Dư 3,5 điểm vẫn rớt ĐH
Thí sinh có tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trường ĐH công bố nhưng vẫn rớt. Hiện tượng này đã xảy ra với một số thí sinh xét tuyển các ngành năng khiếu tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn năm nay.
Thí sinh N.H.N.H. (ngụ quận 3, TP.HCM) năm nay thi lại lần 2 và chỉ đăng ký mỗi ngành sư phạm mầm non của Trường ĐH Sài Gòn. Hai môn năng khiếu thí sinh này đạt điểm rất cao (gồm kể chuyện 10 và hát 9,5 điểm) nhưng môn ngữ văn chỉ đạt 3,25 điểm. Với 22,75 điểm, thí sinh này có điểm thi cao hơn điểm chuẩn ngành sư phạm mầm non 22,25 nhưng vẫn rớt.
Tương tự, Đ.V.T (Quảng Nam) tốt nghiệp THPT năm 2017 học lực khá, năm nay dự thi THPT quốc gia đạt 5,5 điểm môn ngữ văn. Thí sinh này đăng ký nguyện vọng 1 ngành sư phạm âm nhạc tổ hợp N01 Trường ĐH Sài Gòn đạt tổng điểm 21,5 (gồm năng khiếu 1 đạt 8 điểm, năng khiếu 2 đạt 8 điểm và môn ngữ văn 5,5 điểm). So với điểm chuẩn 18 của ngành này, thí sinh Đ.V.T dư 3,5 điểm nhưng không có tên trong danh sách trúng tuyển của trường.
Tình trạng điểm thi cao hơn điểm chuẩn nhưng vẫn rớt cũng xảy ra với một số thí sinh xét tuyển vào ngành giáo dục thể chất của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay.
Do quy định mới về ngưỡng điểm sàn
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, đại diện các trường đều khẳng định các trường hợp này không trúng tuyển là đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo đại diện Trường ĐH Sài Gòn, ở khoản 3 Điều 2 quy chế này, các ngành đào tạo giáo viên sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và học bạ hoặc kết hợp với điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi, điểm học bạ phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế. Cụ thể, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do bộ quy định.
Như vậy, điểm sàn ĐH đối với các ngành sư phạm là 18 (mức điểm đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực) thì sàn 1 môn văn hóa để xét tuyển vào các ngành sư phạm bậc ĐH là 6. Quy chế cũng quy định các trường có ngành sư phạm xác định điểm sàn, cụ thể trường sử dụng 2 môn thì điểm sàn 2 môn = điểm sàn 3 môn bộ công bố chia 3 x 2. Nếu trường sử dụng 1 môn thì điểm sàn 1 môn = điểm sàn 3 môn bộ công bố chia 3.
Trong trường hợp này, thí sinh được 5,5 điểm môn ngữ văn +1/3 điểm ưu tiên (0,25/3) = 5,58 điểm (nhỏ hơn 6 điểm) thì chưa đạt sàn môn văn hóa theo quy định trên.
Theo đại diện Trường ĐH Sài Gòn, công cụ xét tuyển của bộ đã cài đặt sẵn ngưỡng điểm này, thí sinh không đạt ngưỡng tự động bị loại khỏi danh sách xét tuyển vào trường từ trước đó. Các trường hợp thí sinh thắc mắc là do không nắm rõ quy định này của quy chế.
Đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho biết có nhận được phản ánh của một vài trường hợp tương tự. Tuy nhiên khi kiểm tra kỹ thông tin thì thấy các thí sinh này dù có tổng điểm 3 môn cao hơn điểm chuẩn nhưng rớt do vướng quy định điểm sàn môn văn hóa theo quy định của bộ. Theo quy định, ngành giáo dục thể chất thí sinh cần đạt điểm 2 môn văn hóa từ 12 trở lên và ngành giáo dục mầm non ngưỡng 2 môn văn hóa cần đạt 12,67 điểm trở lên.
Trường công bố không rõ ràng?
Dù là quy định trong quy chế nhưng theo phản ánh của thí sinh, một phần do chính cách công bố thông tin ngưỡng điểm sàn của các trường không rõ ràng. Công thức tính điểm sàn môn văn hóa của các ngành năng khiếu chưa từng được các trường công bố trước đó trong đề án tuyển sinh hoặc trên website trường.
Theo đề án tuyển sinh trước đó, các trường quy định ngưỡng sàn với ngành đào tạo giáo viên sẽ công bố sau khi có thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT. Nhưng đến khi công bố ngưỡng nhận hồ sơ từng ngành, các trường cũng chỉ thông báo tổng điểm tối thiểu nhận hồ sơ 3 môn.
Về việc công bố thông tin, đại diện Trường ĐH Sài Gòn cho rằng mặc định theo quy định của bộ, trường không có quy định khác nên không nhắc lại .
Còn theo đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chỉ công bố ngưỡng điểm tổng 3 môn theo tinh thần công văn của bộ, chưa nêu cụ thể điểm từng ngành.
Như vậy, có thể nói dù cách xét tuyển mà các trường thực hiện với các thí sinh này không sai quy chế nhưng các trường lại chưa công bố thông tin rõ ràng. Đặc biệt là quy định điểm sàn môn văn hóa với các ngành năng khiếu sư phạm mới chỉ được áp dụng lần đầu tiên vào năm nay (năm ngoái có điểm sàn chung cho nhóm ngành đào tạo giáo viên nhưng không quy định điểm môn văn hóa với các ngành tổ chức thi tuyển kết hợp xét tuyển học bạ hoặc thi năng khiếu). Chính vì vậy thí sinh thắc mắc là hoàn toàn có cơ sở.
Cụ thể, ở khoản 3 Điều 2 quy chế này, các ngành đào tạo giáo viên sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và học bạ hoặc kết hợp với điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi, điểm học bạ phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế này. Cụ thể, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do bộ quy định.
Như vậy, điểm sàn ĐH đối với các ngành sư phạm là 18 (mức điểm đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực) thì sàn 1 môn văn hóa để xét tuyển vào các ngành sư phạm bậc ĐH là 6.
Quy chế cũng nhắc đến việc các trường sử dụng quy chế để xác định điểm sàn. Cụ thể trường sử dụng 2 môn thì điểm sàn 2 môn = điểm sàn 3 môn bộ công bố chia 3 x 2. Nếu trường sử dụng 1 môn thì điểm sàn 1 môn = điểm sàn 3 môn bộ công bố chia 3. Trong trường hợp này, thí sinh được 5,5 điểm môn ngữ văn thì chưa đạt sàn môn văn hóa theo quy định trên.
Bình luận (0)