Dịch sốt xuất huyết tăng đột biến ở Hải Phòng do muỗi ‘quý tộc’

09/08/2024 21:46 GMT+7

Loài muỗi 'quý tộc' được xác định là thủ phạm khiến dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao tại Hải Phòng.

Nữ bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết

Ngày 9.8, thông tin từ Sở Y tế TP.Hải Phòng cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 7.8, trên toàn địa bàn thành phố có 8.587 ca mắc sốt xuất huyết. Những khu vực có số người nhiễm cao gồm các quận Lê Chân (4.256 ca), Hải An (1.356 ca) và Ngô Quyền (1.188 ca). Dịch sốt xuất huyết xảy ra ở 14/15 quận, huyện trên toàn địa bàn TP.Hải Phòng.

Đặc biệt, đã xuất hiện ca bệnh tử vong đầu tiên do mắc sốt xuất huyết là bà B.T.H.H (45 tuổi, trú tại đường Thiên Lôi, Q.Lê Chân), giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Lê Chân). Bà H. tử vong do viêm phổi nặng, bội nhiễm kèm theo, suy đa tạng sau hơn 1 tháng nhập viện điều trị sốt xuất huyết.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, bà Trần Thị Kim Liên, Phó chủ tịch UBND P.Dư Hàng Kênh (Q.Lê Chân), cho biết Dư Hàng Kênh là một trong những địa bàn có tỷ lệ ca nhiễm sốt xuất huyết cao. Tính đến ngày 7.8, phường có 684 người mắc bệnh này.

Trong ngày 7.8, trạm y tế phường đã phối hợp với Trung tâm Y tế Q.Lê Chân giám sát việc phòng, chống dịch tại 1.200 hộ gia đình, bắt được 156 mẫu bọ gậy và lật úp gần 200 các dụng cụ chứa nước không sử dụng, chỉ số có thể dẫn đến sốt xuất huyết là 13%.

Dịch sốt xuất huyết tăng đột biến ở Hải Phòng do muỗi ‘quý tộc’- Ảnh 1.

Nhân viên y tế Q.Lê Chân phun thuốc diệt muỗi tại nhà dân

MINH PHONG

"Công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do có nhiều hộ gia đình đi vắng trong thời gian thực hiện giám sát nên nhóm giám sát đã phải đi lại nhiều lần nhưng vẫn không thể giám sát hết được. Đặc biệt, nhiều nhà không có người ở nên nhân viên y tế không thể thực hiện công việc này.

Ngoài ra, một số hộ vẫn giữ thói quen lưu trữ nước mưa để sinh hoạt, trồng cây thủy sinh nhưng không thả cá, rác thải sinh hoạt chưa được thu gom và xử lý kịp thời. Một số hộ không hợp tác, không thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế. P.Dư Hàng Kênh cũng là địa bàn có nhiều ngõ, ngách nhỏ hẹp, ẩm thấp; nhiều khu đất trống thuộc các dự án chưa triển khai, cây cối mọc um tùm, nhiều nhà bỏ hoang, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi phát triển", bà Liên thông tin.

Dịch sốt xuất huyết tăng đột biến ở Hải Phòng do muỗi ‘quý tộc’- Ảnh 2.

Nhiều khu vực ẩm thấp, cây cối mọc um tùm là nơi muỗi trú ngụ

MINH PHONG

Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã yêu cầu các tổ dân phố tăng cường tuyên truyền cho các hộ gia đình nên ở nhà trong thời gian đã được thông báo để nhóm giám sát không phải đi lại nhiều lần. Tăng cường việc phun thuốc khử khuẩn các khu vực ẩm thấp là nơi muỗi trú ngụ; tuyên truyền các biện pháp, phòng chống sốt xuất huyết đến từng hộ gia đình.

Muỗi "quý tộc" khiến dịch sốt xuất huyết gia tăng

Một cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hải Phòng thông tin, trong vài năm trở lại đây, dịch sốt xuất huyết ở thành phố có chiều hướng gia tăng. Qua đánh giá công tác phòng, chống dịch của ngành y tế, tác nhân gây dịch sốt xuất huyết, truyền bệnh chính là muỗi Aedes aegypti (một dạng muỗi vằn) trước đây chỉ ghi nhận ở đảo Cát Bà, nay đã xuất hiện ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Dịch sốt xuất huyết tăng đột biến ở Hải Phòng do muỗi ‘quý tộc’- Ảnh 3.

Người dân P.Dư Hàng Kênh phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch sốt xuất huyết

MINH PHONG

"Muỗi Aedes aegypti ngành y tế chúng tôi hay gọi là muỗi "quý tộc", bởi chúng sinh sản không phải trong môi trường ao tù bị ô nhiễm. Môi trường lý tưởng cho muỗi này sinh sản là các dụng cụ chứa nước mưa của các hộ gia đình, các lọ hoa, chậu hoa, cây cảnh thủy sinh.

Từ năm 2017, muỗi Aedes aegypti bắt đầu dịch chuyển từ đảo Cát Bà vào đất liền. Từ năm 2019, véc tơ lây nhiễm sốt xuất huyết đã có sẵn tại các quận, huyện. Kết hợp với thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều trong thời gian vừa qua đã tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh trưởng, phát triển khiến số ca bệnh sốt xuất huyết tăng cao", vị cán bộ thuộc CDC TP.Hải Phòng nói thêm.

Dịch sốt xuất huyết tăng đột biến ở Hải Phòng do muỗi ‘quý tộc’- Ảnh 4.

Cây, cỏ dại mọc trên đất thuộc một dự án ở tổ dân phố 16, P.Dư Hàng Kênh đã được chính quyền dọn dẹp

MINH PHONG

Vẫn theo đại diện CDC TP.Hải Phòng, công tác phòng, chống dịch bệnh phải tập trung vào 3 biện pháp: chống muỗi đốt, chống muỗi đẻ và dọn dẹp những nơi muỗi có thể trú ngụ. Ngoài việc các hộ dân vệ sinh, phun thuốc trừ muỗi trong nhà, còn phải dọn dẹp vệ sinh xung quanh môi trường sống, không tập kết rác bừa bãi, phát quang bụi rậm, dọn dẹp những dụng cụ chứa nước không sử dụng để muỗi không còn nơi sinh sống.

Khi cơ thể mệt mỏi, sốt cao, nhức đầu, đau cơ kèm theo các triệu chứng khác thường về đường tiêu hóa, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.