Dịch vụ hành dân của văn phòng đăng ký đất đai tại Tiền Giang

14/04/2022 06:31 GMT+7

Nhiều chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở tỉnh Tiền Giang tiếp nhận hồ sơ trực tiếp nhưng trả tại bưu điện. Người dân bức xúc cho rằng họ vừa phải tới bưu điện lấy hồ sơ mà còn bị mất tiền.

Từ đầu năm 2022, nhiều bạn đọc ở H.Châu Thành và TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) bức xúc phản ánh với PV Thanh Niên về cách làm gây ra quá nhiều khó khăn, tốn kém của các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tại địa phương.

Cụ thể, bà L.P.H.D (ngụ P.6, TP.Mỹ Tho) cho biết ngày 16.3, bà có đến chi nhánh VPĐKĐĐ TP.Mỹ Tho nộp hồ sơ kiểm tra quy hoạch thửa đất của bà ở xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho. Đến ngày hẹn trả kết quả, bà Diễm phải đến bưu điện TP.Mỹ Tho ngồi chờ đợi và sau khi đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính với chi nhánh VPĐKĐĐ TP.Mỹ Tho, bà D., còn phải đóng 26.000 đồng phí cho bưu điện mới nhận được kết quả. Khi bà D. thắc mắc tại sao người dân phải tốn 26.000 đồng nhưng bưu điện không phát kết quả tới nhà cho người dân thì nhân viên bưu điện trả lời chỉ phát kết quả tại quầy, bà D. có thắc mắc thì liên hệ với chi nhánh VPĐKĐĐ TP.Mỹ Tho để được trả lời.

Nhân viên bưu điện chủ yếu trả hồ sơ để thu tiền, còn thắc mắc của người dân thì phải trao đổi lại với VPĐKĐĐ

BẮC BÌNH

Theo bà D. cũng như các bạn đọc khác, chi nhánh VPĐKĐĐ TP.Mỹ Tho phối hợp với bưu điện làm vậy thì chẳng khác nào hành dân và tạo điều kiện cho bưu điện có thêm việc làm và thu nhập. Thực chất, cách làm của VPĐKĐĐ TP.Mỹ Tho khiến họ vừa tốn tiền, vừa mất thời gian đi lại bưu điện để chờ đợi nhận kết quả là hết sức vô lý.

Ghi nhận tại VPĐKĐĐ TP.Mỹ Tho nhiều ngày, chúng tôi chứng kiến chỉ có một bảo vệ đứng ra tổ chức, sắp xếp và hướng dẫn nộp hồ sơ và giải đáp thắc mắc cho tất cả người dân đến đây.

Tại một bưu điện trên địa bàn TP.Mỹ Tho, PV Thanh Niên ghi nhận hầu hết các thắc mắc của người dân xung quanh hồ sơ đều không được nhân viên bưu điện giải đáp mà trả lời sẽ trao đổi lại với phía VPĐKĐĐ TP.Mỹ Tho. Riêng các hồ sơ thế chấp thì nhân viên bưu điện yêu cầu phải có chủ sở hữu tài sản và đại diện phía ngân hàng mới đồng ý trả hồ sơ.

Theo lãnh đạo VPĐKĐĐ TP.Mỹ Tho, thu hồ sơ trực tiếp và gửi trả hồ sơ qua đường bưu điện là thực hiện theo chủ trương chung của tỉnh, qua dịch vụ công. Riêng việc chưa tiếp hồ sơ qua đường bưu điện mà vẫn tiếp trực tiếp tại trụ sở VPĐKĐĐ TP.Mỹ Tho, theo lãnh đạo cơ quan này là hiện chưa thực hiện tiếp hồ sơ qua đường bưu điện mà tiếp trực tiếp, mỗi lần 5 người để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, đại diện VPĐKĐĐ H.Châu Thành cho biết, cơ quan đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện từ lúc đỉnh dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (khoảng tháng 8.2021) đến nay. Theo vị này, việc tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện có rất nhiều vấn đề gây khó khăn cho cả người dân và cán bộ VPĐKĐĐ H.Châu Thành. Bởi tỷ lệ hồ sơ cần phải bổ sung, chỉnh sửa chiếm khá nhiều.

Điều đáng nói, cả 2 cơ quan VPĐKĐĐ TP.Mỹ Tho và H.Châu Thành đều nói rằng phía bưu điện trả hồ sơ như thế nào thì họ không rõ.

UBND tỉnh Tiền Giang sẽ kiểm tra lại quy trình

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Phạm Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết UBND tỉnh không chỉ đạo các chi nhánh VPĐKĐĐ trên địa bàn tỉnh tiếp nhận hồ sơ trực tiếp và trả hồ sơ qua đường bưu điện. “Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đã rất khác so với thời điểm bùng dịch dữ dội như hồi nửa cuối năm 2021 và quan điểm về dịch Covid-19 cũng đã khác. Do đó, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ cho rà soát lại các quy trình thủ tục liên quan đến việc tiếp nhận, trả hồ sơ… tại các văn phòng VPĐKĐĐ. Nếu có những vấn đề chưa đảm bảo theo chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo hướng gọn nhẹ, giảm phiền hà, giảm nhũng nhiễu, giảm chi phí cho người dân thì sẽ chỉ đạo điều chỉnh ngay lập tức”, ông Trọng cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.