TAND tỉnh Quảng Ninh vừa tuyên án 16 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên án 10 năm tù.
Đây là vụ án thứ hai bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đưa ra xét xử. Ở vụ án đầu tiên xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 30 năm tù về 2 tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Có một điểm khiến nhiều người thắc mắc: vụ án ở Quảng Ninh, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên thêm 10 năm tù, nhưng tổng hợp hình phạt qua 2 vụ án vẫn là 30 năm tù, bằng mức án trong vụ án ở Đồng Nai. Vì sao lại như vậy?
Án tù có thời hạn tối đa 30 năm
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối, Đoàn luật sư TP.Hà Nội), điều 55 và điều 56 bộ luật Hình sự quy định: khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung. Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là tù có thời hạn thì hình phạt chung không được vượt quá 30 năm.
Tại sao luật quy định ở mức 30 năm? Luật sư Hùng cho rằng ngoài mục đích răn đe, hình phạt còn hướng đến giáo dục đối với người phạm tội, tạo cơ hội cho họ được sửa chữa sai lầm, trở lại làm công dân có ích cho xã hội.
Thực tế cho thấy, khi thực hiện hành vi, người phạm tội phần lớn đã ở tuổi trưởng thành, nếu chấp hành xong bản án 30 năm tù thì họ đã già yếu, không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.
Thêm vào đó, hình phạt cũng phải mang tính thực tế, để có thể thi hành. Nếu xét xử và tuyên án 100 - 200 năm tù (như một số quốc gia), nhưng con người chỉ sống được 70 - 80 tuổi, thì hình phạt sẽ mang tính tượng trưng nhiều hơn.
Vì thế, bộ luật Hình sự quy định tổng hình phạt tù có thời hạn tối đa là 30 năm, cao hơn mức án này là chung thân hoặc tử hình. Cũng có nghĩa, trong nhiều vụ án, nếu người phạm tội bị tuyên chung thân hoặc tử hình ở một vụ án thì tổng mức hình phạt sẽ là chung thân hoặc tử hình.
Vẫn phải thực hiện trách nhiệm dân sự
Ngoài 2 vụ án ở Quảng Ninh và Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án thứ ba, xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, cũng về hành vi vi phạm quy định đấu thầu.
Nếu bị xác định có tội và tuyên án tù có thời hạn, liệu tổng mức án của bà Nhàn có thay đổi gì không?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhắc lại các phân tích như đã nêu ở trên, trường hợp vẫn bị tuyên án tù có thời hạn, dù thêm một hay nhiều vụ án nữa, tổng mức án đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn là 30 năm tù.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, đó là về trách nhiệm hình sự. Còn về trách nhiệm dân sự, nếu phát sinh nghĩa vụ bồi thường theo bản án đã có hiệu lực thì người phạm tội vẫn phải thực hiện như bình thường.
Trong thực tiễn xét xử, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn không phải trường hợp duy nhất mà đã có một số vụ án tương tự. Điển hình là ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bị xét xử trong 4 vụ án khác nhau, nhưng tổng hình phạt cũng là 30 năm tù.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 27.10
Đang bỏ trốn thì thi hành án ra sao?
Đến nay, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang bỏ trốn, chưa truy bắt được. Vậy, bản án đối với người này, cả về phần hình sự và dân sự, sẽ được thi hành như thế nào?
Theo ông Trương Việt Toàn, nguyên thẩm phán, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.Hà Nội, sau khi bản án có hiệu lực, việc truy bắt đối với cựu Chủ tịch Công ty AIC vẫn sẽ tiếp tục. Khi bị án bị bắt hoặc ra đầu thú, họ sẽ phải chấp hành ngay bản án đã tuyên.
Trong khi đó, luật sư Trần Thị Tĩnh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định, dù bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn nhưng cơ quan tố tụng đã kịp thời phong tỏa, kê biên nhiều tài sản liên quan đến người này. Những tài sản bị kê biên sẽ được xử lý theo quy định nhằm thi hành nghĩa vụ bồi thường.
"Việc bà Nhàn đang bỏ trốn không ảnh hưởng đến quá trình thi hành phần án dân sự. Vấn đề nếu có, đó là số tài sản bị kê biên có đủ để bồi thường hay không", luật sư Tĩnh nói.
Bình luận (0)