Dịch tả lợn châu Phi tái phát mạnh tại Quảng Nam, người chăn nuôi trắng tay

22/10/2021 16:53 GMT+7

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khiến hàng nghìn hộ dân chăn nuôi lâm cảnh lao đao, trong đó nhiều hộ trắng tay khi cả đàn lợn hàng chục con bị chết sạch.

Bao nhiêu vốn liếng mạnh dạn để tái đàn, bây giờ trắng tay!

Sau một thời gian dài dịch tả lợn châu Phi được khống chế, người dân nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam đầu tư tái đàn. Thế nhưng, khoảng 1 tháng trở lại đây, dịch tả lợn châu Phi bất ngờ bùng phát mạnh trở lại. Chỉ trong một thời gian ngắn, dịch bệnh đã lây lan ra nhiều huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh khiến hàng chục nghìn con heo chết hàng loạt.

Lực lượng chức năng đưa heo nhiễm bệnh đi tiêu hủy

nam thịnh

Nhìn chuồng nuôi heo mới được dọn sạch sẽ sau khi đàn heo gần 100 con của gia đình mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và buộc phải tiêu hủy toàn bộ, chị Trương Thị Hồng Nhung (32 tuổi, ở thôn Phú Mỹ, xã Đại Hiệp, H.Đại Lộc, Quảng Nam) vô cùng xót xa.

Theo chị Nhung, khoảng cuối tháng 9 vừa qua, thấy nhiều con heo trong chuồng có dấu hiệu bỏ ăn, sau đó chết hàng loạt nên chị đã báo cho chính quyền địa phương. Qua kiểm tra, đơn vị chức năng xác định đàn heo của gia đình đã bị dịch tả lợn châu Phi và buộc phải tiêu hủy để tránh lây lan.

“Gia đình tôi đã tích cóp rồi vay mượn toàn bộ được 600 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua heo giống về nuôi. Đến thời điểm trước khi có dịch, 50 con lứa đầu tiên đã nuôi được 3 tháng, đạt trọng lượng từ 45 - 50kg/con. Riêng 50 con lứa sau nuôi 2 tháng, mỗi con nặng khoảng 25 - 30 kg. Chưa kịp vui mừng vì heo sắp xuất chuồng thì dịch cướp đi hết. Bây giờ trắng tay rồi”, chị Nhung buồn bã nói.

Khoảng 10 ngày trước, gần 30 con heo gồm heo nái, heo thịt và heo con của gia đình bà Đặng Thị Mận (50 tuổi, ở thôn Tích Phú, xã Đại Hiệp, H.Đại Lộc) cũng mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy. Đây là số heo mà bà Mận vừa mới tái đàn khi đợt dịch trước đã làm cho gia đình mất 70 con heo.

“Bao nhiêu vốn liếng đánh liều vào đợt tái đàn này, bây giờ coi như mất trắng. Người nông dân chúng tôi sống và nuôi con cái ăn học cũng chỉ nhờ vào chăn nuôi. Hiện nay dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh thế này khiến chúng tôi gặp vô vàn khó khăn. Bây giờ chỉ mong nhà nước có chính sách hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Mận nói.

Tăng cường kiểm soát lây lan ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ

Ông Trần Việt Phương, Trưởng phòng NN-PTNT H.Đại Lộc, cho hay dịch tả lợn châu Phi bắt đầu bùng phát rộng trên địa bàn huyện vào khoảng cuối tháng 9. Đến thời điểm này, có 90 thôn với 1.360 hộ nuôi có heo mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Địa phương đã tiêu hủy gần 370 tấn lợn các loại.

Lợn chết vì mắc dịch tả lợn châu phi ở H.Đại Lộc được mang đi tiêu hủy

nam thịnh

“Sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, chúng tôi đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương triển khai nhiều biện pháp khống chế, không để dịch lây lan. Tuy nhiên, do người dân địa phương chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, tự phát, không đảm bảo kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời việc giết mổ lợn tại nhà không được kiểm soát chặt dẫn đến dịch bệnh lây lan mạnh”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, đơn vị đang phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao; đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 5.000 hộ ở 13 huyện, thị xã và thành phố có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, có khoảng 80 xã chưa qua hết 21 ngày dịch và tổng đợt tiêu hủy trên 16.000 con.

Bà Hoàng Thị Kim Yến, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, cho biết đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 10 huyện, thị xã và thành phố đang phát sinh dịch tả lợn châu Phi và chưa qua 21 ngày.

Dịch bệnh bùng phát mạnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các hộ nuôi chưa đảm bảo được an toàn dịch bệnh chuồng trại. Bên cạnh đó, thời tiết ẩm ướt dẫn đến mầm bệnh còn sót lại có cơ hội bùng phát.

Trại nuôi heo của gia đình bà Đặng Thị Mận bỏ không khi đàn heo gần 30 con chết vì dịch tả lợn châu Phi

nam thịnh

“Các hộ chăn nuôi tự phát, chưa đảm bảo quy trình an toàn sinh học, chưa đảm bảo đúng kỹ thuật và đặc biệt là việc lấy thức ăn phụ phẩm từ các nhà hàng, quán ăn có mầm bệnh khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn”, bà Yến nói.

Trong khi đó, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tiêu hủy lợn nhiễm bệnh. Đồng thời, yêu cầu các ngành chức năng thực hiện nghiêm việc vệ sinh tiêu độc khử trùng, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo ông Bửu, nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại là do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các hộ có dịch bệnh ở các ổ dịch cũ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.