Dịch vụ làm đẹp, karaoke ngóng được mở cửa

30/10/2021 06:13 GMT+7

Sở Y tế TP.HCM lần đầu tiên đề xuất UBND TP.HCM cho phép mở lại các hoạt động, dịch vụ tập trung đông người trong và ngoài trời sau gần 5 tháng tạm dừng.

Công suất hoạt động sẽ phụ thuộc cấp độ dịch

Ngày 28.10, Sở Y tế TP.HCM có tờ trình khẩn về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ gửi UBND TP.HCM. Sở Y tế đã tổ chức họp chuyên gia y tế để lấy ý kiến về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 theo phân công của UBND TP. Theo đó, Sở Y tế đề xuất UBND TP cho phép mở lại 4 hoạt động theo Nghị quyết 128, gồm: Hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời; Cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm đẹp và các cơ sở khác do địa phương quyết định; Cơ sở làm tóc (bao gồm cắt tóc); Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo... Từng loại hình hoạt động sẽ có những biện pháp cụ thể theo cấp độ dịch của địa phương theo Nghị quyết 128.

Vũ trường, karaoke hay bán vé số... tại TP.HCM đang được đề xuất mở cửa lại như trước

ngọc dương - lê mai

Cụ thể, ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp), tất cả dịch vụ trên đều được hoạt động và không hạn chế số người tham gia. Nhưng các vũ trường, karaoke, làm đẹp, cắt tóc thì người làm việc lẫn người tham gia bắt buộc đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Nếu các địa phương thuộc cấp độ 2 thì hoạt động bán hàng rong, vé số vẫn được hoạt động bình thường; hoạt động tập trung trong nhà và ngoài trời không quá 75% công suất. Riêng quán bar, karaoke, làm đẹp... chỉ được hoạt động 50% công suất. Đến cấp độ 3 thì hoạt động bán hàng rong, vé số vẫn được hoạt động nhưng bắt buộc người tham gia phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Các dịch vụ khác giảm bớt công suất xuống như quán bar, karaoke, làm đẹp... chỉ được hoạt động 25% công suất nhưng cơ sở làm tóc cho hoạt động 50% công suất. Nếu địa phương nào thuộc cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm đẹp và bán hàng rong, vé số dạo phải ngừng hoạt động. Riêng hoạt động tập trung đông người trong nhà và ngoài trời cùng thời điểm cũng như cơ sở cắt tóc được phép hoạt động không quá 25% sức chứa.

Đóng cửa nhiều tháng trời, rạp phim Sài Gòn mong ngóng ngày trở lại

Chủ thẩm mỹ viện, karaoke “ngóng” từng ngày

Được xếp loại vào nhóm các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao nên ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại, TP.HCM đã yêu cầu các quán karaoke, thẩm mỹ viện, spa... phải đóng cửa ngừng hoạt động. Vì vậy từ đầu tháng 10 đến nay khi TP.HCM từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế, nhiều cơ sở đã mong chờ được phép mở cửa đón khách.

Chị Lê Thị Mai, đại diện các chủ sở hữu chuỗi ICOOL karaoke với 18 chi nhánh tại TP.HCM, cho biết các cơ sở đã phải đóng cửa từ đầu tháng 5 và đến nay sắp tròn 5 tháng. Số lượng nhân viên mỗi quán từ 30 - 40 người, tổng cộng lên gần 600 người nên sau khi ngừng hoạt động, hệ thống chỉ hỗ trợ được cho toàn bộ nhân viên lương tháng 5 và sau đó không còn đủ khả năng duy trì trợ cấp. Bởi tiền thuê mặt bằng từ 40 - 200 triệu đồng/tháng cho một chi nhánh là con số quá lớn khiến các cổ đông “gồng gánh” không nổi dù đã đàm phán xin chủ nhà giảm giá.

TP.HCM đang ở cấp độ 2

Ngày 24.10, UBND TP.HCM thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế. Theo đó, TP đang ở cấp độ 2. Trong 22 địa phương (cấp quận, huyện và TP.Thủ Đức) có 9 địa phương đạt cấp độ 1 (vùng xanh), 12 địa phương cấp độ 2 (vùng vàng) và chỉ có 1 địa phương cấp độ 3 (vùng cam) là Q.Bình Tân. TP.HCM sẽ công bố, đánh giá cấp độ dịch hằng tuần.

Chị Mai khẳng định: Tất cả tiêu chí đánh giá an toàn cho các cơ sở dịch vụ đã được hướng dẫn thì các chi nhánh ICOOL đều đã thực hiện đầy đủ như quét mã QR, đảm bảo 5K, mỗi phòng karaoke đều có micro riêng cho từng người tham gia... Đồng thời, toàn bộ nhân viên cũng được tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên chị ngóng từng ngày để được phép mở cửa trở lại. “Các quy định đảm bảo tiêu chí an toàn mình thực hiện đủ hết rồi. Liên hệ phường và quận thì được bảo chờ TP cho phép nên từ đầu tháng 10 đến giờ tôi trông mong hằng ngày. Nếu được mở cửa với 50% công suất thôi cũng còn hơn phải ngừng quá lâu. Khách hàng thì giờ đi đâu cũng nghe mọi người đã được tiêm 2 mũi vắc xin và kiểm tra mã QR rồi nên quen và không có khó khăn gì”, chị Mai nói.

Tương tự, đại diện hệ thống Thẩm mỹ viện Angle Beauty cũng cho rằng dù chỉ mới nghe đề xuất được mở lại cũng thấy mừng, hết stress. Dù vậy, vị đại diện này cũng tỏ ra băn khoăn về việc cho mở cửa theo cấp độ dịch. Ông ví dụ Angle Beauty hiện có 2 cơ sở ở TP.HCM là tại Q.10 và Q.Bình Tân. Nếu Q.Bình Tân bị hạn chế vì là vùng cam thì ông chỉ mở trước ở Q.10, nhưng nếu khách quen từ Q.Bình Tân đến Q.10 để được phục vụ thì làm sao ngăn cản? Hoặc như khách ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng nếu theo hộ khẩu lại ở vùng “xanh” thì cũng không phân biệt được. Đó là chưa kể việc hạn chế theo công suất cũng không phù hợp với những cơ sở cao cấp khi đã phục vụ phòng riêng chỉ 1 người/lần... “Chúng tôi đang mong được hướng dẫn và sớm mở cửa lại dù hiện nay tôi nghĩ có thể khách hàng cũng chưa hào hứng đến các dịch vụ spa, thẩm mỹ vì vẫn còn lo ngại. Nhưng quan trọng là việc cho phép mở lại nhiều hoạt động sẽ giúp nhiều cơ sở duy trì, nhân viên có thu nhập, góp phần khôi phục kinh tế vì dịch vụ là trụ cột của TP nên điều này rất mừng”, vị đại diện này nói.

Thận trọng nhưng không nên ngừng lâu

Năm 2020, theo Cục Thống kê TP.HCM, ngành dịch vụ đóng góp lớn nhất vào sự phát triển kinh tế của TP, chiếm tới 62% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 24% GRDP, nông - lâm - thủy sản chiếm 1% GRDP và thuế sản phẩm chiếm 13%. Nhưng đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến ngành dịch vụ bị tác động nặng nề, khiến GRDP của TP bị giảm sút 4,98% trong 9 tháng năm 2021 - con số kỷ lục chưa bao giờ có từ trước đến nay. Vì vậy việc cho mở cửa lại nhiều dịch vụ được các chuyên gia kinh tế nhận định sẽ giúp TP khôi phục lại kinh tế nhanh nhất.

Th.S Vũ Quốc Chinh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc hạn chế công suất đối với các cơ sở karaoke, thẩm mỹ viện, quán bar... để đảm bảo an toàn trong tình hình hiện nay là phù hợp vì đây là những hoạt động trong không gian kín. Nhiều quốc gia cũng có những điều kiện hạn chế đối với một số hoạt động tương tự. Nhưng việc phân cấp độ dịch của từng quận, huyện ở TP.HCM cũng sẽ khiến việc kiểm soát gặp khó khăn. Thực tế có thể diễn ra nguy cơ khách hàng đổ dồn về các dịch vụ thuộc vùng xanh sẽ khiến mất cân đối cung cầu, mất cân đối cả an ninh xã hội. Các cơ sở chỉ có một điểm hoạt động nhưng thuộc vùng cam sẽ càng gặp khó khăn hơn trong khi các doanh nghiệp lớn, có nhiều cơ sở ở nhiều nơi vẫn tận dụng được ưu thế để hoạt động. Từ đó lại có thể xuất hiện tình trạng “lách” để hoạt động hay diễn ra hiện tượng xin - cho, “đi đêm” với cơ quan quản lý địa phương. Do đó ông cho rằng TP ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh tiêm ngừa vắc xin cho người dân nói chung thì cũng liên tục tuyên truyền ý thức chấp hành việc phòng chống dịch theo quy định 5K. Hơn nữa, các quy định đưa ra cần đơn giản, minh bạch để các cơ sở, doanh nghiệp và ngay cả địa phương đều thực hiện đúng để không có kiểu “hiểu sao cũng được”.

Th.S Vũ Quốc Chinh nhấn mạnh: Bản chất của TP.HCM là dịch vụ và đây cũng là thế mạnh của TP. Sau mấy tháng thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, người dân cũng cần có “liều thuốc” xoa dịu tinh thần, giải tỏa căng thẳng nên dù thận trọng cũng đừng quá sợ hãi và sớm cho phép mở cửa các dịch vụ như karaoke, làm đẹp... Từ đó cũng tạo ra hình ảnh bình thường, an toàn cho TP.HCM để thu hút trở lại khách du lịch trong, ngoài nước cũng như người lao động ở các địa phương đến TP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.