chức giảng dạy qua truyền hình hoặc giảng dạy trực tuyến. Như vậy, đại dịch này cũng là cơ hội để giáo dục và đào tạo nước ta triển khai dạy học trực tuyến từ trường đại học đến phổ thông, nhất là giảng dạy cho học sinh lớp 9 và lớp 12.
Tuy nhiên, việc học trực tuyến cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục như không đảm bảo tính bình đẳng, vì còn nhiều học sinh chưa có máy tính và mạng internet ở nhà, học sinh chưa thực sự chủ động trong học tập, thậm chí một số học sinh đã để tên tài khoản (ID) và mật khẩu công khai trên mạng xã hội để một số đối tượng xấu vào lớp học để quậy phá.
Vì vậy, về lâu dài Bộ GD-ĐT cần có quy định cụ thể và xây dựng quy chế tổ chức lớp học trực tuyến. Các trường sư phạm tăng cường đào tạo về dạy học trực tuyến cho sinh viên sư phạm và các địa phương khuyến khích trung tâm dạy thêm, học thêm sử dụng hình thức học trực tuyến.

Giáo viên phổ thông cũng bắt đầu thực hiện dạy học trực tuyến

Đăng Nguyên

Nâng cao vai trò các môn khoa học xã hội và nhân văn

Dịch Covid-19 cho thấy, dù quốc gia có nền khoa học, công nghệ và y tế phát triển cao đến đâu cũng không ngăn chặn được dịch nếu như không có các giải pháp nhân văn như cách ly xã hội triệt để, mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, nâng cao ý thức công dân…
Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và xác định “chống dịch như chống giặc”. Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra xuất phát từ việc coi trọng tính mạng và sức khỏe của nhân dân, hy sinh một phần về kinh tế.
Có thể khẳng định rằng, vai trò các môn khoa học xã hội và nhân văn ở trường phổ thông là rất lớn, góp phần quan trọng hình thành và phát triển những phẩm chất như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm.
Từ dịch Covid-19, cần đưa vào chương trình giáo duc phổ thông về các đại dịch trên thế giới mà loài người đã vượt qua để các thế hệ học sinh biết và ứng phó. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho học sinh, những giá trị cao đẹp và nhân văn của dân tộc Việt Nam để các thế hệ học sinh cần biết đến, trân trọng, giữ gìn và phát huy trong thời đại ngày nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.