Điểm chuẩn xét tuyển thi đánh giá năng lực ở mức nào?

17/04/2023 07:36 GMT+7

Gần 100 trường ĐH và CĐ tham gia xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Nhiều trường không công bố điểm sàn tối thiểu nhận hồ sơ, có trường chỉ nhận hồ sơ ở mức trên dưới 600 điểm. Thí sinh cần lưu ý gì khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường?


NHIỀU TRƯỜNG KHÔNG CÔNG BỐ ĐIỂM SÀN

Bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM có tổng điểm 1.200 và mỗi trường có những quy định khác nhau về mức điểm sàn (điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển). Ngay trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường cũng có những quy định khác nhau. Một số trường cho biết không quy định mức sàn tối thiểu như: Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Khoa Y… Trong khi đó, một số đơn vị đưa ra mức điểm sàn chung cho toàn trường ở mức 600 - 700 điểm.

Điểm chuẩn xét tuyển thi đánh giá năng lực ở mức nào ? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay

NHẬT THỊNH

Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ thông tin nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức này là 700 điểm cho tất cả các ngành. Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho rằng điểm chuẩn các ngành của trường năm nay có thể bằng hoặc thấp hơn năm ngoái một chút. Năm ngoái, điểm chuẩn các ngành thấp nhất của trường ở mức 800. Theo tiến sĩ Khang, các ngành của trường đều thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Thí sinh (TS) không nên chỉ đăng ký vào các ngành quá "hot" như công nghệ phần mềm, khoa học máy tính, an toàn - an ninh thông tin mà nên đặt thêm nguyện vọng vào các ngành khác để tăng cơ hội trúng tuyển.

Ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường cũng có những quy định khác nhau.

Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ nhận hồ sơ xét tuyển với TS dự thi đợt 1 và không đưa ra mức sàn tối thiểu. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm nay cũng không đưa ra mức sàn cụ thể. Thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đưa ra dự báo mức điểm chuẩn có thể tương ứng với năm ngoái, dao động trong khoảng 650 - 900 điểm tùy theo ngành. Trong đó, ngành dược thường có mức điểm chuẩn cao nhất, khoảng 870 - 900. Một số ngành dự kiến cũng có mức điểm chuẩn cao khoảng 750 - 850 điểm như: công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, marketing, digital marketing, công nghệ kỹ thuật ô tô, ngôn ngữ Anh, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng… Các ngành còn lại điểm chuẩn dự kiến dao động trong khoảng 650 - 750 điểm tùy thực tế TS đăng ký.

Điểm chuẩn xét tuyển thi đánh giá năng lực ở mức nào? - Ảnh 2.

Thí sinh thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đang trong giai đoạn nộp hồ sơ xét tuyển

NHẬT THỊNH


NHỮNG TIÊU CHÍ KHI ĐĂNG KÝ NGUYỆN VỌNG

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng có cách xét tuyển khá đặc thù với điểm kỳ thi đánh giá năng lực khi xem đây là một thành phần điểm trong phương thức xét tuyển tổng hợp. Theo PGS-TS Nguyễn Đình Tuyên, Phó trưởng phòng Đào tạo trường này, kết quả thi đánh giá năng lực có vai trò quan trọng trong tổng điểm xét tuyển phương thức này. Như năm ngoái, điểm thi năng lực chiếm trọng số 70% tổng điểm học lực quy đổi và tiêu chí học lực lại chiếm tới 90% tổng điểm xét tuyển toàn phương thức. Năm nay, trọng số điểm của bài thi đánh giá năng lực dự kiến cũng xoay quanh mức này, hội đồng tuyển sinh trường sẽ công bố cụ thể dựa trên thực tế TS đăng ký xét tuyển.

"Nhưng dù phương thức riêng như trước đây hay phương thức xét tuyển tổng hợp như năm ngoái, điểm thi đánh giá năng lực TS cần đạt được khi xét vào các ngành của trường cũng có sự tương đồng nhau. Trong đó, ngành khoa học máy tính điểm năng lực luôn yêu cầu ở mức trên dưới 900, các ngành còn lại cũng nhiều mức khác nhau từ trên 600 đến trên dưới 800 điểm", PGS Tuyên chia sẻ thêm.

Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, cũng cho rằng dù không công bố điểm sàn nhưng với phổ điểm năm nay và điểm chuẩn các ngành của trường năm trước, TS lưu ý một số điểm khi đăng ký nguyện vọng vào trường. Thạc sĩ Tiến phân tích: "Theo phổ điểm của đợt 1 năm 2023, số lượng TS trên 750 điểm tương tự như năm 2022. Chỉ tiêu của trường năm nay cũng tương tự như năm ngoái, do đó điểm chuẩn của năm nay cũng sẽ xoay quanh và sát với năm 2022. TS nên tham khảo kỹ mức điểm của năm 2022 để sắp xếp thứ tự nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường".

Theo thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, TS có thể nhìn vào phổ điểm năm nay và căn cứ vào điểm chuẩn năm 2022 để đánh giá khả năng trúng tuyển của mình vào trường. "Tuy nhiên, có thể năm nay sẽ có sự thay đổi điểm theo chiều hướng tăng nhẹ. TS có thể cân nhắc lựa chọn một số ngành có mức điểm chuẩn năm trước ở mức 600 - 750 điểm. Đây là những ngành có ít TS đăng ký nên khả năng trúng tuyển khá cao nếu điểm thi đợt 1 của bạn cao hơn điểm chuẩn năm vừa rồi", thạc sĩ Vũ cho hay.

Dựa trên phổ điểm năm nay, ông Vũ cũng khuyến cáo thêm, năm nay TS dự thi đông hơn và đề thi có tính phân hóa tốt, nên ở tất cả khoảng điểm đều có số TS cao hơn khoảng 2 - 10% so với năm vừa rồi. Cụ thể khoảng điểm ở mức trung bình (601 - 750 điểm) tăng khoảng 10%, điều này có thể dự báo điểm chuẩn trúng tuyển đối với các ngành đào tạo có số điểm tương ứng sẽ tăng, dao động khoảng 5 - 10 điểm. Phân khúc từ 751 điểm trở lên, được xem là những ngành tương đối thu hút TS, điểm cũng sẽ tăng nhẹ vài điểm.

Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đưa lời khuyên: "Tuy không công bố điểm sàn xét tuyển nhưng TS có thể tham khảo điểm chuẩn phương thức này trong 2 - 3 năm trở lại đây". Năm nay, trường ĐH này dành từ 38 - 50% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi năng lực. Năm ngoái, điểm chuẩn các ngành trải dài từ mức 610 đến 900 điểm, trong đó ngành truyền thông đa phương tiện có điểm chuẩn cao nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.