NƠI TRỰC TUYẾN, NƠI TRỰC TIẾP
Tháng 12.2022, anh Tuấn Nghĩa (35 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) làm thủ tục hành chính (TTHC) trích lục giấy khai sinh theo hình thức trực tuyến. Dù chỉ mất một phút để điền biểu mẫu và nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, nhưng đến khi thanh toán thì hệ thống không có liên kết đến cổng thanh toán trực tuyến (TTTT) như các trang thương mại điện tử, khiến anh chưng hửng.
Do vậy, anh vẫn phải đến trực tiếp bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Văn phòng UBND Q.1 nộp lệ phí. Đến khi nhận kết quả vào ngày thứ bảy theo lịch hẹn, anh được công chức hẹn quay lại vào thứ hai tuần sau vì không có con dấu. "Sau bao nỗ lực chuyển đổi số trong giải quyết hồ sơ trực tuyến, người dân vẫn phải đi đến cơ quan 2 lần và vẫn phải đóng tiền mặt như trước đây", anh Nghĩa than.
Anh Nghĩa so sánh, nếu đi ô tô vào khu vực trung tâm thành phố thì việc tìm chỗ gửi xe cũng khó, khi gửi được thì phí gửi xe cũng cao ngang ngửa phí gửi hồ sơ qua bưu điện. Anh cho rằng, nếu được TTTT và nhận kết quả qua bưu điện gửi về tận nhà thì sẽ không phải tốn thời gian lên trụ sở cơ quan nhà nước làm hồ sơ, tiết kiệm được chi phí đi lại.
Về bất cập trong TTTT, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Q.1, lý giải có 2 trường hợp, hoặc do hồ sơ của khách hàng không đủ điều kiện nên phải trả lại thì không thể thanh toán, hoặc do lỗi hệ thống.
Đối với lỗi hệ thống, lý do thường gặp là trong quá trình đồng bộ, liên thông dữ liệu thì mã hồ sơ không khớp nên hệ thống thanh toán trả về, dẫn đến không thể TTTT. Ngoài ra còn có nguyên nhân liên quan đến lệ phí. Đây cũng là "trục trặc" chung của nhiều quận, huyện khi chuyển sang hệ thống dùng chung của toàn thành phố.
Nếu như trước đây, mỗi địa phương dùng hệ thống riêng lẻ thì sửa lỗi nhanh, còn nay dùng hệ thống chung có nhiều TTHC khác nhau, đơn vị triển khai và đơn vị sử dụng không hiểu hết vấn đề nằm ở đâu nên phải loay hoay xử lý mà không có kết quả.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, TTTT bị tắc không chỉ cấp quận mà còn ở cấp phường, cấp gần dân nhất. Lãnh đạo P.An Phú (TP.Thủ Đức) cho biết cấp phường đang giải quyết nhiều thủ tục qua cổng dịch vụ công trực tuyến như cấp số nhà, khai sinh, bảo hiểm, xác nhận tình trạng hôn nhân… Thế nhưng, người dân hiện vẫn chưa thể TTTT.
Về quy trình giải quyết hồ sơ trực tuyến, sau khi tiếp nhận hồ sơ trên hệ thống, công chức phường kiểm tra và thông báo cho người dân biết hồ sơ đã đủ hay chưa, nếu thiếu giấy tờ gì thì bổ sung. Khi hồ sơ hoàn thành, công chức gửi tin nhắn hẹn người dân lên nhận kết quả và thanh toán trực tiếp. Lúc này, người dân có thể nộp tiền mặt hoặc thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, cấp phường ở TP.Thủ Đức chưa kết nối dịch vụ trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích nên người dân phải nhận kết quả trực tiếp. Trong trường hợp muốn nhận kết quả tại nhà, người dân liên hệ phường và thanh toán khoản phí bưu chính cùng với lệ phí giải quyết hồ sơ. Các công đoạn thanh toán đều thực hiện thủ công, chứ không TTTT được vì chưa có quy trình, công cụ.
Tính đến tháng 12.2022, TP.HCM có 1.766 TTHC, trong đó có 805 thủ tục được đưa lên cổng dịch vụ công, bao gồm 454 thủ tục mức độ 3 (nhận trực tiếp tại trụ sở) và 351 thủ tục mức độ 4 (nhận qua bưu điện).
Dù số thủ tục được làm trực tuyến chiếm 46% nhưng qua khảo sát của PV Thanh Niên, không phải người dân nào cũng biết đến cách nộp hồ sơ đơn giản này. Trong năm 2022, toàn thành phố tiếp nhận hơn 22,3 triệu hồ sơ nhưng chỉ có gần 6 triệu hồ sơ nộp trực tuyến, tương đương 27%. Năm 2021, TP.HCM có 3,26/17,8 triệu hồ sơ giải quyết trực tuyến. So với năm trước đó, lượng hồ sơ được giải quyết trong năm 2022 cao hơn nhiều cả về số lượng (2,67 triệu hồ sơ) và tỷ lệ (8%).
Kết quả giải quyết TTHC trực tuyến trên rất đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa tương xứng với vị thế đầu tàu của thành phố khoảng 13 triệu dân được đánh giá là đi đầu cả nước về khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Bởi hầu hết chi phí cho TTHC, người dân đều phải thanh toán trực tiếp.
Một trong những nút thắt được cấp cơ sở nêu ra là việc TTTT vẫn chưa tiện lợi cho người dân khi làm hồ sơ trên nền tảng số.
KHÔNG CÓ BIÊN LAI ĐIỆN TỬ
Chánh văn phòng một quận ở TP.HCM cho biết, thực tế đa phần người trẻ lựa chọn nộp hồ sơ trực tuyến, còn người lớn tuổi thì nộp trực tiếp. Tuy nhiên, dù TTTT nhưng người dân lại nhận biên lai phí, lệ phí TTHC trực tiếp. "Nếu như mua hàng hoặc đặt xe công nghệ, người dùng sẽ nhận được biên lai điện tử ngay khi kết thúc giao dịch, nhưng khi làm dịch vụ công trực tuyến, người dân thanh toán xong vẫn không biết mình đã nộp đúng, nộp đủ chưa. Điều này tạo cảm giác chưa yên tâm", vị chánh văn phòng này nói thêm.
Theo quy định hiện hành, cơ quan hành chính vẫn phải in biên lai để lưu hồ sơ nhưng rất ít người dân đến nhận, chỉ có doanh nghiệp đến lấy để hoạch toán sổ sách. Chính sự chưa đồng bộ giữa thanh toán và in biên lai lệ phí cũng là một rào cản khiến người dân ngại nộp hồ sơ trực tuyến. Bởi lẽ, việc phải đến nhận biên lai tại trụ sở cũng mất thời gian như đi nộp hồ sơ trực tiếp.
Phó chủ tịch UBND Q.3 Phạm Thị Thúy Hằng cho hay, khi TTTT, người dân phải thanh toán khoản phí giao dịch đối với ngân hàng. Dù khoản tiền này rất nhỏ nhưng cũng tạo ra tâm lý không thoải mái đối với người dân và doanh nghiệp. Trong nhiều buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM, Q.3 đề xuất có cơ chế hỗ trợ khoản phí này để vận động, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Q.1 Phạm Anh Tuấn cho biết, để triển khai TTTT, quận đã tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp TTTT của hệ thống các ngân hàng uy tín. Tuy nhiên, việc liên thông TTTT giữa các ngân hàng với nhau là vấn đề gây khó khăn cho người dân. Do đó, UBND Q.1 lựa chọn giải pháp ví điện tử, hệ thống thanh toán trung gian VNPay, không phân biệt ngân hàng, cho phép sử dụng cả thẻ Visa với chi phí thuê hệ thống và chi phí dịch vụ phát sinh cho 1 lần giao dịch thành công của người dân.
Để đem lại tiện lợi nhất cho người dân, Q.1 chủ trương cho phép sử dụng nguồn khoán chi thường xuyên để trả chi phí thuê hệ thống và chi phí phát sinh giao dịch; nghĩa là người dân chỉ trả lệ phí hồ sơ, không phải trả bất cứ chi phí phát sinh nào khác. Bằng cách làm này, Q.1 thu hút người dân sử dụng dịch vụ công, số lượng ngày càng nhiều hơn theo sự phát triển của hệ thống thanh toán điện tử như Momo, ZaloPay, ViettelPay… Kết quả, UBND Q.1 có 10 thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 69 thủ tục mức độ 4, trong đó có 19 thủ tục tích hợp TTTT. Trong năm 2022, người dân và doanh nghiệp gửi hơn 34.000 hồ sơ trực tuyến.
Khi chia sẻ cách làm này của Q.1, lãnh đạo một số quận, huyện cho biết Q.1 là địa phương duy nhất có trung tâm công nghệ thông tin (đơn vị sự nghiệp công lập) nên có thể sử dụng nguồn khoán chi thường xuyên để hỗ trợ khoản phí phát sinh giao dịch. Trong khi đó, các địa phương khác không có trung tâm này nên không biết vận dụng từ nguồn nào.
CẦN HOÀN THIỆN TÍNH NĂNG THANH TOÁN TRỰC TUYẾN
Góp ý thêm cho Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP.HCM, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng cần hoàn thiện thêm các tính năng thanh toán trực tuyến, thực hiện nhận - trả hồ sơ điện tử, định danh khách hàng điện tử; đồng thời liên thông các thủ tục như cấp phép kinh doanh - thuế, cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất - thuế, nộp phạt vi phạm hành chính - kho bạc…
Liên quan đến TTTT đối với dịch vụ công, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết thành phố đang sử dụng chung Cổng thanh toán quốc gia để đảm bảo tính thống nhất với các địa phương khác trên cả nước. Do đó, các tính năng, chức năng hoặc các chính sách đều theo quy định trên Cổng thanh toán quốc gia. Trong quá trình vận hành, Sở TT-TT sẽ tiếp thu các góp ý để kiến nghị cải tiến việc thanh toán điện tử ngày càng tiện lợi hơn.
Từ tháng 11.2022, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP.HCM chính thức vận hành. Bà Trinh cho biết hệ thống này được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống xác thực định danh điện tử để chia sẻ, xác thực thông tin công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, người dân, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng 1 tài khoản duy nhất để nộp hồ sơ trực tuyến đối với tất cả dịch vụ hành chính công các cấp.
Ngoài ra, khi nộp hồ sơ, người dân và doanh nghiệp sẽ có kho hồ sơ điện tử cá nhân, các dữ liệu được sử dụng lại khi sử dụng dịch vụ công sau đó. Hệ thống này cũng cung cấp công cụ theo dõi tiến trình, nhật ký hồ sơ, ghi nhận tất cả nội dung trao đổi, giao dịch điện tử giúp người dân theo dõi, giám sát hồ sơ của mình, đảm bảo công khai, minh bạch.
Nêu một số giải pháp mang lại thuận lợi cho người dân khi làm hồ sơ trực tuyến, bà Trinh cho biết sẽ tập trung công tác số hóa kết quả giải quyết TTHC, hình thành kho dữ liệu cá nhân trên cổng dịch vụ công, phát huy vai trò các tổ chuyển đổi số cộng đồng, thường xuyên cải tiến tính năng để nâng cao trải nghiệm người dùng…
GIẢM 50% LỆ PHÍ ĐĂNG KÝ CƯ TRÚ KHI LÀM TRỰC TUYẾN
Theo Thông tư 75/2022 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 5.2.2023, lệ phí đăng ký cư trú khi nộp hồ sơ trực tuyến được giảm 50%. Mức phí cụ thể, đăng ký thường trú là 10.000 đồng; đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú (cá nhân, hộ giai đình) là 7.000 đồng; đăng ký tạm trú theo danh sách, gia hạn tạm trú theo danh sách là 5.000 đồng/người; tách hộ là 5.000 đồng/người.
Bình luận (0)