Dịch vụ ‘chat’ giữa người dân và chính quyền Bắc Giang hoạt động như thế nào?

03/09/2019 11:00 GMT+7

Tin nhắn sẽ được tự động chuyển đến công chức chuyên trách tại Trung tâm Phục vụ hành chính công để bắt đầu 'chat' với người dân.

1.000 người quan tâm trong 2 tuần đầu tiên

Chỉ trong 2 tuần kể từ khi khai thác tính năng của ứng dụng Zalo, hơn 1.000 người đã bấm nút “Quan tâm” tài khoản “Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang”. Đây là cổng thông tin và tương tác trên Zalo của Trung tâm Phục vụ hành chính công - đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
“Tôi cảm thấy rất tiện lợi khi được hỏi đáp, giải quyết các giấy tờ hành chính và thủ tục liên quan đến quyền lợi qua mạng Zalo”, Đàm Văn Hiếu, thôn An Bá, huyện Sơn Động (Bắc Giang) nói.
Khi bấm nút “Quan tâm” “Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang” trên Zalo, người thực hiện thủ tục hành chính sẽ nhận được tin nhắn xác nhận việc tiếp nhận hồ sơ có đính kèm số biên nhận và mã QR. Tình trạng giải quyết hồ sơ, ngày trả kết quả sẽ hiển thị trên điện thoại khi quét mã này. Mỗi khi có sự thay đổi tình trạng giải quyết hồ sơ, người dân cũng sẽ nhận được tin nhắn thông báo.
Người dân tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính với sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công Bắc Giang

Người dân tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính với sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công Bắc Giang

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang cho biết gần 900 người đã tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua “Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang” trên Zalo. Song song với việc thao tác theo video clip hướng dẫn, người làm thủ tục còn có thể mang về nhà một tờ rơi chỉ dẫn cách thức tra cứu để thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Hơn 1.000 tờ rơi hướng dẫn đặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đã được trao đến tận tay người có nhu cầu.
Trong tháng 9.2019, Trung tâm sẽ thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng Zalo tại tầng 1 của tòa nhà. Qua đó, cung cấp trải nghiệm tốt hơn và từng bước thay đổi thói quen thực hiện thủ tục hành chính hiện nay.

Người dân gọi, chính quyền alo

Bên cạnh tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ, tính năng “chat” giữa người dân và chính quyền trên ứng dụng Zalo là dịch vụ nhận được sự quan tâm lớn. Gọi điện thoại và nhắn tin là hai cách “chat” được triển khai trong một tháng qua. Trực tiếp gõ phím trên điện thoại, ông Bùi Huy Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang cho biết quy trình tiếp nhận được thiết kế để mọi câu hỏi đều được trả lời.
Người dân “chat” với chính quyền tình Bắc Giang để được giải đáp thắc mắc. Ảnh chụp màn hình

Người dân “chat” với chính quyền tình Bắc Giang để được giải đáp thắc mắc. Ảnh chụp màn hình

“Khi gõ trên ứng dụng Zalo, câu hỏi sẽ được chuyển đến người quản trị Trung tâm để trả lời. Khi quản trị trung tâm không trả lời được, nội dung câu hỏi đó sẽ được chuyển cho công chức của Sở ngành đang làm việc tại các quầy trong Trung tâm. Các Sở ngành sẽ nhận thông tin và trả lời người dân”, ông Bùi Huy Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang nói.
Đối với hình thức nói chuyện trực tiếp, cuộc gọi của người dân được nối máy đến bộ phận lễ tân của Trung tâm. Với những câu hỏi mà bộ phận lễ tân chưa trả lời được, cuộc gọi được chuyển tiếp đến công chức của Sở ngành chuyên môn để tiếp tục tư vấn trực tiếp.
Hơn 1.000 người đã bấm nút “Quan tâm” Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang trong 2 tuần đầu ứng dụng Zalo

Hơn 1.000 người đã bấm nút “Quan tâm” Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang trong 2 tuần đầu ứng dụng Zalo

Các giải pháp tiếp nhận ý kiến của người dân được triển khai tại Bắc Giang nằm trong kế hoạch nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên địa bàn tỉnh, hình thành thói quen thực hiện dịch vụ công trên mạng internet thay vì tốn nhiều thời gian đi xe đến Trung tâm Phục vụ hành chính duy nhất tại thành phố Bắc Giang.
“Hiện nay, cái khó nhất của chúng tôi là hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến. Cơ quan nhà nước đã sẵn sàng để phục vụ trực tuyến, nhưng người dân chưa sẵn sàng. Rõ ràng đó là việc của kết nối thủ tục, giao diện. Nếu đơn giản hóa giao diện đi thì chắc chắn người dân sẽ dùng nhiều hơn. Phải làm sao để các thủ tục đơn giản nhất, để bà con thực hiện trực tuyến, không cần phải đến Trung tâm Phục vụ hành chính”, ông Lại Thanh Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.