Dịch Covid-19: Vì sao thi trực tuyến có giám thị, tỷ lệ gian lận tăng cao?

28/08/2021 08:09 GMT+7

Thi trực tuyến có giám thị, tỷ lệ gian lận tăng cao là dữ liệu từ trường ĐH của Mỹ. Vậy ở Việt Nam, hình thức thi từ xa nào đang được sử dụng để hạn chế gian lận?

Phát hiện gian lận từ dịch vụ gác thi

Chia sẻ với Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại, nghiên cứu viên liên kết Phòng thí nghiệm liên ĐH về khoa học giáo dục và truyền thông ĐH Strasbourg (Pháp), cung cấp những số liệu thú vị về tình trạng gian lận trong thi trực tuyến từ trường ĐH của Mỹ.
Theo tiến sĩ Tấn Đại, trong điều kiện thông thường, các chương trình đào tạo trực tuyến tổ chức thi có giám sát từ xa qua camera có tỷ lệ gian lận khoảng 1%. Tỷ lệ này được thống kê trên 340.000 bài thi do tổ chức cung cấp dịch vụ gác thi từ xa ProctorU đảm trách trong giai đoạn tháng 1-4.2020.
Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt chương trình đào tạo truyền thống buộc phải chuyển sang tổ chức thi từ xa và sử dụng dịch vụ gác thi qua camera. Dữ liệu của ProctorU thống kế trên 1,3 triệu bài thi họ đảm trách trong giai đoạn tháng 4-6 năm nay cho thấy tỷ lệ phát hiện gian lận lên đến hơn 8%.
Theo tiến sĩ Đại: “Một trong những lý do có thể dùng để giải thích hiện tượng này là người học bị đặt vào tình trạng thi cử đối phó với một tình huống khẩn cấp trong khi chưa được chuẩn bị đầy đủ về phương pháp và công cụ học tập phù hợp từ trước đó. Các lợi ích ngắn hạn cùng nhiều yếu tố môi trường khác ảnh hưởng đến tâm thế làm bài thi, phần nào thúc đẩy động cơ gian lận của thí sinh”.
Tuy nhiên, ông Đại cũng thông tin, các chứng cứ dùng để xác định vi phạm thi cử khi gác thi qua camera chỉ là bằng chứng gián tiếp, có thể dẫn đến rủi ro phạt nhầm thí sinh trung thực. Trong năm học 2020-2021, nhiều giảng viên của ĐH Texas (Mỹ) đã thuê dịch vụ gác thi bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo của ProctorU và Proctorio. Qua hàng ngàn bài thi, hệ thống phát hiện 27 trường hợp có biểu hiện được xem là gian lận theo quy chế thi. Kết quả cuối cùng hội đồng kỷ luật chỉ xác định được 13 trường hợp thực sự gian lận.
Giải pháp nào để hạn chế gian lận?
Do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, hai năm nay hình thức thi trực tuyến đã được áp dụng đồng loạt tại các trường ĐH của Việt Nam. Các trường có nhiều hình thức tổ chức thi từ xa khác nhau như: Trắc nghiệm, vấn đáp, tự luận, bài tập lớn, tiểu luận…
Thạc sĩ Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng việc đảm bảo triệt để không có gian lận trong thi từ xa sẽ khó hơn so với hình thức thi trực tiếp. Do vậy, với kỳ thi kết thúc học phần vừa qua, trường mới sử dụng các hình thức thi trực tuyến như: Vấn đáp, tự luận đề mở và cho sinh viên làm tiểu luận, bài tập lớn. Trong số này, theo ông Thanh, vấn đáp trực tuyến được đánh giá có tính khách quan cao nhất. Tuy nhiên, hình thức này mất nhiều thời gian nên khó áp dụng nếu đông sinh viên.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết từ năm 2020 trường đã tổ chức cho sinh viên thi trực tuyến theo nhiều hình thức khác nhau: Vấn đáp, trắc nghiệm, tự luận và tiểu luận.
Theo tiến sĩ Tuấn, trường này đã áp dụng đồng thời nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng gian lận với hình thức thi từ xa. Chẳng hạn, về mặt kỹ thuật yêu cầu sinh viên buộc phải sử dụng camera trong suốt quá trình thi, một sinh viên chỉ đăng nhập trên một thiết bị, có ít nhất 2 giám thị trong một phòng thi…
Góc nhìn chuyên gia, theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại, giải pháp tốt nhất để hạn chế tình trạng gian lận này là cần đa dạng hóa các phương pháp đánh giá, dựa vào nhiều tiêu chí, đo lường nhiều yếu tố và nhiều mặt khác nhau xuyên suốt quá trình tổ chức dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó cần chú trọng các kết quả đánh giá tiến trình được chia nhỏ, phân đoạn và cung cấp cho người học thông qua các hệ thống kỹ thuật phù hợp. Có thể sử dụng các loại hình đánh giá khác nhau như: Bài tập trắc nghiệm tương tác, bài thực hành, tự luận, bài tập nhóm, thuyết trình, đánh giá chéo…
Theo ông Đại, thay vì quá đặt nặng bài thi cuối kỳ mang tính chất kiểm soát và “trừng phạt” (làm sai là bị đánh rớt) thì cần khuyến khích cách tiếp cận “quản lý sai sót”. Điều này có nghĩa cho phép người học mắc sai sót trong quá trình học tập, được hướng dẫn và cung cấp đầy đủ các công cụ bổ khuyết để khắc phục sai sót và tự học được từ chính các sai sót trong quá trình học tập.
“Chính điều đó sẽ giúp người học tự tin hơn, chủ động học thường xuyên liên tục, chuẩn bị đầy đủ các kiến thức và kinh nghiệm cần thiết trước khi đánh giá tổng kết, làm triệt tiêu bớt một phần động cơ gian lận ở bài thi cuối kỳ”, tiến sĩ Đại phân tích.
Đồng quan điểm trên, thạc sĩ Thái Doãn Thanh cũng cho rằng, cách hạn chế gian lận tốt nhất là thay đổi cách kiểm tra đánh giá. Thay vì chỉ tập trung vào đạt được điểm số thì cần hướng đến đánh giá khả năng hiểu bài, nắm bắt và vận dụng vấn đề của sinh viên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.