Dịch Covid-19: Trường ĐH yêu cầu giảng viên lên trường dạy trực tuyến nói gì?

08/04/2020 11:56 GMT+7

Dù đang dịch Covid-19, một trường ĐH triển khai giảng dạy trực tuyến và yêu cầu giảng viên lên phòng studio để thực hiện bài giảng.

Để ứng phó với việc nghỉ học tập trung kéo dài do dịch bệnh Covid-19, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chính thức triển khai giảng dạy trực tuyến phối hợp từ ngày 6.4.

Phòng dạy trực tuyến gồm 2 người

Việc dạy học trực tuyến tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM được thực hiện với bốn cấu phần: Bài giảng trực tuyến thông qua Cổng thông tin trực tuyến BK-Elearning (BkeL); Bài giảng livestream để sinh viên theo dõi; Giảng viên tương tác trực tuyến thời gian thực với sinh viên thông qua BKeL; Giảng dạy truyền thống (khi bắt đầu học tập trung và đối với các phần học cần phòng thí nghiệm/thực hành).
Để thực hiện kế hoạch này, trường đã chuẩn bị 16 phòng studio giảng livestream. Mỗi phòng có diện tích hơn 40 mét vuông gồm 1 giảng viên và 1 kỹ thuật viên hỗ trợ thực hiện việc giảng dạy. Tại đây, giảng viên sẽ thực hiện bài giảng của mình.
Việc yêu cầu giảng viên đến trường để thực hiện bài giảng trực tuyến trong thời điểm diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp khiến một số giảng viên lo ngại. Đặc biệt là khi đa số trường học đều cho phép giảng viên thực hiện bài giảng này ngay tại nhà để hạn chế việc di chuyển ra đường.

Làm việc tại nhà có... những hạn chế

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên về việc này, PGS-TS Bùi Mai Hương, Trưởng phòng Quản trị thương hiệu-truyền thông nhà trường, cho biết tất cả những hoạt động đào tạo trường đang triển khai đều nhằm đảm bảo kiến thức cho sinh viên, chất lượng giảng dạy và an toàn phòng dịch cho thầy cô.
PGS-TS Hương cho biết, thực tế việc giảng dạy trực tuyến qua video tương tác (interactive video) trên nền tảng Bkel của trường đã được thực hiện từ tháng 3 khi nhận thấy những diễn biến của dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp. Qua 2-3 tuần triển khai, việc giảng dạy đạt hiệu quả nhưng vẫn có những hạn chế về mặt quản lý thời gian và chất lượng video, thời gian tương tác và ý thức học tập của sinh viên. Số lượng và chất lượng video chưa đồng đều dẫn đến khó công nhận kết quả học tập sau này. Thời gian livestream với sinh viên do giảng viên tự sắp xếp nên cũng bị trùng giữa các môn học khác nhau.
Vì vậy, theo PGS-TS Hương, từ ngày 6.4 trường bắt đầu triển khai dạy học kết hợp 4 cấu phần giảng dạy trên. Trong đó, việc triển khai studio để đảm bảo chất lượng đường truyền, không khí và khung cảnh sư phạm khi "live" tại studio trường và đảm bảo giờ giảng dạy. Sinh viên có ý thức tốt hơn khi "lên lớp" theo thời khóa biểu. Dù chỉ là lên lớp trực tuyến, giảng viên có kỹ thuật viên hỗ trợ tại mỗi phòng nên chỉ tập trung giảng bài mà không cần lo lắng các vấn đề kỹ thuật khác. Mỗi phòng có diện tích hơn 40 mét vuông nhưng chỉ có 1 giảng viên và 1 kỹ thuật viên hỗ trợ thực hiện việc giảng dạy.

Có đảm bảo an toàn cho giảng viên?

Trả lời câu hỏi này, PGS-TS Bùi Mai Hương cho biết trường đã thực hiện đồng thời nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn phòng dịch cho giảng viên.
Theo đó, giảng viên mang khẩu trang từ nhà (nhà trường đã cấp), được đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn khi vào trường cũng như được phát găng tay, micro cũng được bọc vải kháng khuẩn và thay đổi liên tục.
Trước khi vào phòng học livestream các thầy cô cần phải thực hiện các quy trình theo đúng tinh thần giãn cách xã hội của Chính phủ. Hạn chế tiếp xúc gần và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp hoặc trao đổi với người đối diện. Thầy cô khi có các triệu chứng, sốt, ho, khó thở… có các dấu hiệu ghi ngờ của bệnh thì tuyệt đối không tham gia giảng dạy và báo cho Trạm y tế để được tư vấn.
Bên cạnh đó, các phòng học được phun thuốc khử khuẩn vào mỗi buổi chiều hằng ngày. Đảm bảo phòng học luôn sạch sẽ và thông thoáng, máy lạnh mở phải trên 25 độ C. Các thiết bị sẽ được lau khử khuẩn trước và sau khi thu, micro cho người dạy sẽ được bọc vải và thay mới sau các lần giảng bài để tránh lây lan dịch bệnh Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.