Dịch vụ tết vào mùa - Kỳ 13: Bán cát trắng

04/02/2013 09:47 GMT+7

Đến hẹn lại lên, nghề bán cát trắng gắn với phong tục thay mới bát hương vào dịp cuối năm để đón tết của người Việt vào mùa.

Dịch vụ tết vào mùa: Bán cát trắng
Cha con anh Thủy phơi cát trắng để kịp bán tết - Ảnh: T.P

Dịch vụ tết vào mùa: Bán cát trắng2
Cát trắng được bán ở chợ Tây Lộc - TP.Huế - Ảnh: T.K

Khoảng rằm tháng chạp trở đi, những điểm bán cát trắng thay hương đã lác đác xuất hiện tại các chợ. Nhưng công việc của nghề bán cát trắng này đã được bắt đầu từ trước đó cả nửa tháng. Ở Huế, cát chủ yếu được lấy từ những động cát trắng ở huyện Quảng Điền và Phong Điền và một số nơi ở huyện Phú Vang… Ở Đà Nẵng, cát được lấy chủ yếu từ Quảng Nam.

Đây là nghề chủ yếu lấy công làm lời. Cát sau khi lấy từ động về, được đãi rửa rất cẩn thận. Anh Lê Văn Thủy, người chuyên bán cát trắng thay lư hương ở chợ Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng) cho biết: “Cát lúc mua về đến lúc mang đi bán phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ  gồm việc đãi, phơi 3 lần nắng cùng 3 lần lọc, sàng dưới 3 loại rổ sàng kích cỡ khác nhau. Phải đảm bao sao cho hạt cát thật khô và trắng, mịn”. Ở thành phố không có chỗ để phơi cát, vậy là anh cùng con trai lớn tận dụng đoạn vỉa hè vắng vẻ trên đường Tiểu La làm chỗ phơi cát. Cứ sáng ra cha con anh đẩy xe bò chở những bao cát đến đây phơi. Chiều đến, cha con lại đẩy xe chở cát về nhà. “Làm nghề này vất vả nhất là những lúc đãi, và sàng cát, bụi bay mù mịt khiến người đãi ho sù sụ. Nếu không chịu khó thì không làm được”, anh Thủy tâm sự.

Cũng như anh Thủy, vốn ngày thường bán dừa trái, mía cây nhưng tết đến thì làm thêm nghề bán cát trắng, hầu hết những người bán cát đều có nghề chính ngày thường. Chị Hạnh, 45 tuổi, quê ở xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, bán cát trắng ở chợ Tây Lộc (TP.Huế) cho biết: “Thường ngày tui bán rau, quả lặt vặt. Nhưng, năm mô cũng rứa, khoảng cận tết là tui lấy cát của mấy người ở làng Dương Đại (Phú Vang) để bán lại. Nói chung, lời lãi thì bất chừng. Ngày đắt ngày ế. Có khi kiếm được 7 - 8 chục ngàn, có khi 4 - 5 chục”.

Ở Huế, giá mỗi lon cát tương đương 1 ngàn đồng/lon. Ở Đà Nẵng, cát có phần mắc hơn, trung bình 5 ngàn/lon cát, được cho sẵn vào bao khoảng 2 lon cát với giá 10 ngàn đồng hoặc 15 ngàn đồng/3 lon. “Khoảng rằm là tui bắt đầu chở cát lên chợ Tây Lộc bán. Mỗi ngày được trăm lon, đủ để mua đồ cúng tết”, chị Hoa, quê Quảng Điền, nói. Không chỉ bán ở chợ, ở Huế, nhiều người còn gánh cát bán rong ở một số con phố trong nội thành Huế. Và họ sẽ chở đến tận nhà nếu khách có nhu cầu. Phần nhiều là những chị nông dân ở huyện Quảng Điền, Phú Vang chở cát lên phố bán dạo.

Ngày tết, ai đi chợ cũng mua vài lon cát trắng về thay bát hương trong nhà. Theo phong phục, thời gian thay bát hương thường diễn ra từ sau rằm tháng chạp, đặc biệt nhiều vào ngày 20 - 22 tháng chạp, tức là trước ngày đưa ông Táo lên chầu trời. Vì thế, mà thời điểm này, cát bán đắt nhất. Nhiều gia đình tất bật cuối năm nên thay muộn, miễn sao hoàn thành trước khi cúng tất niên hoặc lễ mời ông bà về ăn tết cùng con cháu nên vì thế mà đến 30 tết, những xe cát trắng vẫn còn xuất hiện ở các chợ. “Đi chợ tết thì cát trắng là thứ không thể thiếu. Thay cát cho bát hương, ai cũng muốn bàn thờ cuối năm thật tươm tất, sạch sẽ ”, chị Vân, sống ở đường Hùng Vương (TP.Huế) chia sẻ.

Tuyết Khoa - Trần Phương

>> Dịch vụ tết vào mùa - Kỳ 11: Nghề đánh bóng lư đồng
>> Dịch vụ tết vào mùa - Kỳ 12: Hối hả nghề làm bánh tổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.