Trong đó, diện tích đất có rừng tính tỷ lệ che phủ rừng trên 533.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2023 đạt 54,37%. Là tỉnh cùng tỉnh Sơn La thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đầu tiên trong cả nước, bắt đầu từ năm 2009.
Qua hơn 14 năm triển khai thực hiện chi trả DVMTR (2009-2024); từ tiên phong thí điểm cơ chế tài chính mới lấy rừng nuôi rừng, thông qua khai thác giá trị dịch vụ môi trường rừng ở lưu vực nhà máy thủy điện Đa Nhim, hoạt động chi trả DVMTR đã từng bước chứng minh đây là "cơ chế tài chính bền vững", duy trì ổn định chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân và cộng đồng hơn 10 năm so với các chính sách khác; tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức của người dân; phát huy ý thức trách nhiệm và đóng góp của doanh nghiệp hưởng lợi (là các cơ sở sản xuất nước sinh hoạt, sản xuất thủy điện). Vì vậy, chi trả DVMTR đã tạo ra bước ngoặt cho ngành lâm nghiệp: giảm chi gần 80% ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho việc khoán bảo vệ rừng; giải quyết khó khăn điều phối nguồn ngân sách khi Chính phủ chỉ đạo ngưng khai thác gỗ rừng tự nhiên; đặc biệt, hoạt động chi trả DVMTR đã được thể chế hóa trong luật Lâm nghiệp áp dụng trong toàn quốc.
Hoạt động chi trả DVMTR đến nay đạt được một số kết quả tích cực: Diện tích cung ứng DVMTR hàng năm tăng dần, đến năm 2023 tổng diện tích cung ứng DVMTR khoảng trên 400.000 ha, chiếm tỷ lệ khoảng 75% diện tích có rừng toàn tỉnh. Đối tượng tham gia cũng gia tăng về số lượng tạo nên hoạt động kinh tế xã hội lan tỏa gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường với các bên được chi trả và phải chi trả, gồm 28 đơn vị chủ rừng Nhà nước, 142 chủ rừng là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, 1.457 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, 3 chủ rừng là cộng đồng dân cư, 4 chủ rừng là UBND xã và đặc biệt là hơn 13.000 hộ gia đình, cá nhân ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng (BVR) với các đơn vị chủ rừng Nhà nước.
Để DVMTR không chỉ ngày càng phát triển về số lượng với việc mở rộng diện tích, mở rộng nguồn thu; Đảng và Chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm "chất lượng" của DVMTR để hướng đến giá trị bền vững lâu dài, khi sự đồng thuận các bên tham gia và sự minh bạch hỗ trợ tài chính ngày càng được chú trọng. Theo đó, một số chủ trương, cơ chế chính sách được Chính phủ, các cấp bộ, ngành ban hành đã được khẩn trương triển khai với tinh thần vừa vận động tuyên truyền, vừa lồng ghép tham vấn làm việc chặt chẽ các bên để triển khai được thuận lợi.
Theo số liệu báo cáo của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, tổng số tiền chi trả cho bên cung ứng DVMTR giai đoạn từ năm 2011-2023 là 2.756 tỉ đồng (bình quân mỗi năm chi trả khoảng 212 tỉ đồng/năm). Riêng năm 2023, tổng số tiền chi trả theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh kế hoạch thu, chi tiền DVMTR năm 2023 khoảng 331 tỉ đồng. Từ năm 2023 trở đi, hằng năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng sẽ thực hiện áp dụng đầy đủ 4 hệ số K thành phần theo quy định và thực hiện xây dựng bản đồ lưu vực nơi cung ứng cho từng đơn vị sử dụng (lưu vực theo nhà máy thủy điện, nhà máy nước) và xác định đơn giá chi trả cho từng nhà máy thay vì chi trả theo 2 lưu vực sông trước đây (sông Đồng Nai và sông Sêrêpốk).
Quá trình thực hiện sẽ có những khó khăn thách thức, do có sự chênh lệch về đơn giá giữa các lưu vực chi trả của từng lô rừng, cụ thể: diện tích chi trả theo hệ số K tại các lưu vực có đơn giá chi trả cao nhất 2.722.000 đồng/ha/năm; diện tích có đơn giá chi trả thấp nhất chỉ có 445.000 đồng/ha/năm. Ví dụ cụ thể, nếu một hộ nhận khoán trung bình nhận bảo vệ 30 ha rừng, thì chênh lệch số tiền thực nhận giữa lưu vực có đơn giá chi trả cao nhất (30 ha x 2.722.000 đồng/ha/năm = 81.660.000 đồng/hộ/năm) và lưu vực có đơn giá chi trả thấp nhất (30 ha x 445.000 đồng/ha/năm = 13.350.000 đồng/hộ/năm) là 68.310.000 đồng/hộ/năm. Chính vì sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các lưu vực chi trả, do đó các đơn vị chủ rừng phải thực hiện phân bổ về diện tích cho từng hộ nhận khoán giữa các lưu vực sao cho hợp lý, đảm bảo thu nhập cho các hộ nhận khoán không quá chênh lệch. Việc làm trên cũng có ý nghĩa rất quan trọng, đó là tạo sự công bằng (mang tính chất tương đối) giữa các hộ nhận khoán BVR.
Ngoài ra, để giải đáp những thắc mắc những vấn đề liên quan đến công tác chi trả tiền DVMTR, Quỹ tỉnh, các đơn vị chủ rừng có khoán BVR đang tích cực triển khai công tác tuyên truyền về chi trả DVMTR tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thông qua các buổi tuyên truyền nhằm mục đích tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong việc thực hiện chi trả DVMTR, giúp người dân hiểu về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc bảo vệ rừng chi trả DVMTR. Từ đó tạo được sự đồng thuận và và tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cấp các ngành trong việc thực hiện chi trả DVMTR trong các năm tiếp theo.
Qua quá trình thực tế triển khai trong nhiều năm qua, hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Lâm Đồng đã hướng tới chú trọng nâng cao cả về chất và kiểm soát chặt chẽ cả về lượng rừng cung ứng DVMTR khi có tiềm năng cung ứng ổn định lâu dài; làm cơ sở tiếp cận và sẵn sàng để nỗ lực mở rộng nguồn thu cung ứng DVMTR liên quan khác, đặc biệt là tín chỉ carbon rừng. Đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng để tạo nguồn lực ổn định, bền vững phục vụ cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới.
Bình luận (0)