Huỳnh Phan Anh là dịch giả nổi tiếng tại Việt Nam từ trước năm 1975, tên thật là Huỳnh Thanh Tâm, sinh năm 1940 tại Bình Dương, tốt nghiệp triết học tại Đại học Sư phạm Đà Lạt (1961-1964) và là giáo sư triết học giảng dạy tại Sài Gòn.
Luôn tự nhận mình là một nhà giáo “đi lạc vào văn học”, dịch giả Huỳnh Phan Anh quyến luyến với văn chương (từ lý luận phê bình, sáng tác, dịch thuật) từ rất lâu và đắm chìm vào nó mãi mãi.
Ông nghiêm túc bắt tay vào công việc phê bình văn học qua tác phẩm phê bình văn học đầu tay có tên Văn chương và kinh nghiệm hư vô (NXB Hoàng Đông Phương, 1968), tập tiểu luận - phê bình Đi tìm tác phẩm văn chương (Đồng Tháp, 1972)… với những nhận xét rất sắc sảo, khiến người đọc tâm phục.
|
|
Không chịu đứng ngoài phán xét, phân tích văn chương, ông còn thăng hoa sáng tác với không ít tác phẩm như: tập truyện Người đồng hành (Đêm Trắng xuất bản 1969), truyện vừa Những ngày mưa (Đêm Trắng xuất bản), tập truyện Phía ngoài (viết chung với Nguyễn Đình Toàn).
Tuy nhiên thành công nhất trong sự nghiệp của ông phải kể đến gia tài dịch thuật với nhiều tác phẩm dịch văn học lớn, kinh điển với giọng văn mượt mà, làm rung động bao lớp độc giả hàng chục năm qua.
|
Nhắc đến tên tuổi dịch giả Huỳnh Phan Anh, phải kể ngay đến hàng loạt tác phẩm dịch thuật của ông như: Tình yêu và lý tưởng (Thomas Mann, Ngày Mới, 1974), Chuyến viễn hành trong đêm (Heinrich Böll, Vàng Son, 1973), Tình cuồng (Raymond Radiguet, dịch chung với Nguyễn Nhật Duật, Ngày Mới, 1973), Một mùa địa ngục (thơ Arthur Rimbaud, NXB Văn học), Tuyển thơ tình yêu (Paul Eluard, NXB Hội Nhà văn), Thơ Yves Bonnefoy (NXB Hội Nhà văn), Chuông gọi hồn ai (tiểu thuyết, Ernest Hemingway, NXB Văn học), Tình yêu bên vực thẳm (tiểu thuyết, Erich Maria Remarque, NXB Trẻ), Sa mạc (tiểu thuyết, J.M.G Le Clézio, NXB Hội Nhà văn), Lạc lối về (tiểu thuyết, Heinrich Boll, NXB Văn hóa - Văn nghệ), Tình yêu và tuổi trẻ (tiểu thuyết, Valery Larbaud, NXB Trẻ), Những cuộc đời tỏa sáng (nghiên cứu, André Maurois, NXB Trẻ), Ảo ảnh (Thomas Mann, NXB Văn học), Cỏ (Claude Simon, NXB Hội Nhà văn), Thời gian của một tiếng thở dài (Anne Philipe, NXB Văn nghệ TP.HCM)...
Được biết từ năm 2002, ông sang Mỹ định cư tại San Jose, sống khép kín và tiếp tục công việc dịch thuật mà ông hằng đeo đuổi. Sự ra đi của dịch giả Huỳnh Phan Anh là một tổn thất lớn đối với nền văn học dịch thuật của Việt Nam, để lại nhiều tiếc thương cho các đồng nghiệp và độc giả.
Bình luận (0)