Dịch tả lợn châu Phi lan rộng ở TX.Quảng Yên

21/05/2024 15:47 GMT+7

Dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng ở TX.Quảng Yên (Quảng Ninh). Cơ quan chức năng của địa phương đang triển khai các biện pháp để dập dịch.

Ngày 21.5, thông tin từ UBND TX.Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết, địa phương này đang khẩn trương triển khai các biện pháp dập dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu lan rộng trên địa bàn.

Dịch tả lợn châu Phi lan rộng ở TX.Quảng Yên- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy lợn nghi nhiễm bệnh

N.H

Cách đây ít ngày, lực lượng chức năng của TX.Quảng Yên nhận được tin báo về việc dịch tả lợn châu Phi đã lan đến hộ gia đình ông Phạm Văn Luyện, thôn Đình 1, xã Liên Vị (TX.Quảng Yên), làm 6 con lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy.

Theo trình bày của chủ hộ chăn nuôi, từ ngày 13 đến 17.5, đàn lợn của gia đình có biểu hiện ốm, bỏ ăn, mệt mỏi rải rác, da mẩn đỏ, nghi có triệu chứng mắc bệnh dịch tả châu Phi. Sau đó, gia đình đã báo cáo chính quyền địa phương.

Dịch tả lợn châu Phi lan rộng ở TX.Quảng Yên- Ảnh 2.

Dịch tả lợn châu Phi tại Quảng Ninh đang có dấu hiệu lan rộng

N.H

Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TX.Quảng Yên đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng II, Hải Phòng, để xét nghiệm và cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi vào ngày 18.5.

Đáng chú ý, nguồn gốc giống lợn nuôi được gia đình mua của các hộ chăn nuôi tại tỉnh Lạng Sơn, không có hóa đơn, không có giấy kiểm dịch.

Từ kết quả này, TX.Quảng Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tiêu hủy số lợn mắc bệnh theo quy định. Đồng thời hướng dẫn gia đình ông Luyện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, không để dịch lây lan ra diện rộng.

Trước đó, vào ngày 14.5, lực lượng chức năng của TX.Quảng Yên cũng phát hiện trên địa bàn xã Tiền Phong ổ dịch tả lợn châu Phi; ổ dịch khiến 12 con lợn buộc phải tiêu hủy.

Hiện, TX.Quảng Yên đã lập chốt khoanh vùng toàn bộ lối ra vào xã, không cho vận chuyển lợn ra vào khu vực có dịch. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đặt biển báo tại các lối ra vào thôn có dịch; tại hố tiêu hủy lợn đã rắc vôi, phun tiêu độc, khử trùng tại các hộ chăn nuôi của thôn, xã đảm bảo tiêu diệt mầm bệnh. Giám sát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi lợn; tổ chức rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng trên các tuyến đường vào các hộ có lợn bệnh; phun khử trùng 2 lần/ngày tại chuồng nuôi lợn để tiêu diệt mầm bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.