Cuối tuần này (8.7 âm lịch), chị Ngọc Mai, nhân viên văn phòng ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội), dự định cúng rằm tháng 7. Như mọi năm, chị Mai chọn dịch vụ đặt cỗ trọn gói. Tuy nhiên, năm nay, dù đã gọi điện đặt sớm trước 1 tuần, nhưng mối quen đã từ chối không nhận.
“Theo phong tục truyền thống, cúng rằm tháng 7 để mọi người trong gia đình tưởng nhớ ông bà tổ tiên đã mất, cũng là dịp để con cái báo hiếu cha mẹ. Tôi chọn dịch vụ đặt cỗ vì không muốn đi chợ thời điểm này do lo ngại dịch Covid-19, siêu thị mini gần nhà thì không có đồ cúng, song gọi điện vài nơi không ai dám nhận làm cỗ”.
Nếu như những năm trước, thời điểm này, dịch vụ đặt cỗ tất bật nhận đơn hàng, thì năm nay đều “án binh bất động”. Trên mạng xã hội, hình ảnh quảng cáo dịch vụ đặt cỗ rằm tháng 7 cũng hầu như vắng bóng.
Chị Dương Ngọc Diễm Hằng, chủ nhà hàng Lá Nếp Quán (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho hay: “Từ cuối tháng 6 âm lịch, nhiều khách quen đã đặt cỗ. Tuy nhiên, do dịch bệnh, nhà hàng vẫn phải nghỉ. Chốt kiểm soát khắp nơi kiểm tra cực gắt, muốn đến quán cũng khó chứ đừng nói là đi ship nhiều nơi. Chẳng may bị phạt, tiền nộp phạt quá tiền lãi. Thôi thì mình tuân thủ quy định, tạm thời ở yên trong nhà. Nếu tình hình thay đổi, tôi sẽ thông báo cho khách hàng”.
Theo chị Ngân Vũ, chủ bếp chuyên dịch vụ đặt cỗ online ở Q.Hai Bà Trưng, việc vận chuyển khó khăn chính là lý do khiến cho dịch vụ đặt cỗ không dám nhận đơn rằm tháng 7.
“Ngày nào tôi cũng phải trả lời tin nhắn, điện thoại từ chối khách, một mâm cỗ cúng từ 5 - 7 món, chuẩn bị cũng mất nhiều thời gian, mọi khi chỉ mất khoảng 20 phút ship đồ ăn, khách nhận đồ vẫn tươi ngon, nóng sốt. Trong thời điểm giãn cách này, không ai có thể đảm bảo đúng giờ giấc theo yêu cầu của khách hàng, chưa kể nếu bị quay đầu, không qua được chốt kiểm tra, coi như đồ ăn hỏng hết”, chị Ngân nói.
Mặc dù từ chối nhận đặt mâm cỗ cúng, nhưng do nhiều khách có nhu cầu nên một số quán bán đồ ăn online vẫn nhận đặt gà lễ cúng rằm với điều kiện chỉ ship khu vực nội thành, và không nhận ship theo giờ. “Trước đây khách chỉ cần đặt vài tiếng trước là có hàng, nhưng giờ nguyên liệu không sẵn, chúng tôi phải có kế hoạch sớm nên chỉ những khách nào đặt trước 1 ngày, chúng tôi mới kịp chuẩn bị chu đáo”, một chủ cơ sở bán đồ ăn online cho biết.
Giá cao do thực phẩm tăng
Ngoài vận chuyển khó khăn, nhiều chủ quán bán đồ ăn online than thở giá cả thực phẩm tăng cao cũng là lý khiến họ thất thu mùa cỗ rằm tháng 7. Chị Ngân Vũ cho hay: “Do giá cước vận chuyển tăng gấp 3 lần, nguồn cung ít nên giá thịt lợn, thịt bò, tôm, rau xanh… đều tăng giá, vì vậy giá cỗ năm nay sẽ có nhiều biến động. Đơn cử như gà lễ chúng tôi mua vào đã tăng từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, dự báo từ nay đến rằm nhu cầu tăng cao nên giá có thể vẫn chưa dừng lại. Trong lúc dịch dã, mình bán giá cao cũng không đành”.
Chủ một số quán, bếp ăn online cho biết bắt đầu nhận đặt mâm cúng rằm trọn gói khi một số hãng vận chuyển như Now, Ahamove được phép hoạt động trở lại từ tuần này.
Tuy nhiên, giá cả cũng tăng bất ngờ. Nếu như mâm cỗ năm ngoái có giá tiền triệu với 7 - 11 món thì năm nay chỉ có 5 - 7 món. Những món cầu kỳ trong thực đơn như: súp hải sản, gà nướng, tôm chiên, xôi ngũ sắc… cũng được đổi thành món truyền thống đơn giản hơn, như xôi, gà, tôm hấp, canh bóng, nem, bò xào lúc lắc,… với mức giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/mâm (5 - 7 món). So với năm ngoái, mức giá này tăng 100.000 - 300.000 đồng/mâm; riêng set xôi, gà lễ giá từ 480.000 - 700.000 đồng/set (tăng 100.000 - 150.000 đồng).
Bên cạnh mâm cỗ truyền thống, mâm cỗ chay cũng được nhiều người lựa chọn cho ngày rằm tháng 7 với quan niệm không sát sinh, ăn chay niệm Phật, cầu cho các vong hồn siêu thoát.
Tương tự như cỗ mặn, giá cỗ chay từ 5 - 7 món cơ bản như: giò, chả, canh nấm và các món chiên, luộc, xào, nướng… cũng tăng từ 100.000 - 300.000 đồng/mâm, từ 500.000 - 1 triệu đồng/mâm. Ngoài ra, mâm cỗ cúng chúng sinh gồm: cháo loãng, cơm trắng, canh, xôi, chè, khoai lang luộc, bỏng ngô, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, gạo, muối… cũng được loại khỏi thực đơn dịch vụ cỗ rằm đợt này.
Chị Bùi Thùy Linh, chuyên bán đồ chay ở Q.Hoàng Mai (Hà Nội), chia sẻ: “Tình hình chung năm nay là những người làm cỗ cúng đều thất thu. Chúng tôi chuyên bán cho khách quen nên phải giữ chữ tín, việc tăng giá là do nguyên nhân khách quan. Chúng tôi cũng tư vấn cho các khách hàng tùy từng hoàn cảnh gia đình mà mỗi nhà có những cách sắp sửa lễ cúng khác nhau, không phải cứ mâm cao, cỗ đầy mới là trang trọng”.
Theo chị Linh, trong điều kiện dịch bệnh, dù bị hạn chế mua sắm, các gia đình ở nhà thực hiện giãn cách vẫn có thể tự chuẩn bị lễ cúng rằm mà không nhất thiết phải đặt cỗ để đầy đủ các món, cốt là ở lòng thành, giá cũng rẻ hơn.
Bình luận (0)