Điểm chuẩn các trường tốp trên sẽ giảm?

28/06/2018 07:30 GMT+7

Đề thi khó hơn, số lượng thí sinh đạt điểm cao được dự đoán sẽ giảm mạnh so với năm ngoái. Trên cơ sở này, theo đại diện các trường đại học, điểm chuẩn các ngành trường tốp trên có khả năng sẽ giảm từ 1 - 3 điểm so với năm ngoái.


Số lượng thí sinh 8 điểm/môn giảm mạnh
Tiến sĩ Phạm Hồng Danh, Trưởng bộ môn toán cơ bản, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết đề thi năm nay rất khó ở các môn tự nhiên. Vì vậy theo tiến sĩ Danh, chắc chắn điểm chuẩn năm nay ở nhiều ngành sẽ giảm hơn so với các năm trước, đặc biệt là ở các trường ĐH xét tuyển các khối A, A1. Ngay cả các ngành, các trường tuyển sinh khối D1 sẽ có điểm chuẩn thấp hơn vì theo các giáo viên dạy tiếng Anh, đề thi năm nay sẽ không có nhiều điểm cao. Do đó, dù đề thi có phân hóa tốt nhưng so với năm ngoái, điểm chuẩn sẽ thấp hơn.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đề thi các môn toán, khoa học tự nhiên được nhận định khó hơn năm 2017. Đáng chú ý, đề được nhận định có độ phân hóa cao hơn, nếu năm trước học sinh (HS) khá có thể đạt trung bình 8 điểm/môn thì năm nay chỉ HS giỏi thực sự mới đạt được mức điểm này. Điểm môn ngoại ngữ khả năng cũng không cao nếu xét mặt bằng chung HS toàn quốc.
Từ những phân tích trên, thạc sĩ Sơn cho rằng số lượng TS đạt điểm cao không nhiều bằng năm ngoái và điểm chuẩn các ngành tốp trên các khối A, A1, B, D1 sẽ giảm. “Những ngành năm ngoái có mức điểm chuẩn từ 24 trở lên năm nay sẽ thấp hơn, các ngành có điểm chuẩn năm ngoái từ 22 trở xuống có thể không thay đổi nhiều”, thạc sĩ Sơn dự đoán.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng điểm thi và điểm chuẩn các ngành có xét tổ hợp liên quan đến môn toán, bài thi khoa học tự nhiên sẽ giảm. Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết đề khó hơn, điểm chuẩn khả năng sẽ thấp hơn năm ngoái.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng dự kiến bài thi sẽ ít điểm tối đa, môn toán khó có điểm 8 trở lên nên điểm chuẩn sẽ giảm với những trường tốp trên.
Điểm chuẩn giảm từ 1 - 3 điểm ?
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, các ngành và trường tốp trên điểm chuẩn chắc chắn giảm khoảng 1 - 3 điểm. Trong khi các ngành trường tốp dưới, các ngành xét tổ hợp khoa học xã hội điểm chuẩn không ảnh hưởng nhiều. “Một số ngành “nóng” của trường năm ngoái điểm chuẩn ở mức 25, năm nay có thể giảm còn 23. Tuy nhiên, mức điểm giảm sẽ khác nhau tùy theo số lượng TS đăng ký thực tế vào ngành đó. Riêng các ngành đào tạo chất lượng cao, điểm chuẩn sẽ giảm nhiều hơn, có thể từ 21 xuống còn 18 điểm”.
Ông Dũng dự kiến sẽ công bố mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển vào trường năm nay là 17 điểm (hệ chất lượng cao) và 18 điểm (hệ đại trà) thay vì 19 điểm cho tất cả các ngành như năm ngoái.
Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thạc sĩ Phạm Thái Sơn dự đoán các ngành năm ngoái có điểm chuẩn từ 18 - 23 sẽ không thay đổi nhiều. Những ngành truyền thống điểm chuẩn vẫn giữ ổn định ở mức 17 - 18, trong khi các ngành mới mở hoặc khó tuyển (như công nghệ vật liệu, khoa học môi trường…) điểm chuẩn có thể chỉ còn 16 - 17.
PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, dự kiến trường này sẽ nhận hồ sơ xét tuyển của TS từ 14 - 15 điểm. Phân tích tình hình trường mình, PGS-TS Hướng cho biết năm ngoái điểm chuẩn các ngành của trường ở nhiều mức khác nhau, dao động từ 16 - 24 điểm. Trong đó các ngành đi biển điểm chuẩn chỉ 16 - 17, nhưng một số ngành như kinh tế, cơ khí điểm chuẩn lên tới 23 - 24 điểm. Năm nay với nhận định đề thi các môn liên quan đến tổ hợp xét tuyển của trường khó hơn (A và A1), số lượng TS đạt điểm cao giảm nên khả năng điểm chuẩn các ngành điểm cao của trường sẽ giảm theo.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM dự kiến điểm chuẩn sẽ ổn định từ 18 - 23,75.
Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết chưa thể nói trước được điểm chuẩn sẽ cao hay thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, đề thi khó hay dễ hơn, số lượng TS điểm cao ít hay nhiều hơn cũng là một tiêu chí ảnh hưởng đến điểm chuẩn của các trường.
Trong khi đó, từ góc nhìn của một trường ĐH có điểm chuẩn luôn rất cao, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng điểm thi thấp hơn cũng sẽ không gây ra nhiều xáo trộn với trường mình. Theo ông Khôi, thông thường TS nộp hồ sơ vào trường đã xác định khả năng đạt mức điểm nào mới nên nộp. Chỉ những TS điểm cao mới xét tuyển vào trường. Vì vậy, dù điểm thi có thấp thì cũng ít ảnh hưởng đến trường. Chỉ cần xét theo chỉ tiêu để lấy TS có điểm từ cao đến thấp.
Dự kiến ngày 11.7 công bố kết quả thi
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết ngay trong ngày 27.6, Hội đồng chấm thi tiến hành các công tác chuẩn bị cho việc chấm thi về phân loại bài, làm phách… Sở huy động khoảng 700 giáo viên đang giảng dạy ngữ văn lớp 12 tham gia vào việc chấm bài thi bắt đầu từ ngày 30.6. Dự kiến việc chấm thi thực hiện trong vòng một tuần và ngày 11.7 công bố kết quả thi.
Ông Hiếu nói thêm qua kỳ thi này, chắc chắn các trường phổ thông sẽ phải rút kinh nghiệm trong việc ôn thi, phân loại HS. Việc định hướng học tập, mục tiêu cho học sinh sẽ khác nhau. Với những HS xác định vào các trường tốp đầu phải có sự chuẩn bị ngay từ sớm. Điều này đòi hỏi việc dạy và học phải lên kế hoạch ôn tập sớm, vừa học chương trình mới ở lớp 12, vừa phải thu xếp thời gian củng cố kiến thức lớp cũ để đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi.
Bích Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.