Dịch Covid-19, nhân viên y tế bất đắc dĩ trở thành… tài xế chuyên chở ca F

07/06/2021 18:02 GMT+7

Anh Trần Khánh Hậu là nhân viên y tế phụ trách điều tra dịch tễ phòng dịch Covid-19 ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) rồi bất đắc dĩ kiêm luôn nhiệm vụ lái xe chở trường hợp F0, F1 sau khi cơ quan được cấp xe cứu thương.

Khi nhân viên y tế trở thành tài xế

Sáng 7.6, nhân viên y tế Trần Khánh Hậu (34 tuổi) vừa tỉnh giấc là nhận được điện thoại, rồi vội vã mặc đồ bảo hộ, lên đường chở một số trường hợp thuộc diện F1 đến điểm cách ly tập trung phòng dịch Covid-19 tại TP. Thủ Đức (TP.HCM).
Đây là nhiệm vụ mới kiêm thêm của anh Hậu, vốn thuộc đội phản ứng nhanh điều tra dịch tễ, truy vết các F tại Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận 9 cũ (nay là Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức, khu vực II).
Anh Hậu (quê ở tỉnh Long An) cho hay trước đây cơ quan không có xe cứu thương, chỉ có xe bán tải phục vụ cho công tác đi lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển cán bộ y tế đi điều tra xác minh các ca bệnh. Đơn vị được bàn giao một xe cứu thương khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nhu cầu chuyên chở nhiều hơn.
"Chúng tôi chỉ có một tài xế duy nhất đang phụ trách xe bán tải. Tôi biết lái xe và có bằng lái tiêu chuẩn nên đứng ra nhận luôn công việc lái xe cứu thương", anh Hậu chia sẻ.
Dù anh Hậu phải đối mặt nhiều áp lực hơn khi kiêm lái xe lẫn điều tra dịch tễ nhưng anh cho rằng điều này sẽ giúp công tác chuyên chở F0, F1 đến khu cách ly thuận tiện hơn so với lúc trước phải chờ xe cứu thương của bệnh viện khác.
Với 8 năm làm việc tại quận 9 cũ, anh Hậu thông thuộc mọi ngã đường nên có thể nhận thêm việc lái xe cứu thương để tiết kiệm nhân lực trong mùa dịch và các nhân viên y tế còn lại làm việc khác.

Những chuyến xe xuyên đêm

Anh Hậu nhận làm tài xế xe cứu thương gần một tuần nay, cũng là lúc cao điểm của dịch Covid-19 nên anh gần như không có thời gian nghỉ ngơi.
“Từ lúc nhận nhiệm vụ lái xe đến giờ, xe cứu thương hoạt động suốt, mỗi ngày chạy gần hết một bình dầu. Riêng 13 phường thuộc địa bàn quận 9 cũ gần như ngày nào cũng có trường hợp F1 cần được đưa đi cách ly tập trung. Trung bình mỗi ngày, tôi phải chạy từ 2-5 chuyến thì mới kịp chở hết các ca F1 đi cách ly", anh Hậu chia sẻ.
Mới đây, một ca dương tính với Covid-19 được xác định trong một công ty may nên có tới 140 người phải đi cách ly trong đêm. Anh Hậu kể lại: "Tôi cứ thế chở hết chuyến này đến chuyến khác, chạy xuyên đêm mới chở hết. Tôi thấm mệt nhưng tự nhủ bản thân phải cố gắng vì không thể để mọi người phải chờ đợi lâu”.

Tôi chỉ mong dịch Covid-19 qua nhanh, cuộc sống có thể quay lại bình thường để tôi có giấc ngủ trọn vẹn và về quê thăm gia đình

Trần Khánh Hậu

Bên cạnh đó, anh Hậu còn phụ trách khâu vệ sinh, khử khuẩn xe cứu thương và anh luôn động viên các trường hợp F trong lúc chở họ đến nơi cách ly tập trung.
“Không phải ai cũng chịu hợp tác với lực lượng y tế. Đôi khi tôi toát mồ hôi vì nhiều trường hợp F1 phản đối, không chịu hợp tác đi cách ly tập trung. Lúc đó, tôi cố ngồi lại giải thích, động viên, nhưng cũng có một người có ý định bỏ trốn. Tôi chỉ mong mọi người thấu hiểu công việc của lực lượng y tế và hợp tác", anh Hậu nói. 
Anh Trần Khánh Hậu, nhân viên y tế kiêm tài xế xe cứu thương, chia sẻ: "Chúng tôi phải lên đường khi có ca bệnh, bất kể ngày đêm. Tôi chỉ mong dịch Covid-19 qua nhanh, cuộc sống có thể quay lại bình thường để tôi có giấc ngủ trọn vẹn và về quê thăm gia đình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.