img
Dịch giả Châu Hải Đường: “Nhất” và “Tâm” để giữ trọn đạo “Hằng” - Ảnh 1.

 

Điều gì đã thôi thúc một nhà nghiên cứu "tay ngang" thuộc thế hệ 7X như anh hướng sự quan tâm vào kho tàng chính sử Trung Quốc - những công trình đòi hỏi rất nhiều tâm sức nhưng lại không dễ tìm đầu ra và rõ là kén độc giả?

Trong thế giới mở, ở thời đại thông tin ngày nay, các tư liệu về lịch sử đang ngày càng phong phú thêm; đồng thời các tư liệu cũng đa chiều hơn, các sự việc được nhìn nhận từ nhiều hướng hơn.

Mấy năm gần đây, những tư liệu lịch sử về Việt Nam, hoặc có liên quan đến Việt Nam của nước ngoài từ Âu sang Á đã liên tục được ra mắt bạn đọc, và cung cấp thêm nhiều thông tin quý giá cho những nhà nghiên cứu trong nước. Trong số đó, phải kể đến Trung Quốc là một nước lớn láng giềng đã có mối quan hệ mật thiết suốt chiều dài lịch sử từ xưa đến nay của Việt Nam. Chính vì vậy, các tư liệu liên quan đến Việt Nam được người Trung Quốc ghi chép và lưu lại khá nhiều. Đã có nhiều ghi chép của các cá nhân được dịch và giới thiệu ở Việt Nam, như An Nam Chí Lược, An Nam Chí Nguyên, Hải Ngoại Kỷ Sự … Tuy nhiên, đó là những ghi chép riêng lẻ của các cá nhân. Còn về phía quan phương, thì những ghi chép liên quan đến Việt Nam, về Việt Nam, mà khi ấy còn được ghi nhận với các tên gọi như Giao Chỉ, An Nam …, trong các bộ chính sử Trung Quốc xưa như thế nào? Dẫu trước nay chúng ta đôi khi vẫn thấy các nhà nghiên cứu nhắc đến nó trong một nghiên cứu nào đó của họ, nhưng việc cung cấp thông tin đầy đủ những ghi chép ấy thì hoàn toàn chưa có. Chính vì thế, nó đã thôi thúc tôi chú ý đến việc phiên dịch những mảng ghi chép về Việt Nam từ các bộ chính sử xưa của Trung Quốc.

Dịch giả Châu Hải Đường: “Nhất” và “Tâm” để giữ trọn đạo “Hằng” - Ảnh 2.

Châu Hải Đường ký tặng sách bạn đọc

Tìm hiểu về lịch sử từ xưa đến nay luôn là nhu cầu tự thân trong mỗi con người. Từ lịch sử của gia đình, dòng họ, tới lịch sử của làng, xã, địa phương, và hơn cả là lịch sử của dân tộc, đất nước. Đọc được, giải mã được, làm sáng tỏ thêm, hay có thêm được một góc nhìn từ một hướng khác luôn hấp dẫn những người yêu lịch sử, ham mê tìm hiểu lịch sử, mà bản thân tôi là một trong số ấy. Tôi làm điều này là cho chính mình, đó chính là điều khiến tôi có thể kiên trì và quyết tâm với công việc này.

Mặc dù đích nhắm của anh là "tìm sử Việt trong sử Trung", nhưng trong quá trình "bóc tách" đó, kho tàng cổ ấy đã đưa tới những liên tưởng, so sánh thú vị nào về sự tương đồng và khác biệt giữa hai bên?

Với hơn một ngàn năm Bắc thuộc, và gần gấp đôi thời gian ấy chữ Hán được sử dụng như một văn tự quan phương chính thức ở nước ta, cùng đó là sự liền nối về địa lý cũng như giao lưu mật thiết về mọi phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội…, có thể nói giữa hai nước Việt - Trung có một sự tương đồng rất lớn trên nhiều khía cạnh. Từ kiến trúc chính trị thượng tầng cho đến đời sống xã hội hạ tầng; từ hoạt động sản xuất nông công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, cho đến đời sống văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo…; đều không tránh khỏi sự chịu ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Nhà Tiền Lê đã từng xin các bộ kinh Phật khắc từ Trung Quốc, chuyện các sứ giả ta đi sứ Trung Quốc quan tâm mua hay sao lục các sách vở từ Trung Quốc mang về, đem các ngành nghề thủ công về nước… đến nay vẫn còn lưu truyền cả trong sử liệu cũng như các câu chuyện dân gian. Nói như Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút là: Chúng ta cũng giống Trung Hoa, chỉ là quy mô nhỏ hơn mà thôi.

Dịch giả Châu Hải Đường: “Nhất” và “Tâm” để giữ trọn đạo “Hằng” - Ảnh 3.

Tuy nhiên, qua những sử liệu tôi được tiếp cận, thì chúng ta cũng có những điểm khác biệt nhất định với Trung Hoa. Đó là những phong tục xã hội khác hẳn Trung Hoa mà nhiều sử sách hay các sứ thần Trung Hoa ghi nhận: ví dụ tục ăn trầu, tục nhuộm răng đen, thói quen đi chân đất của đại bộ phận dân chúng… Quan hệ giữa vua tôi, ví dụ như Lê Đại Hành triều Tiền Lê, cũng bình đẳng và hòa đồng vô cùng dung dị, nhà vua "chân đất cầm sào, lội xuống nước đâm cá, mỗi khi được một con, tả hữu lại hò reo nhảy nhót..." (Tống sử - Giao Chỉ truyện). Tuy nhiên, như tôi vừa nói, cha ông ta luôn có tinh thần cầu học rất cao, luôn sẵn lòng đón nhận để được tiếp cận những tri thức mới tiến bộ hơn, có ích lợi hơn cho đời sống, cho đất nước, đó chính là điều mà ngày nay chúng ta vẫn đang tiếp tục kế thừa và phát huy. Chính vì vậy, với quan hệ mật thiết trong chiều dài lịch sử, cùng với sự ảnh hưởng học tập về chữ viết, tư tưởng, tôn giáo, kỹ nghệ…, rõ ràng hai nước Việt - Trung có một sự gần gũi tương đồng sâu đậm về văn hóa, xã hội. Trong tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, có thể nói hai nước Việt - Trung đều là những nước hiểu rõ về nhau hơn ai hết. Mỗi nước đều có thể là cầu nối giữa nước kia với các quốc gia khác trên thế giới. Đó chính là yếu tố quan trọng nhất tác động tới quan hệ giữa đôi bên.

Dịch giả Châu Hải Đường: “Nhất” và “Tâm” để giữ trọn đạo “Hằng” - Ảnh 4.

Dịch giả Châu Hải Đường: “Nhất” và “Tâm” để giữ trọn đạo “Hằng” - Ảnh 5.

 

Nhìn sâu vào vốn cổ, ứng xử nào của các bậc quân vương/triều đình Việt và ông cha ta ngày trước trong chính sách ngoại giao với nước bạn theo anh là vừa ngỏ ý coi trọng mối quan hệ bang giao với láng giềng, vừa khẳng định chủ quyền, bản sắc riêng của dân tộc mình?

Quả vậy! Sở dĩ chúng ta đã trở thành một nước độc lập, chính là bởi ông cha ta đã có ý thức độc lập tự cường từ rất sớm. Cũng chính nhờ tinh thần độc lập tự cường, lòng tự trọng và tự tôn ấy, chúng ta vẫn đã, đang và sẽ luôn giữ vững được nền độc lập ấy. Nhìn lại suốt mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc ta, nói như Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo, chúng ta "tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau", đất nước nhiều phen phải chịu sự xâm lăng, quan hệ giữa hai nước có những khi thăng giáng, song cha ông ta đã luôn mềm dẻo, lúc cương lúc nhu, để bảo toàn dân tộc, gìn giữ đất nước và dần giành lấy quyền độc lập cho mình. Có thể nói chúng ta đã có nhiều sách lược để bảo toàn cương thổ, gìn giữ hòa bình, mà phương thức ngoại giao xuyên suốt của ta chính là "nội cương ngoại nhu", mềm dẻo mà cương quyết.

Hiểu biết về lịch sử bang giao giữa hai nước, theo anh sẽ giúp mang lại hữu ích nào cho những ứng xử trong hiện tại và tương lai giữa hai nước, đặc biệt là với thế hệ trẻ, đối tượng thường bị cho là thờ ơ với lịch sử?

Với bất kỳ vấn đề gì, việc hiểu biết về lịch sử của nó, về những gì nó từng trải qua trong quá khứ luôn là một việc hữu ích. Nó giúp chúng ta có thể ít nhiều dự đoán về những tiến triển tiếp theo của sự việc, sự vật. Theo đó, hiểu biết về lịch sử bang giao giữa hai nước có thể giúp chúng ta có những kinh nghiệm nhất định để ứng xử phù hợp nhất, tùy theo những điều kiện cụ thể.

Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước, đương nhiên càng cần hiểu về mình, về người, học tập từ kinh nghiệm cha ông, phát huy những lợi thế mới của thời đại, của thế giới để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, bởi như Tôn Tử đã nói: "Biết người biết ta, trăm trận chẳng thua". Không hiểu biết chắc chắn là nguy hiểm, còn hiểu biết thì không bao giờ là thừa cả.

Dịch giả Châu Hải Đường: “Nhất” và “Tâm” để giữ trọn đạo “Hằng” - Ảnh 6.

Với những cuốn không đề cập tới sử Việt mà chỉ tập trung tái hiện lịch sử Trung Hoa (như anh đã dịch mới hay hiệu đính như Hán Sở diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc...) có thể đưa tới những bài học lịch sử nào, không riêng cho Trung Hoa?

Lịch sử Trung Hoa từ cổ đại vốn đã luôn được ông cha ta tìm hiểu nghiên cứu từ xưa. Các nho sinh đi học đều có học hỏi cả Bắc sử (sử Trung Quốc) và Quốc sử (sử nước ta). Những câu chuyện lịch sử, nhân vật lịch sử trong các bộ sử xưa của Trung Quốc như Sử Ký, Hán Thư, Tân Cựu Đường thư…, hầu như người đi học nào cũng nắm rõ, từ đó vận dụng vào thành các điển cố, tích xưa trong văn chương thơ phú, mà chúng ta có thể đọc được rất nhiều qua những áng thơ văn ông cha để lại, thậm chí qua các thành ngữ dân gian. Rất nhiều câu chuyện lịch sử trong thời kỳ Đông Chu hay Hán Sở, Tam quốc… đều đã trở nên quen thuộc với mọi người và để lại những bài học lịch sử cho nhân loại hậu thế chứ không riêng gì Trung Quốc. Ngay trong bài Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, chúng ta cũng thấy ông dẫn ra nhiều tấm gương trong lịch sử Trung Hoa xưa. Đó chính là phản ánh sự học hỏi của cha ông ta từ những bài học lịch sử của chính Trung Hoa để bảo vệ tổ quốc mình.

Những hạn chế/khoảng trống về học thuật và nhận thức nào theo anh là cần được san lấp từ cả hai phía?

Thực ra cả hai nước đều có những trung tâm nghiên cứu về nước kia từ lâu. Việt Nam có Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Trung Quốc cũng vậy. Các nhà nghiên cứu của cả hai nước đều đã có nhiều công trình nghiên cứu giúp đôi bên cùng hiểu rõ về nhau. Theo tôi, điều cần san lấp, gạt bỏ nhất cho cả hai bên là tâm lý dân tộc cực đoan (nếu có). Từ xưa, cha ông ta chưa bao giờ có và cần có tâm lý ấy, chúng ta vẫn ghi chép bằng chữ Hán, viết văn chương bằng chữ Hán, đọc văn thơ, sử truyện của Trung Hoa, và vẫn giữ trọn độc lập dân tộc.

Dịch giả Châu Hải Đường: “Nhất” và “Tâm” để giữ trọn đạo “Hằng” - Ảnh 7.

Châu Hải Đường ra mắt bản hiệu đính bổ sung Đông Chu Liệt Quốc

Dịch giả Châu Hải Đường: “Nhất” và “Tâm” để giữ trọn đạo “Hằng” - Ảnh 8.

 

Vào cái năm mà anh ra đời, 1974, Lưu Quang Vũ từng có bài thơ Trung Hoa nổi tiếng, về một "Trung Hoa Tây Thi, Trung Hoa Võ Tòng, Trung Hoa Lý Bạch..." và hơn hết là ấn tượng mạnh mẽ về "Một ông Tư Mã Thiên/Ngàn ông Tư Mã Thiên/… mắt nhìn sáng quắc/Hiểu đời, hiểu nước, hiểu dân mình"... Bằng vào mối quan tâm mà anh đang hướng tới, cảm xúc của anh khi đọc những câu thơ này?

Vâng, đây là một bài thơ mà tôi rất tâm đắc và cũng rất cảm phục Lưu Quang Vũ, bởi ông đã có những phân định rất rõ ràng giữa chính trị và văn hóa, giữa lúc "gió bấc thổi từ xứ xa", "mây mù mưa xám", Lưu Quang Vũ vẫn lưu giữ cảm tình đối với những giá trị văn chương, tri thức văn hóa tốt đẹp nhất của nước bạn, và tin vào ngày mai "tan hết mây mù mưa xám", "lại là Trung Hoa từ thuở nhỏ ta yêu", bởi "muôn ngòi bút uy nghiêm, đang ghi sâu mọi việc". Đó cũng là điều tôi đồng cảm sâu sắc nhất với Lưu Quang Vũ.

Dịch giả Châu Hải Đường: “Nhất” và “Tâm” để giữ trọn đạo “Hằng” - Ảnh 9.

Có câu nói nào trong kho tàng thư tịch cổ của Trung Hoa mà theo anh cho tới nay vẫn còn chứa đựng những bài học chưa bao giờ cũ, với bất cứ dân tộc nào, chính thể nào?

Có một câu trong sách Luận ngữ: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân", nghĩa là: "Điều mình không muốn, đừng gây ra cho người". Tôi luôn nhớ đến câu nói này trong việc ứng xử, giao tế với mọi người, và nghĩ kỹ thì nó cũng là câu châm ngôn cho bất cứ cá nhân hay chính thể nào. Gần đây còn có thêm một ý: "Điều mình muốn, cũng chưa chắc đã có thể làm cho người khác." Tôi thấy câu ấy cũng rất có lý. Đó chính là xu hướng chung của xã hội văn minh: tôn trọng sự độc lập và quyền quyết định của mỗi một chủ thể, cá nhân. Một con người cá nhân là vậy, một dân tộc, hay chính thể ắt cũng là như vậy.

Ngoài lịch sử và những thư tịch cổ, anh cũng dành sự quan tâm tới những sáng tác thuộc nền văn học Trung Hoa đương đại. Từ góc quan sát mới này, chuyển động nào khiến anh quan tâm hơn cả?

Ngoài đề tài lịch sử, tôi cũng rất thích đọc văn chương cổ kim, và tất nhiên đã, đang và sẽ còn dịch những tác phẩm văn học Trung Quốc cả cổ và hiện đại sang tiếng Việt để giới thiệu với độc giả trong nước, như các tác phẩm của Phùng Ký Tài, Diêm Liên Khoa, Mạc Ngôn, Tất Phi Vũ, Tàn Tuyết, Dư Hoa, Tô Đồng, Vương An Ức... Có thể nói, văn học Trung Quốc hiện nay rất đa dạng về phong cách, phong phú về thể tài, trong đó có nhiều cây bút trẻ rất tài năng. Những sáng tác của họ đang bứt lên từ tính chất bản địa (đặc sắc địa phương) để hướng đến tính nhân bản, đi sâu vào tâm lý con người, gạt bỏ giới hạn biên giới quốc gia. Đó chính là chuyển động mà tôi thấy đáng quan tâm nhất.

Dịch giả Châu Hải Đường: “Nhất” và “Tâm” để giữ trọn đạo “Hằng” - Ảnh 10.

Châu Hải Đường cùng nhà văn Trung Quốc Phùng Ký Tài tại Thiên Tân (Trung Quốc)

Đồng thời là một nhà thư pháp, nếu được chọn một chữ để gửi gắm vào đó niềm hy vọng thiện lành về mối quan hệ bang giao giữa hai nước, anh sẽ chọn chữ gì? Chữ nào theo anh có thể chứa đựng được "bí mật của tương lai cất giấu trong quá khứ" như câu nói anh vẫn thường tâm đắc?

Nếu vậy, tôi xin viết một chữ "Hằng" (恒). Hằng có nghĩa là dài lâu, cũng có nghĩa là thường xuyên, bền bỉ, giữ trọn được trước sau không đổi. Hình tượng của chữ Hằng có một chữ Tâm (忄), và hai chữ Nhất (一) bình đẳng, cùng một chữ Nhật (日) - mặt trời, ở giữa, giống như hai nước chúng ta, cùng chung một lý tưởng, nhưng mỗi nước là "Một" ở vị trí của mình, và đều đem một chữ "Tâm" để duy trì đạo hằng ấy. Một mối quan hệ bang giao bình đẳng, tôn trọng sự thống nhất của nhau, bền vững lâu dài cho hai nước Việt - Trung, có lẽ không phải chỉ là hy vọng của riêng tôi, mà của tất cả chúng ta.

Xin cảm ơn anh.

Dịch giả Châu Hải Đường: “Nhất” và “Tâm” để giữ trọn đạo “Hằng” - Ảnh 11.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.