Điểm chuẩn tuyển sinh giữa các phương thức sẽ không còn chênh lệch bất hợp lý?

26/11/2024 16:11 GMT+7

Bộ GD-ĐT sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học để tạo sự công bằng cho thí sinh, để điểm chuẩn tuyển sinh giữa các phương thức sẽ không còn chênh lệch bất hợp lý.

Bộ GD-ĐT mới đây đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non (sau đây gọi chung là tuyển sinh đại học). Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết dự thảo thông tư sửa đổi một số điều của quy chế tuyển sinh đại học tập trung khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay, để điểm chuẩn tuyển sinh giữa các phương thức không còn chênh lệch bất hợp lý.

Điểm chuẩn tuyển sinh giữa các phương thức sẽ không còn chênh lệch bất hợp lý?- Ảnh 1.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, nếu sửa đổi quy chế, điểm chuẩn tuyển sinh giữa các phương thức không còn chênh lệch bất hợp lý

ẢNH: ĐỨC HIỆP

Dự kiến 2 điểm mới trong quy chế tuyển sinh

Theo bà Thủy, dự thảo thông tư sửa đổi tập trung vào 2 điểm quan trọng đã được trao đổi và thống nhất tại hội nghị giáo dục đại học hồi tháng 8 vừa qua. Thứ nhất là khắc phục những bất cập khi cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo, trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.

Thứ hai là đáp ứng yêu cầu của những đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp trung học phổ thông. Những nội dung sửa đổi, bổ sung khác chủ yếu mang tính kỹ thuật, tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức đăng ký và xét tuyển.

Bà Thủy nhận định, trong những năm qua, hầu hết các trường ĐH thường phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển, thậm chí cho từng tổ hợp môn xét tuyển, từ đó áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu của từng phương thức, tổ hợp môn xét tuyển. Vấn đề là khó có cơ sở khoa học hay thực tiễn cho việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức hay tổ hợp xét tuyển của một ngành đào tạo, dẫn tới xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển.

Do vậy, dự thảo sửa đổi quy chế lần này quy định quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung, thống nhất đối với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trên cơ sở đó xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Về cơ bản, cả hệ thống thống nhất áp quy định này, trừ trường hợp xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm các thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội.

Tránh lạm dụng điểm cộng trong xét tuyển

Cũng theo bà Thủy, cách thức quy đổi tương đương điểm xét là phải bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa của thang điểm chung, đồng thời không có thí sinh nào có điểm xét vượt mức điểm tối đa.

Các trường ĐH sẽ phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ và các điểm cộng ưu tiên khác, qua đó hạn chế việc lạm dụng gây bất công bằng giữa các thí sinh có điều kiện đầu tư cho học tập khác nhau.

Tác động lớn nhất của quy định mới này là việc xét tuyển sớm của các trường sẽ tự động bị hạn chế. Do vậy, dự thảo sửa đổi cũng đã hướng dẫn xác định chỉ tiêu xét tuyển sớm phải bảo đảm điểm trúng tuyển (quy đổi tương đương) của các phương thức xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung. Khi đó, tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển một cách công bằng dựa trên một thang điểm chung và một điểm chuẩn trúng tuyển chung, cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên và chất lượng đầu vào của các trường cũng tăng theo.

Các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động cạnh tranh tuyển được những thí sinh giỏi nhất, đồng thời các em có năng lực tốt nhất cũng vẫn có cơ hội trúng tuyển sớm để chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.

Cạnh đó, khi việc xét tuyển sớm bị hạn chế, một số vấn đề bất cập khác cũng sẽ được khắc phục, như việc các trường phải dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho công việc xét tuyển sớm (mà lợi ích mang lại thực sự chỉ là tâm lý chủ động và yên tâm hơn khi có những kết quả sớm), hay việc nhiều học sinh lớp 12 lơ là học tập khi đã biết kết quả trúng tuyển (không chỉ ảnh hưởng tới kết quả học tập bản thân mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới việc dạy và học trong lớp, trong trường).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.