* Vậy thì, thưa ông, nếu người ta mơ thấy những con vật hung dữ đến nỗi phải hoảng sợ ú ớ la lên rồi tỉnh giấc, toát mồ hôi trong đêm tối, những con vật đó con nào là "sứ giả" của điềm lành?
|
* Đối với nhiều người, mơ thấy chim cú sẽ phải gặp những điềm gở, những điều không hay trong một tương lai gần, theo ông thì sao?
- Chim cú là loài chim đêm, tượng trưng cho nỗi đơn độc và cô tịnh, nên trong dân gian cho rằng khi nó xuất hiện sẽ báo hiệu chết chóc, tang chế xảy đến. Thật ra, trong thực tế chim cú hữu ích đối với người nhưng bị người lăng nhục. Về mặt phân tâm học, nó là "người bảo vệ và hướng dẫn (những suy tính, suy nghĩ, ước mơ) trong bóng đêm của vô thức", nghĩa là người nằm mơ đang khao khát danh vọng, nó sẽ cất tiếng kêu trong mộng để người ấy giật mình lắng nghe tự ngã trong sạch của mình lên tiếng. Tương tự, con quạ với màu đen chấp chới thường được coi là loài chim báo chuyện xui xẻo, mà tiếng kêu của nó làm những kẻ yếu bóng vía lo âu. Nhưng bạn hãy yên tâm, theo nhiều nhà phân tâm học như Pierre Daco, quạ có thể là sứ giả của điềm lành, ở Nhật Bản người ta cho rằng quạ đến từ cõi các thiên thần đang ngự. Trong kinh Cựu ước, quạ xuất hiện sau cơn đại hồng thủy để kiểm chứng lại sự tái hiện của mặt đất. Bây giờ hãy thử nói về đại bàng là con vật dám nhìn thẳng vào mặt trời. Mơ thấy một con đại bàng phóng tầm nhìn về mình thì hãy xem xét lại những mặc cảm phạm tội đang ẩn chứa trong mình, những điều không tốt do mình gây ra sắp bị lật mặt nạ. Còn như nằm mộng thấy một con đại bàng bị bắn rơi, cái chết của con đại bàng đó tượng trưng cho sự sụp đổ của những lý tưởng và ảo vọng ban ngày.
* Những loài vật khác như nhện, hươu, nai, mèo, dơi, ngựa, cá sấu, gấu thì sao?
- Mỗi con vật kể trên thật ra khi xuất hiện trong giấc mộng chính là những phóng chiếu (projections) của chính chúng ta khi thức và mỗi loài biểu thị những đam mê, toan tính hoặc sợ hãi của mỗi chúng ta. Chẳng hạn thấy con nhện giăng tơ, ta hãy nhớ rằng những sợi tơ ấy được nhện rút ra từ chính ruột mình, nên nó biểu hiện cho những bí mật của đời sống, của quá khứ và tương lai sắp sửa hiện ra trước mặt bạn. Một trong các biểu tượng của nhện là "người đàn bà định mệnh" (La femme fatale), mơ thấy nó người ta nghĩ ngay đến người đàn bà hấp dẫn chết người, mê hoặc và đang giăng bẫy trên đường tình của bạn. Mặt khác, nhện còn tượng trưng cho sự cuộn mình trong tổ kén của tự ngã. Còn mơ thấy mèo với đôi mắt xanh lè trong đêm tối, cũng tượng trưng cho người đàn bà đang ám ảnh bạn. Con vật này cũng có hai mặt, khi thấy mèo mun băng qua đường người ta cho là điều xui, nhưng nghe tiếng nó kêu vào lúc trời vừa hửng sáng lại là điềm lành, sắp gặp hên. Con dơi tượng trưng cho sức mạnh đen tối trong lòng người, khi mơ thấy nó, bạn cần xét lại đời sống tinh thần của mình và tự thanh khiết lấy. Ngựa thì tùy màu sắc trong mộng. Ngựa đen là sứ giả báo trước những âu lo phiền phức. Ngựa trắng và ngựa hồng báo trước sự hưng phấn, sảng khoái tinh thần. Ngựa tơ báo trước sinh lực thăng tiến, năng lượng từ nội tâm bạn sắp phóng hướng ra ngoài với niềm vui sống. Cá sấu là biểu tượng của bất an, nó là "quái vật" chuyên nằm bất động, lặng lẽ để rồi bất ngờ tấn công bạn. Chim thuộc về vương quốc của trời xanh, tùy theo màu sắc của nó trong mộng mà suy ra ý nghĩa tượng trưng. Chim trắng báo hiệu sự hòa hợp nội tâm. Chim xanh báo hiệu một đời sống mới và hy vọng.
* Tất cả những gì ông vừa nói xem ra có gần với những điều mê tín dị đoan, đoán mộng lành dữ hay không?
- Thoạt nghe thì từa tựa như thế. Nhưng thật ra những gì tôi vừa nói là một phần rất nhỏ trong những khám phá và phân tích khoa học đã được một chuyên gia về phân tâm học nổi tiếng thế giới là Pierre Daco trình bày trong một cuốn sách về giải mã các bí ẩn trong mộng (L'Interprétation des Rêves) mà tôi biên dịch và Nhà xuất bản Trẻ in trước đây. Tác giả, ông Daco, là người đã tiếp thu và vận dụng những lý thuyết phân tâm học của Freud, Jung, Adler vào một kiến giải một cách sâu sắc những hiện tượng tâm lý và dẫn dắt chúng ta vào hành trình khám phá ý nghĩa của các giấc mộng, khác với kiểu "đoán điềm giải mộng" thần bí hoặc giải thích theo cách duy sinh lý thô thiển.
* Xin cảm ơn ông!
Đôi dòng về dịch giả Phan Quang Định Dịch giả Phan Quang Định (Phan Nhân Phương) nay đã 61 tuổi (sinh năm 1945 tại Quảng Nam), là giáo sư triết học và ngoại ngữ tại nhiều trường ở Sài Gòn, Blao và Bình Dương từ những năm 1967 - 1975, phiên dịch và cộng tác biên dịch với nhiều nhà xuất bản (NXB) như NXB Trẻ, NXB Văn Nghệ - NXB Văn hóa - Thông tin trong hơn 30 năm qua. Đến nay, ông xuất bản hơn 40 cuốn, phần lớn là sách văn học dịch như: Thế giới đàn ông không có đàn bà (E.Hemingway), Lịch sử văn hóa Pháp (Xavier Darcos), Tuyển tập truyện ngắn các nhà văn trẻ Hoa Kỳ (nhiều tác giả), Những người hành hương kỳ lạ (Gabriel Marquez), Mắt biếc (Tony Morrison), Mây trời kỳ diệu (Francoise Sagan). Trong số đó, cuốn biên khảo về những bí ẩn của các giấc chiêm bao nhan đề Giải mã các giấc mộng qua ánh sáng phân tâm học đã được bạn đọc nhiều giới đón nhận khá nồng nhiệt, phải chăng vì sức hấp dẫn và sự gần gũi của đề tài này đối với bất cứ một ai? |
Giao Hưởng
Bình luận (0)