Gặp Chi trong những ngày cô đang gấp gáp chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp, Chi bảo: “Thi đỗ tốt nghiệp và vượt qua kỳ tuyển sinh đại học sắp tới là mục tiêu trước mắt của em nhưng chưa phải là cái đích lâu dài mà em nhắm tới…”.
Ngay từ lớp 1 Chi đã được theo học lộ trình song ngữ Pháp – Việt do Tổ chức các trường đại học thuộc cộng đồng Pháp ngữ thực hiện tại VN, dù cả nhà Chi không ai biết tiếng Pháp. Chi bắt đầu dịch truyện tiếng Pháp từ năm học lớp 5. Lên lớp 6, cô bé mày mò tìm những tin tức, phóng sự trên báo Pháp để dịch và đọc cho cả nhà nghe.
Hồi đó, Chi rất thích tìm dịch những bài viết về bạn bè, trẻ em trên thế giới, đặc biệt là các bạn thiếu nhi ở Peru, Trung Quốc, Palestine. “Em từng ước ao có một người bạn ở một đất nước xa xôi hằng ngày trò chuyện, trao đổi thông tin với mình. Em thật sự muốn biết mình đang ở đâu so với bạn bè thế giới” - Chi tâm sự.
12 tuổi, những bài dịch của Chi được NXB Kim Đồng in thành sách, truyện tranh Con cá voi có đôi mắt vàng, Cuộc phiêu lưu của mèo và nhím, Cô bé và đàn sói hoang… là cái nhìn trong trẻo, là sự đồng cảm của một cô học sinh lớp 6 với bạn bè đồng trang lứa ở những miền đất xa xôi.
Chính vì thế mà cái tên Trương Quế Chi xuất hiện trong sách Guinness Việt Nam thế kỷ 20 với tư cách là “dịch giả nhỏ tuổi nhất VN có sách in”. Bài dịch của Chi còn đăng đều đều trên báo Thiếu Niên Tiền Phong. Qua ý tưởng của Chi, tờ báo lập chuyên mục “Suy ngẫm” như một diễn đàn đăng tải những sáng kiến, phát minh của các bạn trẻ.
Chi bảo có tên trong sách kỷ lục là một phần thưởng đáng quí nhưng đó chỉ là điều may mắn: “Bạn bè trong lớp em cũng dịch rất nhiều, thậm chí còn dịch giỏi hơn em bội phần. Vì thế, em nghĩ mình hoàn toàn may mắn khi được coi là dịch giả nhỏ tuổi nhất”.
Năm 2001, Chi đoạt giải nhất cuộc thi viết thư UPU lần thứ 30 với chủ đề “Viết về tình bạn và sự khác biệt giữa chúng ta”. Lần đó Chi viết một bức thư gửi người bạn tưởng tượng có tên Serena ở đất nước Palestine xa xôi. “Em viết nhanh lắm, đặt bút là viết ngay, vừa viết vừa khóc. Viết xong em không gửi mà giữ lại bản thảo để hai tuần sau nghiền ngẫm lại. Đó là cách để em tự chiêm nghiệm và so sánh mức độ cảm xúc của mình”.
Bức thư của Chi gây ấn tượng đặc biệt với ban giám khảo không chỉ vì nội dung mà còn vì hình thức độc đáo của nó. Đó là bức thư duy nhất có hình vẽ và hình cắt dán các biểu tượng của hòa bình, tình yêu, hạnh phúc. Chi trang trí bức thư bằng một hình cây nhiều nhánh. Bốn góc bức thư là bốn cánh chim hòa bình, bên dưới là bàn tay được cách điệu như hình ảnh một bông hoa.
Chi thích đọc, đọc truyện, đọc sách đông tây kim cổ, xem các tác phẩm nghệ thuật điện ảnh. “Có lẽ em là một con bé già trước tuổi vì đọc sách” - Chi cười. Sinh năm 1987, Chi là một người trẻ thuộc thế hệ 8x (sinh trong thập kỷ 1980). Nói về 8x, cô bé có cặp kính cận dày khẽ nheo mắt:
“Bọn em sinh ra trong một thời đại với nhiều sự biến đổi. Đôi khi em cảm thấy thế hệ mình là một thế hệ cố với. Tại sao lại cố với? Anh thử hình dung nhé, nhiều người 8x bây giờ thích hip hop nhưng rất ít trong số họ hiểu hip hop là gì. Họ bắt chước hip hop từ cách ăn mặc, nhảy múa đến ca hát… Họ đang cố với để giống như 8x phương Tây...”.
Không chỉ dịch truyện mà Chi còn làm thơ. Thơ Chi đăng trên báo từng chùm. “Thơ chỉ là cách để em tự tìm đến tận cùng cảm xúc của mình. Trong thơ ca không phân biệt kẻ nghiệp dư hay người chuyên nghiệp”. Thơ Chi cũng thật lạ. Nhẹ nhàng nhưng lại trăn trở và đầy triết lý.
Hỏi Đến bao giờ tôi có thể Viết cho ngày sinh nhật 10/10/2003 Cơn khát nảy hoa Trương Quế Chi |
(Theo Tuổi Trẻ Chủ Nhật)
Bình luận (0)